Việt Nam tại SEA Games 27: Đỏ nhưng chưa chín
Mặc dù đứng trên Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines nhưng xét về số lượng chức vô địch các môn thuộc hệ thống Olympic, thể thao Việt Nam chúng ta thua hẳn các nước bạn.
Kết thúc SEA Games 27, đoàn thể thao Việt Nam đoạt tổng cộng 73 HCV; 86 HCB; 86 HCĐ xếp thứ ba sau Thái Lan và chủ nhà Myanmar.
Theo thống kê số lượng HCV các môn Olympic, Việt Nam chỉ có 47/73 chiếc tức khoảng 64,3%. Số lượng này của Thái Lan là 71/107 chiếc (66,3%). Tương tự với vị trí thứ năm, Malaysia có tỉ lệ VĐV giành HCV môn Olympic rất cao 79%, Philippines là 68,9%. Nói đúng hơn với tỉ lệ 64,3%, Việt Nam cùng với Myanmar (30,2%), Indonesia (56,9%) chính là những quốc gia tham gia cuộc chạy đua huy chương ở các môn thể thao ngoài Olympic. Trong khi đó Singapore tuy chỉ khiêm tốn ở vị trí thứ sáu tổng sắp với 34 HCV nhưng tỉ lệ 91% huy chương Olympic của quốc đảo đáng để các nhà lãnh đạo thể thao Việt Nam phải suy ngẫm.
Khác với các kỳ SEA Games trước, trưởng đoàn thường đánh giá thành công mỹ mãn, thành công ngoài mong đợi... Tuy nhiên, kết thúc kỳ đại hội này, Phó Tổng Cục trưởng Lâm Quang Thành chỉ dám nhìn nhận hoàn thành nhiệm vụ, mặc dù đoàn thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu đăng ký là 70 HCV.
Singapore, Malaysia đang đi đúng hướng khi khai thác vào số huy chương trong hệ thống Olympic để tiệm cận với Asiad và Thế vận hội thay vì căng ra tranh chấp ở ao làng. Ảnh: QUANG THẮNG, đồ họa: BB
Trong số 47 chức vô địch các môn Olympic, môn vật góp nhiều vàng nhất với 10 chiếc, điền kinh (10 HCV), bắn súng (7 HCV), Taekwondo (5 HCV), bơi (5 HCV), Judo (3 HCV), Boxing (2 HCV), bắn cung (2 HCV), cử tạ (1 HCV), xe đạp (1 HCV), Rowing (1 HCV). Tuy nhiên, nếu xét về thành tích hoặc mức tiệm cận với thể thao châu lục, Việt Nam chỉ có thông số trên đường chạy 100 m, 200 m của VĐV điền kinh Vũ Thị Hương sát với thành tích châu lục. Tương tự, mức tạ 285 kg của lực sĩ Thạch Kim Tuấn (56 kg) đến gần huy chương thế giới, Judo có Văn Ngọc Tú chỉ đứng số một Đông Nam Á chứ khó cạnh tranh ở đấu trường châu lục. Ngoài ra, kỷ lục SEA Games cự ly bơi 200 m ngửa của Nguyễn Thị Ánh Viên chỉ mới tiệm cận tốp ba châu Á.
Hai năm nữa, Singapore tuyên bố sẽ tổ chức một SEA Games “sạch” và số lượng môn Olympic như thể dục dụng cụ, quần vợt, đấu kiếm, thuyền buồm… sẽ được chủ nhà đưa lại vào chương trình thi đấu chính. Lộ trình hai năm để thể thao Việt Nam rút ngắn khoảng cách huy chương Olympic với chủ nhà Singapore chắc chắn phải được tính đến ngay từ bây giờ.
Có rất nhiều ý kiến nhằm đưa đấu trường SEA Games đến gần hơn với Asiad, với thế vận hội. Thế nhưng để thực hiện được điều đó, thay vì chờ Singapore “phát súng lệnh” chúng ta hãy kiên quyết thực hiện bằng cách dũng cảm loại các môn thi cảm tính ra khỏi chương trình đầu tư nhằm tránh dàn trải, lãng phí. Đồng thời phải tính đến việc chọn lựa môn thể thao phổ biến mang tính bền vững ở các sân chơi rồi đầu tư tích cực thay vì đổ tiền vào các môn lạ theo kiểu cho đủ ba quốc gia một nội dung rồi chia chác huy chương.
Cách tính tìm huy chương kiểu cả làng cùng vui như cái lệ vẫn tồn tại lâu nay ở “thể thao vùng trũng” SEA Games cần phải được loại bỏ bởi nó vừa tốn công, tốn của mà chẳng được lợi ích gì ngoài việc đếm huy chương trong ao làng rồi báo cáo thành tích.
Báo cáo thành tích của thể thao Việt Nam vì thế cần phải trung thực và rõ ràng thay cho bản báo cáo màu đỏ đạt chỉ tiêu thứ hạng và vượt chỉ tiêu về số huy chương.