Võ cổ truyền Việt và MMA, ai hơn?
Theo võ sư - diễn viên Johnny Trí Nguyễn, việc thắng thua nhau khi đối kháng là do năng lực luyện tập và khả năng tiếp thu chứ không phải do võ sĩ đó học môn võ này hay võ kia.
Sự việc võ sĩ MMA Trung Quốc Từ Hiểu Đông hạ gục võ sư thái cực quyền Lôi Lôi trong 10 giây mới đây đã khiến giới võ thuật thế giới thấy choáng váng, còn giới võ cổ truyền nóng máu khi nhiều võ sĩ MMA tuyên bố võ học truyền thống chỉ là hư danh.
Võ sư Johnny Trí Nguyễn đang huấn luyện tại võ đường Liên Phong
Trả lời trên mạng xã hội, võ sĩ MMA Từ Hiểu Đông giải thích việc anh thách đấu với võ thuật cổ truyền không phải là muốn phủ nhận tinh hoa võ thuật cổ truyền mà chỉ muốn nhắm vào những bậc võ sư giả tạo và ảo tưởng. Đối với những người đam mê võ thuật đối kháng MMA, Hiểu Đông đã lập đại công. Còn với giới võ học cổ truyền, đây như một cú đấm mạnh vào nền võ thuật chân truyền từ ngàn năm. Trong khi đó, lượng người đến tập MMA trên thế giới ngày càng tăng.
Bàn về vấn đề này, chúng tôi đến võ đường Liên Phong, được võ sư Nguyễn Chánh Minh (Nhạn Trắng Cà Mau) sáng lập từ năm 1930, nơi đúc kết ra từ những đòn thế thực chiến hiệu quả nhất của nhiều môn võ, để gặp võ sư - diễn viên Johnny Trí Nguyễn. Võ sư Việt kiều này đã phát triển võ đường theo phong cách thể thao của thể thức thi đấu MMA, thu hút nhiều bạn trẻ theo tập. Trí Nguyễn nhận xét: "Việc thắng thua nhau ở từng trận đấu chính là do năng lực luyện tập và khả năng tiếp thu của riêng người đó chứ không phải do người đó học môn võ này hay võ kia. Các môn võ hiện đại mang tính cận chiến cũng được đúc kết tinh hoa từ những môn võ truyền thống mà ra!".
Võ sư Johnny Trí Nguyễn giải thích thêm: "MMA không phải là một môn võ. Đó chỉ là một loại thể thức thi đấu, trong đó sẽ có những quy định rõ ràng nhằm giúp võ sĩ thi đấu có thể phát huy tốt nhất bằng chính môn võ mình luyện tập. Với thể thức này, muốn chiến thắng, người võ sĩ buộc phải tinh thông nhiều môn võ khác nhau để phối triển như cự ly gần thì sử dụng vật của judo, jujitsu, xa thì đấm đá kiểu karatedo hay taekwondo. Đặc biệt, thể thức thi đấu MMA này rất phù hợp với người Việt vì sự tinh tế, khéo léo vốn là nền tảng của võ cổ truyền hay vovinam".
Điển hình như ở môn muay Thái, một trong những môn được xem là môn võ đối kháng khá khốc liệt, cũng có nhiều đòn thế đấm đá tương đồng với các môn võ truyền thống có gốc từ Trung Quốc và Việt Nam. Nhà vô địch thế giới muay Thái Nguyễn Trần Duy Nhất nhận xét: "Bản thân tôi cũng xuất thân từ võ cổ truyền và bổ sung nhiều đòn thế truyền thống khi thi đấu muay Thái. Do vậy, không thể nói môn này hay hơn môn kia hay môn kia giỏi hơn môn này!". Hay với vovinam, môn võ đầy tính thực dụng do Tổ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào những năm 1930, việc luyện võ cũng trên nền tảng khoa học và tối giản hóa của võ - vật cổ truyền Việt Nam, cộng thêm tinh túy từ những môn võ hiện đại trên thế giới như quyền Anh.
Trước đây, tại Việt Nam đã có những trận thi đấu khốc liệt theo thể thức MMA mà dân gian vẫn quen gọi là võ đài tự do, với những tên tuổi lớn từng thượng đài như võ sư Trần Tiến, Đoàn Tâm Ảnh hay Trần Công, Lý Huỳnh. Ông Trần Minh Tiến - Chủ tịch Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam, cũng là đại diện cho kênh truyền hình Let’s Việt, đơn vị tiên phong trong việc tổ chức thi đấu đối kháng vovinam, võ cổ truyền và muay Thái - nhận định: "Để tổ chức thi đấu giữa các môn võ với nhau, chúng ta cần tìm hiểu kỹ đặc tính từng môn, tìm ra cái chung trong việc triển khai đòn thế, dựa vào đó có được quy ước chung để tổ chức thi đấu".
Cũng theo ông Tiến, võ cổ truyền Việt Nam hiện bị giản lược các đòn gối và chỏ khi thi đấu đối kháng, vốn là thế mạnh và có sự tương đồng với muay Thái. Do vậy, sắp tới khi tổ chức thi đấu đối kháng, đơn vị của ông cùng Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam sẽ soạn thảo quy định có cho phép sử dụng các đòn trên với sự bảo hộ đầy đủ. Đây cũng là cơ hội để võ cổ truyền khẳng định tính thực dụng và hoàn toàn có thể thử nghiệm để cho các võ sĩ thi đấu đối kháng.
Ông Tiến cho biết thêm: "Lãnh đạo kênh Let’s Việt rất vui khi nhận được nhiều ý kiến của bạn xem đài, các nhà chuyên môn của nhiều môn võ đặt vấn đề tại sao không tổ chức thêm nhiều môn võ khác nhằm đáp ứng sự mong mỏi của người đam mê võ thuật. Chúng tôi cũng có kế hoạch và căn cứ vào sự phát triển cũng như tính hấp dẫn của các môn võ khác để tính toán cho các chương trình võ thuật này. Sau vovinam, võ cổ truyền và boxing, muay, kick-boxing và taekwondo có thể sẽ được thượng đài…
Vovinam tiếp tục nhận tài trợ lớn Nằm trong kế hoạch phát triển của bộ môn vovinam, chiều 6-5, Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã diễn ra tại TP HCM. Trong buổi lễ, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã công bố tiếp tục tài trợ cho các hoạt động của liên đoàn 1,2 tỉ đồng. Ban Chấp hành Liên đoàn Vovinam Việt Nam cũng đề ra phương hướng, kế hoạch và chiến lược dài hơi để vovinam có thể góp mặt ở SEA Games một cách thường xuyên, đặc biệt là tại SEA Games 2019 ở Philippines. |
Trước những cơn "bão thách đấu", Từ Hiểu Đông đang bị khủng hoảng tâm lý nặng.