VN đăng cai ASIAD 18: Vừa mừng vừa lo
Hơn 1.000 đại biểu trong khán phòng của phiên họp đại hội đồng Hội đồng Olympic Châu Á (OCA) hôm qua (8.11) đã nhất trí trao cho Việt Nam vinh dự trở thành nước chủ nhà của Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 18 (ASIAD 2019).
Đây là một vinh dự mà mỗi người VN khi tiếp nhận nó với chuỗi cảm xúc nối tiếp: Vui mừng, tự hào và...lo lắng.
Cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đã thuyết phục OCA
Với việc TP.Cao Hùng (Đài Loan - TQ), Dubai (UAE) lần lượt rút lui, cuộc cạnh tranh tới phút chót chỉ là cuộc đua giữa hai thành phố Hà Nội (VN) và Surabaya (Indonesia).
Tuy vậy, theo PCT Ủy ban Olympic VN Hoàng Vĩnh Giang - thành viên đoàn VN dự phiên họp OCA: “Quá trình thuyết phục OCA của chúng ta cực kỳ khó khăn, giây phút mà hơn 1.000 con người trong khán phòng nín thở chờ đợi công bố tên của nước chủ nhà ASIAD 2019 quả thực nghẹt thở”.
Đặc biệt, nếu VN mới chỉ là lần đầu xin đăng cai, thì với Indonesia là lần thứ 2 họ bày tỏ khát khao trở thành nước chủ nhà ASIAD (lần trước họ đã thua Qatar ở ASIAD 2006).
Chủ tịch OCA Sheikh Ahmad Fahad al-Sabah trao quyết định đăng cai ASIAD 18 cho đoàn Việt Nam. Ảnh: Q.Thắng
Phát biểu sau phiên họp, ông Hussain al-Musallam - Tổng GĐ điều hành OCA - cho biết, VN được chọn vì phần thuyết trình đề án hết sức thuyết phục: “Chúng tôi chọn Hà Nội - Việt Nam vì nơi đây đáp ứng đầy đủ những điều kiện do OCA đưa ra. Việt Nam đã cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng, công phu. Mọi kế hoạch của Việt Nam đề ra đều mang tính khoa học cao và đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ nhiệt tình cho đề án đăng cai này”.
Cưỡi trên lưng hổ
Ngay sau niềm vui là nỗi lo. Từ nay đến khi diễn ra ASIAD 18 còn 7 năm, nhưng với khối lượng công việc cực kỳ lớn cần phải làm, thì không hề là dài. Mặc dù VN đã có kinh nghiệm đăng cai SEA Games và Indoor Games, nhưng ASIAD là một sự kiện lớn chỉ sau Olympic. VĐV của hơn 45 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ có mặt và với các nền thể thao hàng đầu Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... thì yêu cầu về mặt tổ chức sẽ rất cao.
Niềm vui của đoàn VN khi đón nhận công bố là chủ nhà ASIAD 18.
Hơn nữa, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, kinh phí tổ chức cũng là một vấn đề lớn. Mặc dù Ủy ban Olympic VN đã đưa ra một đề án hết sức tiết kiệm (150 triệu USD), nhưng nhiều người lo đề án này sẽ phát sinh rất nhiều (một quan chức OCA trong chuyến sang khảo sát ở VN mới đây cũng cảnh báo rằng VN cần tham khảo kinh nghiệm của BTC ASIAD 2014 ở Incheon - Hàn Quốc, hiện đã bị đội giá lên... 110% so với dự toán ban đầu). Kinh nghiệm của VN khi tổ chức SEA Games 22 - 2003 là dự trù 1.200 tỉ đồng, nhưng thực tế là tốn hơn 4.000 tỉ đồng!
Ngoài ra, việc xây dựng lực lượng VĐV để xứng danh là nước chủ nhà cũng là vấn đề nan giải khi mà ở ASIAD gần đây nhất tại Quảng Châu, đoàn VN mới chỉ giành được 1 HCV và xếp vị trí thứ 33.
Đăng cai ASIAD 2019, có thể nói VN đã... cưỡi trên lưng hổ. Dù vậy, thách thức cũng là một cơ hội. Vượt qua khó khăn thì VN và thể thao VN sẽ mở ra những bước ngoặt lịch sử.
Ông Nguyễn Thịnh Thành - người phát ngôn UBND TP.Hà Nội: Cơ hội để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Chiều 8.11, Đại hội đồng Olympic Châu Á đã trao cho VN vinh dự là nước chủ nhà của ASIAD 18. Trong đó, Hà Nội là địa điểm tổ chức chính sự kiện thể thao này. Kết quả cho thấy, VN ngày càng nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Thực tế cho thấy, chúng ta đã từng đăng cai tổ chức thành công các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế lớn như: SEA Games 2003; Hội nghị cấp cao APEC… VN đăng cai tổ chức sự kiện ASIAD 18 - 2019 sẽ là cơ hội tốt để quảng bá về hình ảnh một VN nói chung và thủ đô nói riêng năng động, cởi mở, an toàn và hội nhập, mở ra các cơ hội phát triển cho các ngành kinh tế của đất nước, đặc biệt là ngành kinh tế du lịch. |