Việt Nam: Số HCB giảm, chất lượng tăng
Sau ngày thi đấu thứ 13 (2-10), thể thao Việt Nam gần hoàn tất nhiệm vụ thi đấu. Tổng số huy chương vượt thành tích 4 năm trước ở Quảng Châu nhưng số lượng HCB giảm đi, giảm cả số môn có thể hy vọng giành vàng.
Tính đến hết ngày 2-10, đoàn Việt Nam tiếp tục xếp hạng 21 với 1 HCV, 10 HCB và 24 HCĐ. Còn ở Quảng Châu 4 năm trước, chúng ta xếp hạng 24 với 1 HCV, 17 HCB và 15 HCĐ.
Theo phân tích của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, điểm nhấn của thể thao Việt Nam tại Á vận hội (ASIAD) Incheon 2014 chính là sự vươn lên của các môn trong hệ thống thi đấu Olympic, với 10/15 môn có huy chương.
Từng đảm trách cương vị trưởng đoàn thể thao tham dự các sự kiện lớn như SEA Games, ASIAD, ông Minh đặc biệt hài lòng với HCB của lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn, 2 HCĐ bơi lội của Nguyễn Thị Ánh Viên, 2 HCĐ đấu kiếm, 2 HCĐ boxing nữ. Ông cũng cảm thấy thú vị với HCB xe đạp đường trường nữ của Nguyễn Thị Thật cùng ngôi á quân nhảy xa nữ của Bùi Thị Thu Thảo. Sự tiến bộ của 2 đội tuyển bóng đá nam, nữ cũng được ghi nhận.
HCB nội dung chạy 400 m của Quách Thị Lan (bìa trái) được đánh giá cao khi cô chỉ về sau VĐV Bahrain gốc Nigeria
Có quan điểm cho rằng đoàn thể thao Việt Nam tham dự ASIAD với tinh thần tiết kiệm, môn nào có khả năng huy chương mới được cử đi nhưng thực chất cho thấy chuyến đi này chính là tinh thần Olympic, vốn được lãnh đạo ngành quan tâm, chuyển hướng đầu tư trong khoảng hơn một năm trở lại đây.
Chính khoảng thời gian còn hạn chế này đã làm giảm khả năng tranh chấp các thứ hạng cao nhất của các tuyển thủ Việt Nam; nếu không, cơ hội dành cho thể thao Việt Nam không phải không có trong hơn mười ngày qua.
Ở một khía cạnh khác, sự chú trọng đầu tư những môn trọng điểm cũng đã bước đầu mang lại kết quả. Tính ra, khoản đầu tư trên 4 tỉ đồng cho kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên hay xấp xỉ 3 tỉ đồng cho Thạch Kim Tuấn đã đạt hiệu quả cao nhất mà có lẽ chỉ cần cập nhật, bổ sung quy trình huấn luyện, đào tạo hiện đại là thành công như mong muốn sẽ đến.
Tính trên mặt bằng Đông Nam Á, đoàn Việt Nam cũng không quá thua kém 5 quốc gia xếp trên mình ở bảng xếp hạng nếu không muốn nói cụm môn Olympic mang lại thành công hơn cả mong đợi so với các đối thủ láng giềng.
Thái Lan có HCV xe đạp, taekwondo, quần vợt nhưng chỉ có 1 HCĐ điền kinh và không huy chương bơi lội; Singapore thành công ở bowling, bơi lội (2 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ), thuyền buồm; Malaysia có HCV karatedo; Indonesia (quốc gia Đông Nam Á duy nhất giành HCV điền kinh) mạnh nhất ở cầu lông… cũng chính từ việc định hướng từ lâu cho các môn Olympic.
“Nữ hoàng” karatedo Nguyễn Hoàng Ngân mất ngôi
Lần đầu tiên sau nhiều năm, người hâm mộ trong nước không còn quá khắc khoải với việc thứ hạng, màu của tấm huy chương mà thực sự quan tâm đến môn thi ấy, nội dung ấy có được thế giới bạn bè xung quanh tập luyện, tranh tài hay không.
Incheon 2014, vì thế, có lẽ cũng sẽ là bước ngoặt quan trọng để thể thao Việt Nam và thể thao Đông Nam Á nhìn lại mình, chú trọng đầu tư những môn chính thống để có thể thoát khỏi cảnh níu chân nhau trong “ao làng”...
“Nữ hoàng” karatedo mất ngôi Niềm hy vọng mang tên Nguyễn Hoàng Ngân đã không thể mang về HCV được chờ đợi dù cô từng lên ngôi vô địch thế giới ở nội dung thi quyền karatedo. Sau khi vượt qua các đối thủ người Kyrgyzstan, Hàn Quốc và Nepal, Hoàng Ngân vào tranh chung kết nhưng để thua võ sĩ Nhật Bản Shimizu Kiyou 0-5, nhận ngôi á quân. Ở môn taekwondo, niềm hy vọng Lê Huỳnh Châu dừng bước ở tứ kết hạng 63 kg nam, còn Phạm Thị Thu Hiền (hạng 62 kg) và Hà Thị Nguyên (hạng 67 kg) đem về 2 HCĐ khi vào đến bán kết. Ở môn điền kinh, Phạm Thị Diễm chỉ xếp hạng 7 nhảy cao nữ với thành tích 1,80 m; Nguyễn Văn Hùng không thành công ở nội dung nhảy 3 bước nam. Đội tiếp sức 4x400 m nữ, trong đó có HCB Quách Thị Lan, sau thời gian tập huấn tại Mỹ đã cải thiện đáng kể thành tích nhưng chỉ xếp hạng 5 với thành tích 3 phút 33 giây 20. Hôm nay, 3-10, các VĐV Việt Nam còn thi đấu 2 môn soft tennis và hạng cân 58 kg nam taekwondo. |