Việt Nam giành 2-3 HCV Asiad: Giấc mơ có thật?
Thể thao Việt Nam lại cử lực lượng mạnh nhất hiện nay đi chinh phục đấu trường lớn nhất châu lục – Đại hội thể thao châu Á – Asiad17 với hy vọng giành 2-3 HCV để vượt qua thành tích 4 năm trước (1 HCV). Nhưng giấc mơ vàng này đang gặp rất nhiều thách thức.
Thành phần của đoàn TTVN tham dự Asiad 17 với 298 thành viên do ông Lâm Quang Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT làm Trưởng đoàn. Trong đó có 275 chuyên gia, HLV, VĐV thuộc 22 đội tuyển tham gia tranh tài ở 21 môn gồm: Điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, bắn súng, karatedo, taekwondo, wushu, quyền Anh, đấu kiếm, cử tạ, rowing, xe đạp, vật, cầu mây, judo, bắn cung, cầu lông, soft tenis, bowling, golf, bóng đá (nam và nữ).
Việt Nam có một số tuyển thủ xuất sắc ở một số nội dung của các môn thể dục dụng cụ, taekwondo, cử tạ, karatedo, bắn súng, vật nữ, boxing nữ tiếp cận với nhóm hàng đầu châu lục.
Tuy nhiên, để giành được một số HCV Asiad 2014, quả thật chưa thấy ứng cử viên thực sự sáng giá, bởi trong khu vực châu Á có rất nhiều quốc gia có nền thể thao phát triển mang tầm thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên…
Trong các kỳ Asiad trước đây, những tấm huy chương mà đoàn TTVN giành được đa số tập trung vào các môn võ như karatedo hay taekwondo. Những môn hiện nay niềm hy vọng vào các môn võ thì đều rất mong manh do có sự biến động về lực lượng. Sẽ có những VĐV vào chung kết nhưng HCV thì không có gì là đảm bảo.
4 năm trước, võ sĩ trẻ Lê Bích Phương lần đầu dự Asiad với cú đá bất ngờ đánh bại nhà đương kim vô địch thế giới người Nhật Bản Kobayashi Miki trong trận chung kết hạng 55kg nữ đã cứu TTVN khỏi tình trạng trắng vàng ở Quảng Châu 2010. Nhưng năm nay, Bích Phương không thể xuất hiện do chấn thương loại cô khỏi đấu trường này.
Với lực lượng hiện tại, karatedo hầu như không còn ứng cử viên sáng giá, kể cả nữ hoàng kata Nguyễn Hoàng Ngân (karatedo), người đã hồi phục chấn thương và thi đấu tại SEA Games 27. Nhưng phong độ gần đây của cô vẫn chưa khiến người hâm mộ an lòng.
Nhà vô địch Asiad 16 môn Karatedo Lê Bích Phương (đai xanh) không tham dự Asiad kỳ này vì chấn thương.
Trong khi đó, taekwondo với Nguyễn Trọng Cường và Lê Huỳnh Châu đã bước qua thời kỳ đỉnh cao. Sự hiện diện của họ mang lại sức mạnh tinh thần nhiều hơn là niềm hy vọng vàng. Mặt khác bên cạnh họ là những võ sĩ trẻ chỉ ở mức tiềm năng mà những người làm công tác chuyên môn chỉ dám đặt hy vọng ở yếu tố xuất thần của họ. Còn thực tế thì cửa vàng rất hẹp.
Bây giờ TTVN chỉ có thể trông chờ vào sự đột biến ở một số nội dung của bắn súng, bơi lội, thể dục dụng cụ và cử tạ. Với Nguyễn Thị Ánh Viên, nữ kình ngư vừa có tấm HCV Olympic thể thao trẻ được đánh giá rất cao, nhưng thành tích ở nội dung 200m hỗn hợp nữ chỉ hơn tấm HCĐ ASIAD 2010.
Tương tự là Thạch Kim Tuấn tại môn cử tạ nam hạng 55kg, cũng ở thế 50/50 với các đối thủ Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên… Trong khi đó, ở môn bắn súng Hoàng Xuân Vinh dù dày dạn kinh nghiệm nhưng anh kém duyên ở đấu trường này khi 4 năm trước anh dễ dàng để vuột mất chiếc HCV ngay trong tầm tay.
Cửa sáng nhất cho chiếc HCV là VĐV thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh với phong độ ổn định của cô thời gian qua. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh quyết liệt của các VĐV Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và chủ nhà Hàn Quốc nên đường đến HCV của cô không hề dễ dàng.
Ngay cả “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương thành tích hiện tại cũng còn khoảng cách rất xa tốp tranh huy chương, dù chị đã từng giành HCĐ tại Asiad Quảng Châu 2010. Ở nội dung 200m nữ, thành tích tốt nhất gần đây của Hương là 23”55 (SEA Games 27) cũng chỉ nằm trong Top 6, nếu Hương muốn có HCV phải rút ngắn thành tích xuống dưới 23”30.
Quả thật việc giành HCV Asiad đối với TTVN rất khó khăn. Do đó, các tuyển thủ phải vượt qua được chính mình trước khi nghĩ đến việc thắng đối phương.