Vô địch Monte Carlo, giữ số 1 thế giới: Vua đất nện Nadal vẫn tiến hoá

(Tin thể thao - Tin tennis) Nadal khiến cho việc anh 11 lần vô địch Monte Carlo không trở nên nhàm chán bởi Nadal lại tiếp tục tiến hoá.

Video những cú đánh đẳng cấp của Nadal trước Nishikori:

Trong số 20 điểm trực tiếp ghi được trước đối thủ ở trận chung kết Nishikori, Nadal có 7 điểm từ những cú trái tay.

Tỉ lệ này là thấp nhất trong số 3 trận đấu được cho là định lượng về năng lực cạnh tranh của Vua sân đất nện, bởi trước khi bước vào giải người ta vẫn còn hồ nghi về tình trạng thể lực có thể ảnh hưởng tới việc duy trì sự thống trị của anh.

Vô địch Monte Carlo, giữ số 1 thế giới: Vua đất nện Nadal vẫn tiến hoá - 1

Nadal vẫn quá khác biệt trên mặt sân đất nện

Ở trận đấu với Thiem, đối thủ lớn nhất trên mặt sân màu đỏ, người duy nhất đánh bại được Nadal ở hệ thống này kể từ đầu 2017, Nadal còn thi triển cú trái ấn tượng hơn thế.

Nadal ghi điểm winner bằng cú trái tay chéo sân: bóng nhú lên và Nadal mở vợt sớm, vừa mượn lực, vừa xoay hông, vai và duỗi hai cánh tay thật dài tạo nên một lực đánh khủng khiếp và chính xác để bắt đầu trận đấu mà thế giới gọi là Vua đấu với Hoàng tử.

Cả Thiem, Dimitrov và Nishikori đều mong muốn trả giao bóng vào trái tay của Nadal, nhồi trái thật nhiều mỗi khi có cơ hội, nhưng Nadal phần lớn đều ôm sân, sẵn sàng đôi công, lúc mở góc, lúc tăng lực đột ngột để dứt điểm.

Nadal đánh bóng nhú – điều mà bao năm qua người ta nghĩ rằng Nadal không thể làm được, nay lại gần như hoàn thiện ở cái tuổi sắp tròn 32 (tháng 6).

Điểm cuối cùng của trận chung kết, Nadal kết thúc bằng cú trái tay ngay sau khi Nishikori trả giao bóng. Nadal vẫn còn đứng trên vạch cuối sân khi thực hiện bước xoạc đệm thăng bằng, và chỉ nhích lại phía sau nửa bàn chân, mở vợt rất gọn, thực hiện cú trái chéo sân ghi điểm trực tiếp.

“Nadal hoàn thiện hơn bao giờ hết”

Francisco Roig, HLV thứ hai của Nadal (sau Moya) đã nói với truyền thông Tây Ban Nha trước khi Nadal tới công quốc Monaco: “Nadal giờ đây đa dạng hơn, nhiều vũ khí hơn, hoàn thiện hơn bao giờ hết”. 

Và mục tiêu “hoàn thiện hơn bao giờ hết” chính là lý do Nadal sau khi kết thúc trận bán kết với Dimitrov sau 92 phút đã ở lại sân để tập tiếp thêm 1 tiếng đồng hồ nữa.

Vô địch Monte Carlo, giữ số 1 thế giới: Vua đất nện Nadal vẫn tiến hoá - 2

"Vua đất nện" bảo vệ ngôi số 1 thế giới

Yêu cầu chuyên môn HLV Carlos Moya đặt ra là: Tiếp bóng sớm hơn và hướng đánh chuẩn hơn theo đúng chiến lược "Team Nadal" đã lập ra cách nay một năm về việc cần phải giảm việc chơi bằng sức, phải phán đoán nhiều hơn.

Nadal sau đó nói rằng cả sự nghiệp của anh đã có vài lần ra sân tập tiếp sau trận, thế nên cũng không có gì to tát cả.

Nhưng vấn đề không phải là khối lượng như những lần đấu như đi dạo trước kia (nên cần nhồi đủ khối lượng) mà nó là chuyện của kỹ chiến thuật: Vũ khí né trái đánh phải đã làm nên tên tuổi của Nadal nhưng cũng lấy đi rất nhiều thể lực của Nadal giờ phải được thay thế một phần bởi cú trái.

Thống kê cho thấy Nadal trong trận chung kết đã thực hiện 87 cú trái tay và chỉ né trái đánh phải 33 lần. Chiến thuật này giúp Nadal được đứng ở vị trí gần giữa sân nhiều hơn thay vì lệch sang phải và không còn mở ra quá nhiều góc cho đối thủ tấn công như trước.

Chiến thuật này cũng được Thiem sử dụng khi đấu với Nadal. Nhưng nếu Nadal ôm sân thì Thiem lùi rất sâu để bung trái.

Ôm sân là vị trí lý tưởng để mở góc, mở ra những cơ hội để dứt điểm. Còn lùi sâu thì khả dĩ nhất là đưa bóng đi sâu về cuối sân. Kết cục là Thiem chịu một trong những thất bại đau đớn nhất trước Nadal (thua 9 game liền, chỉ ăn được 2 game cả trận, thời gian thi đấu chỉ 67 phút).

Dimitrov chứng kiến điều đó nên đã có những tính toán chiến thuật, gần như không cắt mà chơi đôi công cả khi bị ép trái, cố gắng tấn công trở lại trong mọi pha bóng.

Tay vợt Bulgaria với nền tảng thể lực được xây dựng liên tục trong 4 năm qua đã buộc Nadal phải đánh khó hơn bình thường mỗi khi tấn công và phải nhiều lần thêm 1-2 cú đánh. Nhưng cũng chỉ hay được 1 set, thua 4-6 rồi Dimitrov thất bại chóng vánh ở set 2 bởi chỉ ăn được 1 game.

Nishikori cũng tìm cách thử thách Nadal ở trận chung kết. Về lý thuyết, Nadal chơi ôm sân sẽ gặp khó khăn từ cách đánh bóng nhú và có điểm bóng chạm mặt sân đầy thách thức từ Nishikori.

Thực tế Nishikori cũng đã có sự chủ động, được đánh thuận tay nhiều hơn, được ép trái Nadal nhiều hơn với tỉ lệ 110 cú nhồi trái, và 102 cú đánh vào tay thuận Nadal. 

Nishikori thậm chí đã có phần thưởng xứng đáng, không bị bẻ ngay game giao bóng đầu tiên của mình như những người khác mà còn là người đầu tiên trong trận chung kết bẻ được game.

Nhưng như đã nói, phần còn lại của trận đấu chỉ là để tôn vinh cú trái của Nadal, của sự hoàn thiện chiến thuật tay vợt này đã trình diễn để lần thứ 11 vô địch Monte Carlo – kỷ lục chưa từng có trong lịch sử tennis. Hoặc nó chỉ có thể được chính Nadal san bằng nếu như anh lên ngôi ở Barcelona Open (tuần này) và Roland Garros – nơi anh đều có 10 danh hiệu vô địch.

Dự báo nào cho chặng đường phía trước

Monte Carlo có chất lượng mặt sân, tốc độ và độ cao của bóng nảy mặt sân tương tự như Roland Garros.

Giải đấu này vì vậy vẫn luôn là một sự chuẩn bị lý tưởng cho Grand Slam thứ hai trong năm dù giữa Monte Carlo với Roland Garros cách nhau tới 3 giải đấu và 4 tuần.

Vô địch Monte Carlo, giữ số 1 thế giới: Vua đất nện Nadal vẫn tiến hoá - 3

Nhưng khó khăn sẽ còn ở phía trước với Rafa

Nadal lần đầu tiên vô địch ở Monte Carlo từ năm 2005, khi mới 19 tuổi, đánh bại chuyên gia đất nện người Argentina Guillermo Coria và vài tuần sau đó cũng đã lần đầu vô địch Roland Garros.

Nadal trong 3 năm tiếp sau đều gặp Federer ở chung kết và qua 3 trận đấu chỉ thua 1 set. Họ cũng lại gặp nhau ở 3 trận chung kết Roland Garros trong cùng năm và cả 3 lần Nadal đều thắng.

Trong những lần lên ngôi tiếp theo, Nadal từng đánh bại Djokovic 2 lần (và cũng thua Nole 2 lần), và từng có 4 lần vô địch mà không thua set nào (năm 2007, 2008, 2010, 2012). Và những lần Nadal vô địch tuyệt đối như thế, sau đó Nadal đều đăng quang ở Roland Garros.

Nhưng cũng có những năm mà Nadal vô địch Monte Carlo rồi thất bại ở Roland Garros như 2009 và 2016, hoặc ngược lại, không lên ngôi ở giải đầu mà vẫn đăng quang ở giải sau (2013, 2014).

Vậy còn năm nay thì sao? Như nhận định ở trước giải, rõ ràng năm nay các đối thủ đã suy yếu. Djokovic liệu có kịp trở lại với phong độ đỉnh cao trong 1 tháng nữa? Liệu Thiem có thay đổi được toàn bộ cách đánh của mình chỉ sau một thời gian ngắn mà vẫn chỉ có một HLV đã gắn bó nhiều năm (Gunter Bresnik)? 

Đối thủ của Nadal vì vậy vẫn chỉ là chính bản thân Nadal, người đã có 36 set thắng liên tiếp trên mặt sân đất nện cho tới trước khi tham gia Barcelona Open.

36 set đấu đó diễn ra không phải trong thời gian liên tục, mà có sự ngắt quãng. Trước Monte Carlo chỉ là 2 trận đấu ở Davis Cup mà sau đó vẫn đạt phong độ đỉnh cao có thể là cơ sở để Nadal điều chỉnh lịch thi đấu.

Tạo ra một khoảng cách tạm an toàn về số danh hiệu Masters 1000 với Djokovic (hiện là 31 so với 30) để rút ngắn khoảng cách Grand Slam với Federer (hiện là 16 so với 20) có thể là một lộ trình hoàn hảo.

Ở Monte Carlo 2018, một hình ảnh quen thuộc khác của Nadal trở lại: Các đối thủ sau khi cố gắng dồn toàn lực trong những game đầu, trong set đầu nhưng Nadal vẫn áp đảo để rồi họ phải đầu hàng ở phần còn lại của trận đấu. Có 3 trận đấu ở Monte Carlo Nadal thua set sau ít hơn set đầu. Còn hai trận còn lại thì Nadal chùng xuống sau khi đã thắng 6-0 (với Thiem) hoặc 6-1 (Bedene).

Siêu phẩm Monte Carlo: Nishikori chôn chân Nadal, “Tiểu Federer” bật như sóc

(Tin tennis) Monte Carlo 2018 đã khép lại với không ít pha bóng tuyệt đẹp. Trong số đó có thể kể tới cú bay người của “Tiểu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN