Việt Nam đăng cai Asiad 2019: Nhiều thách thức
Thủ tướng Chính phủ đã chính thức duyệt đề án xin đăng cai Asiad 2019 của Việt Nam.
Trong vòng 2 tháng tới, Việt Nam sẽ bước vào cuộc chạy đua xin đăng cai với nhiều đối thủ. Chưa bao giờ, Việt Nam đứng trước một cơ hội và cũng là thách thức lớn như lần này ở một sự kiện thể thao.
* Đăng cai Asiad 2019: 150 triệu USD là đủ
Dựa trên những tính toán rất cụ thể và thực tế, TTK UB Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang đưa ra con số 150 triệu USD để tổ chức kỳ Asiad 2019 nếu Việt Nam được quyền đăng cai. So với một đại hội thể thao có quy mô lớn như Asiad, 150 triệu USD có vẻ khá khiêm tốn, nhưng ông Giang khẳng định số tiền đó là đủ để Việt Nam tổ chức thành công.
“Việc Chính phủ đồng ý cho phép VN xin đăng cai cũng có nghĩa chúng ta đã có những tính toán cụ thể. Và nếu VN được đăng cai thì đó chỉ là một trong những công việc đầu tiên phải giải quyết. Theo tính toán của tôi, chúng ta sẽ chỉ phải bỏ ra kinh phí không quá 150 triệu USD”, ông Giang nói.
Giải thích về con số khiêm tốn này, ông Giang cho biết: “Kinh phí ít là do chúng ta chỉ xây mới khoảng 4-5 địa điểm thi đấu. Ngoài Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra các môn thi đấu chính, tổ chức lễ khai mạc và bế mạc, các tỉnh khác như Quảng Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hải Phòng sẽ được tham gia tổ chức các môn thi đấu. Các tỉnh này hiện đều đã có nhà thi đấu được đầu tư trang thiết bị hiện đại từ SEA Games 23”.
Trong quy hoạch được Chính phủ chỉ đạo Hà Nội sẽ dành riêng 200 hecta tại khu vực Cổ Loa được gọi là khu thể thao Asian Games và Olympic Hà Nội. Ngoài ra, sẽ có khoảng 50 hecta xây dựng làng VĐV ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Cộng với 247 hecta ở Mỹ Đình, với tất cả các cơ sở vật chất từ SEA Games 23, AIG 3 (Đại hội thể thao trong nhà châu Á), VN tự tin sẽ tổ chức được Asiad 2019.
Việt Nam cần đầu tư khoảng 150 triệu USD
Theo kế hoạch đã được phê duyệt, dự kiến ASIAD 18 sẽ được tổ chức vào tháng 11/2019 tại Hà Nội.
Dự kiến có 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á tham dự Asiad 18 với số lượng khoảng 10.000 HLV, VĐV thi đấu 35 môn thể thao gồm: Bắn cung, Thể dục, Điền kinh, Cầu lông, Xe đạp, Thể thao dưới nước, Kiếm, Judo, Bắn súng, Vật, Golf, Cầu mây, Kabaddi, Karatedo, Taekwondo, Bóng ném, Rowing, Canoe-kayak, Bóng rổ, Quyền anh, Bóng chuyền, Bóng đá, Thuyền buồm, Wushu, Bóng bàn, Cử tạ, Ba môn phối hợp, Squash, Đá cầu, Cờ, Quần vợt, Bóng chày, Hocky trên cỏ, Bóng bầu dục, 5 môn phối hợp hiện đại.
* Nhiều đối thủ mạnh
Được biết, OCA (Hội đồng Olympic Châu Á) sẽ chính thức quyết định trao quyền cho quốc gia đăng cai Đại hội vào tháng 11 tới. Từ nay đến đó, VN sẽ tiến hành các bước chuẩn bị cũng như vận động hành lang. Tin vui với VN khi đối thủ lớn là Malaysia đã bất ngờ xin rút do gặp khó khăn về kinh phí. Trước đó, Hong Kong và Ấn Độ đã xin rút lui vì những lý do khác nhau. Đến nay, OCA xác nhận có 4 ứng viên gửi hồ sơ xin đăng cai Á vận hội lần thứ 18 là Đài Loan, Việt Nam, Indonesia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
Đón nhận thông tin các đối thủ xin rút lui, ông Giang không khỏi vui mừng: “ Vậy là cơ hội đăng cai với VN đã rộng mở hơn”. Không chỉ có sự bỏ cuộc của các đối thủ lớn, với mối quan hệ thân tình của mình, VN đang nhận được sự ủng hộ hết mình từ OCA, cụ thể là từ Chủ tịch Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah.
Ông Giang cho biết: “Chúng ta đã tạo ra được uy tín lớn với OCA trong lần tổ chức thành công AIG 3 năm 2009, trước đó là SEA Games 23. Ngoài ra, yếu tố chính trị ổn định sẽ là lợi thế không nhỏ của VN”.
Chủ tịch OCA từng khẳng định, nếu VN quyết tâm xin đăng cai, với vị thế và uy tín của mình, ông sẽ giúp đỡ hết sức. Theo đánh giá của ông Giang, đối thủ đáng ngại nhất trong cuộc đua đăng cai với VN là UAE. Quốc gia này có tiềm lực tài chính rất mạnh, nhưng lại kém VN về nhiều yếu tố như kinh nghiệm tổ chức, đặc biệt là yếu tố chính trị ổn định.
* Cơ hội và thách thức
Có thể khẳng định kế hoạch chạy đua xin đăng cai Asiad 18 của VN là hoàn toàn nghiêm túc. Chúng ta có cơ sở vật chất, có niềm tin và trên hết là sự ủng hộ của Chính phủ, người dân. Vấn đề còn lại, để cụ thể hóa một kế hoạch mang tầm đại hội thể thao châu lục như Á vận hội, là một bài toán rất hóc búa.
Vấn đề lớn nhất, chính là kinh phí. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, việc xin ngân sách từ Chính phủ để xây dựng hàng loạt công trình mới, tổ chức tập huấn, đào tạo, chuẩn bị lực lượng... là một nhiệm vụ rất khó khăn. Ngay cả như Malaysia đã phải bỏ cuộc khi tính đến chuyện kinh phí.
Vấn đề thời gian cũng thực sự nan giải bởi ngay cả thời điểm đăng cai SEA Games, được Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, VN cũng mất gần 10 năm (từ năm 1994-2003) để chuẩn bị. Đồng ý là tất cả giờ đã khác, mọi thứ đều đi lên nhưng quy mô tổ chức Asiad lại vượt xa tầm so với SEA Games, hay AIG. Vì vậy, công tác tổ chức, điều hành và rất nhiều vấn đề quan trọng khác liên quan đến Asiad 2019 đều là những bài toán thiết thực đòi hỏi những nhà quản lý thể thao nước nhà phải đặc biệt quan tâm, chú ý, xây dựng thành chiến lược phát triển.
“Chúng ta được gì khi tổ chức Asiad?”
Tổ chức Asian Games cần huy động nguồn nhân lực khổng lồ, số lượng người có thể lên tới 15.000 người. Không chỉ số lượng lớn, mà công tác bồi dưỡng những kiến thức và kỹ năng cần thiết cũng rất cần. Với các HLV, VĐV, trọng tài, giám sát, cán bộ kỹ thuật, bác sĩ, săn sóc viên...nếu được chuẩn bị ngay từ bây giờ cũng rất khó trả lời có đạt tiêu chuẩn như mong muốn. Với đội ngũ HLV, VĐV như hiện nay, việc tranh chấp với các quốc gia láng giềng còn rất khó chứ chưa nói đến Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...Rộng hơn nữa, các nhà quản lý thể thao nước nhà cần phải tính chúng ta sẽ được gì khi đăng cai Á vận hội này, nền thể thao nước nhà được gì những năm sau đó. Ngoài ra, việc sử dụng, bảo trì cơ sở vật chất như thế nào, tiếp tục đầu tư với đội ngũ HLV, VĐV...ra sao, cũng phải có những tính toán hết sức cụ thể. |