Việt Nam “chơi” như thế nào tại Asiad 18?

Ngay sau khi Việt Nam giành quyền đăng cai Asiad 2019, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau xung quanh chuyện được hay mất từ sự kiện này.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai mang tầm vĩ mô, còn hiện tại, điều mà nhiều người quan tâm không kém là VN liệu có đủ sức tranh tài tại Asiad, sân chơi được xem là quá tầm với TTVN? Nói cách khác, chúng ta sẽ phải  thể hiện vị thế của một nước chủ nhà như thế nào để không bị “mất mặt” với bạn bè châu lục.

Những dự án “cấp tốc”

Ngay từ lúc này, nhiều người đã lo ngại thể thao Việt Nam sẽ không có đủ lực lượng hùng hậu để có thể vừa trực tiếp tranh tài và điều hành tại Asiad 18. Đó là những lo ngại hoàn toàn có cơ sở khi ngay cả chuyện chuẩn bị cho SEA Games 22 lần tổ chức trên sân nhà năm 2003, VN cũng phải chuẩn bị lực lượng mất tới 10 năm. Lần này, Asiad lại là sân chơi tầm châu lục, với quy mô và mức độ cạnh tranh “khốc liệt” gấp nhiều lần SEA Games, chưa kể thời gian cũng chỉ còn đúng 7 năm nữa. Trong khi đó, ở bất cứ kỳ Asiad nào, số người điều hành của đại hội tối thiểu cũng phải trên 10.000 người, trong đó bao gồm các bộ phận quản lý, chuyên viên, trọng tài, y tế, tình nguyện viên...và quan trọng không kém là các VĐV trực tiếp tranh tài để đoàn chủ nhà không bị lép vế ở cuộc đua với các cao thủ ở tầm châu Á.

Về vấn đề này, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh đã đưa ra lời cảnh báo: “Có chuẩn bị ngay từ lúc này cũng chưa chắc đã kịp, huống hồ chúng ta chưa nhìn thấy lực lượng VĐV VN 7 năm sau như nào, còn đội ngũ điều hành nếu vẫn giữ như cách làm ở các Liên đoàn hiện nay, khó có thể tổ chức tốt Asiad”.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UB Olympic VN Hoàng Vĩnh Giang đã cho rằng: “Đây sẽ là một cơ hội rất quý với ngành thể thao nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung. Khi mà đăng cai một Đại hội như thế, không một Chính phủ nào lại bỏ cho con của mình “quặt quẹo”. Tôi nghĩ khi đăng cai thì một trong những tiêu chuẩn mà Chính phủ yêu cầu là VĐV phải có thành tích tốt. Đó là bài toán khó và rất nặng nề, nhưng chắc chắn không phải không làm được. Chính phủ sẽ cho một dự án đào tạo VĐV cấp tốc để có đủ lực lượng tranh tài tại Asiad tới”.

Tổng cục trưởng TC TDTT Vương Bích Thắng cũng có chung quan điểm: “Chúng tôi sẽ trình Chính phủ thành lập ngay ban chỉ đạo, ban tổ chức, với đội ngũ cán bộ đủ năng lực; xây dựng đề án tổ chức Asiad thật cụ thể, chi tiết. Đặc biệt sẽ phải xây dựng đề án lực lượng VĐV cho một chu kỳ kéo dài 7-8 năm để có thể kịp tranh tài tại Asiad 18”.

Như vậy cũng có thể hiểu, thể thao VN sẽ có 1 lứa VĐV mới đang được lên kế hoạch xây dựng ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, có vẻ như thể thao VN đang đi ngược với cách làm của thể thao thế giới. Đơn giản bởi chỉ khi chúng ta đã sẵn sàng mọi mặt, trong đó có sự chuẩn bị về lực lượng, thì mới nên xin đăng cai. Lần này VN lại xin đăng cai trước rồi chuẩn bị sau, tự để mình ở thế đã rồi và giờ “đâm lao phải theo lao”. Đó là chưa kể thời gian vừa qua, việc ngành thể thao làm không tốt công tác tìm kiếm, đào tạo VĐV, dẫn đến tình trạng khan hiếm tài năng thể thao ở nhiều bộ môn.

Việt Nam “chơi” như thế nào tại Asiad 18? - 1

Được hay mất

Thực tế, sau khi những lứa như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Tiến Minh, Hoàng Xuân Vinh... chuẩn bị giải nghệ, hiện các môn như điền kinh, cầu lông, bắn súng… vẫn chưa thấy có ai đủ sức kế thừa. Điều này đặt ra bài toán khó bởi từ kế hoạch đến thực tiễn, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đây là lo lắng của rất nhiều nhà chuyên môn, thậm chí với cả các nhà quản lý, những người đang được giao nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng cho Asiad.

Hành động và thách thức

Cách đây mấy hôm, ngay sau khi VN giành quyền đăng cai Asiad, hội thảo về việc đánh giá thực trạng và đề xuất nâng cao chất lượng huấn luyện VĐV QG môn điền kinh và bơi lội đã được tổ chức tại TP.Đà Nẵng. Đây là hai trong số những môn cơ bản nhất của Olympic và Asiad, nên sự đầu tư về lực lượng được hiểu là đầu tàu với, là chuẩn mực với các môn khác.

Bên cạnh những thuận lợi là nước chủ nhà, những nhà quản lý 2 môn này đã đưa ra rất nhiều ý kiến đóng góp. Trưởng bộ môn điền kinh Dương Đức Thủy cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến điến kinh VN chưa đạt được những kết quả như mong muốn thời gian qua, chính là vì chúng ta vẫn thiếu một kế hoạch nghiêm túc, khoa học. Bên cạnh đó, việc điền kinh VN mới chỉ áp dụng khoa học công nghệ 30% trong việc huấn luyện, không giúp cho các VĐV phát huy hết khả năng của mình.

“Bảy năm chuẩn bị cho Asiad 2019 nhìn là dài, nhưng để tích lũy cho 1 VĐV để có thể cạnh tranh huy chương lại là một bài toán khó. Đó là chưa kể hiện tại điền kinh VN không có nhiều tài năng”, ông Thủy nhận định.

Quả thực, nhìn giải điền kinh VĐQG vừa kết thúc hồi tháng 10 tại Hà Nội, cả giải mới chỉ có gương mặt trẻ Quách Thị Lan là gây ấn tượng, nhưng chị cũng chỉ được đánh giá là có khả năng cạnh tranh HCV ở sân chơi SEA Games.

Như vậy, muốn có 1 lực lượng thực sự “tinh nhuệ” mang tới Asiad 2019, thể thao VN cần phải có sự phát triển đồng bộ và dứt khoát phải chuyên biệt, không làm theo kiểu đầu tư chỉ làm sao để có thành tích ở SEA Games như thời gian qua. Đó cũng là lý do mà rất nhiều môn, trong đó có môn bơi đang có những đầu tư lớn cho VĐV chủ lực của mình. Tuy nhiên như thừa nhận của Tổng thư ký Hiệp hội thể thao dưới nước Đinh Việt Hùng, với kinh phí hiện nay, khó có thể đáp ứng sự đầu tư lớn trên diện rộng. Đơn cử cả môn bơi hiện tại, cũng chỉ có mình Ánh Viên được ưu tiên tập dài hạn ở Mỹ hết năm nay, còn năm sau thì... tính tiếp.

Mục tiêu 10-15 HCV và “cứu cánh” mang tên vovinam


Trong kế hoạch đăng cai Asiad, VN đặt mục tiêu giành tới 50 huy chương, trong đó có 10 HCV để lọt vào tốp 10 đại hội. Nhiều người cho rằng, ngoài những môn thế mạnh thì chắc chắn VN sẽ vận động để đưa Vovinam vào chương trình thi đấu đại hội, coi đây là “cứu cánh” của thể thao VN. Song, với nhiều nhà chuyên môn, ngay cả có vovinam, thì cũng không giúp VN nâng cao vị thế bởi đơn giản, sự đánh giá về trình độ phát triển mỗi nền thể thao, phải là những môn cơ bản của Olympic như điền kinh, bơi lội, bắn súng, vật, cử tạ... Trong khi đó, VN lại hy vọng ở những môn võ, cầu mây, vovinam..., những môn thi đấu phụ thuộc vào đánh giá chấm điểm (dễ rơi vào cảm tính) của trọng tài thay vì những con số rõ ràng trên bảng điểm tử.

Về vấn đề này, ông Giang đã nhấn mạnh: “Thể thao VN đang đi rất đúng hướng theo chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Bắt đầu từ Asiad năm 2014 tại Incheon (Hàn Quốc) trở đi, VN sẽ tập trung vào chương trình thi đấu chỉ có 28 môn thuộc hệ thống Olympic và 7 tới 9 môn thể thao khác. Đây cũng sẽ là những môn trọng điểm của Asiad”.

Với những lo lắng về lực lượng kế thừa, ông Giang cũng khẳng định: “Trong chiến lược phát triển TTVN có đề ra rất rõ, năm nào phải có bao nhiêu VĐV vượt qua vòng loại đi Olympic. Để làm được điều này ngành TDTT bắt buộc phải nghĩ cách phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các địa phương. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ, cùng phát triển bài bản từ địa phương tới ĐTQG, tôi cho rằng vấn đề lực lượng kế thừa không phải quá lớn”.

Rõ ràng là trên đây mới chỉ là những kế hoạch. Những khó khăn chỉ nảy sinh khi TTVN bắt tay vào làm. Tất nhiên, mọi thứ không đến nỗi bi quan bởi Asiad 2019 đang nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ và người dân, nhưng làm sao để tạo ra một đội ngũ HLV, VĐV cũng như lực lượng điều hành đảm bảo đủ chất lượng và đặc biệt có thể cạnh tranh sòng phẳng huy chương tại Asiad, đang thực sự đang là những thách thức vô cùng lớn.

Thành tích của TTVN lùi dần tại các kỳ Asiad

+ Asiad Busan (Hàn Quốc) năm 2002: 4 HCV

Đây là kỳ Asiad mà thể thao Việt Nam (TTVN) thi đấu thành công nhất trong lịch sử tham dự của mình. Với 4 HCV, 7 HCB và 7 HCĐ đứng thứ 14, ở khu vực Đông Nam Á, đoàn TTVN trên Indonesia (hạng 17), Philippines (hạng 19), Myanmar (hạng 23); chỉ đứng sau Thái Lan (hạng 6), Malaysia (hạng 12), Singapore (hạng 13), được xem là một bước tiến lớn của TTVN ở sân chơi châu lục.

+ Asiad Doha (Qatar) năm 2006: 3 HCV

Đây là kỳ Asiad khá thất vọng với đoàn TTVN. Phải nhờ sự xuất thần của các cô gái cầu mây và bản lĩnh của võ sĩ Vũ Thị Nguyệt Ánh, mới giúp VN ghi tên mình vào bảng thành tích đại hội. Đặt mục tiêu 4-6 HCV nhưng chỉ giành được 3 HCV, trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh đã phải xin lỗi người hâm mộ.

+ Asiad Quảng Châu (Trung Quốc) năm 2010: 1 HCV

Đây chính là kỳ Asiad thất vọng nhất với đoàn TTVN trong các kỳ tham dự. Đặt mục tiêu 4-6 HCV và đã có tới 16 trận chung kết nhưng phải đến phúc cuối, Lê Bích Phương mới giải tỏa cơn khát vàng cho đoàn TTVN, nhưng tấm HCV duy nhất ở môn karate không giúp đoàn TTVN tránh khỏi những “mổ xẻ” của giới truyền thông và người hâm mộ.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Phong ([Tên nguồn])
Việt Nam và chuyện đăng cai ASIAD 18 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN