Vì sao vận động viên Việt Nam vẫn 'vô tình' dính doping?
4 tháng trôi qua kể từ khi “cơn mưa vàng” ở SEA Games 31 khép lại, thể thao Việt Nam chấn động trước thông tin 6 vận động viên (VĐV) dương tính với doping. Trong số những VĐV nhúng chàm, có cả người giành huy chương vàng. Đâu là lý do khiến thể thao Việt Nam sau 20 năm vẫn có những trường hợp hy hữu vướng doping như thế?
Vì sao chỉ là vô tình?
Năm 2012, cua rơ huyền thoại Lane Armstrong chính thức bị cáo buộc sử dụng doping. Cơ quan phòng chống doping Mỹ (USADA) đã thu thập đủ bằng chứng cho thấy Armstrong đã liên tục sử dụng doping thời còn thi đấu để nâng cao thành tích tại các kỳ Tour de France trong nhiều năm. Tuy nhiên, Armstrong không thể gian lận một mình để giành tới 7 chức vô địch Tour de France.
Ngân Thương từng dính doping vì tự ý sử dụng thuốc giảm cân.
Trong quá trình thu thập bằng chứng, USADA chỉ ra Armstrong và các đồng đội đã liên tục bao che, tráo mẫu thử cho nhau để qua mặt cơ quan phòng chống doping. Một nhóm nhân vật ít được nhắc tới khác là bác sĩ. Họ mới chính là những người đứng sau một trường hợp dính doping, bởi nếu VĐV cố tình sử dụng, họ buộc phải dùng theo đơn thuốc từ bác sĩ.
"Dùng doping không hề đơn giản như mọi người vẫn nghĩ. Nếu VĐV muốn sử dụng doping để nâng cao thành tích thi đấu, họ phải tính kỹ liều lượng chất đưa vào cơ thể, và đưa dần dần chứ không chỉ 1-2 lần", Adam Gusky, một cựu VĐV bóng bầu dục nhà nghề hé lộ về phương thức sử dụng. Để làm được điều đó, VĐV buộc phải nghe theo chỉ định của bác sĩ.
Năm 2012, một nhóm nhà nghiên cứu Australia phát hiện được một cách có thể giúp VĐV dùng doping lách luật. Họ tiêm một lượng rất nhỏ chất tăng sản sinh hồng cầu trong cơ thể, và thực hiện điều đó định kỳ trong một thời gian dài. Kết quả xét nghiệm mẫu thử sau đó cho thấy đối tượng được tiêm hoàn toàn không dương tính với doping. Nhưng để làm điều đó cần nền y học ở trình độ rất cao.
Một VĐV đỉnh cao giấu tên của thể thao Việt Nam xác nhận chuyện sử dụng doping không dễ. "Y học thể thao của chúng ta bây giờ chưa phát triển tới mức dùng doping nâng cao thành tích thi đấu được. VĐV sử dụng không hợp lý, không có bác sĩ chỉ dẫn, huy chương chưa chắc có mà có khi lại... toi", anh khẳng định. VĐV này cũng nói nhiều VĐV Việt Nam dính doping trong vô thức.
Một trong những lỗi khiến VĐV Việt Nam dính doping nhiều nhất là sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ đội. Thuốc cảm, thuốc bôi nhanh lành vết thương, thậm chí thuốc lợi tiểu đều có thể chứa những chất cấm trong danh mục được Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) đưa ra. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều VĐV Việt Nam vô tình nhúng chàm.
Thái Lan là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có phòng xét nghiệm doping.
2 trong số những VĐV nổi tiếng nhất của thể thao Việt Nam từng bị cấm thi đấu vì dính doping là đô cử Hoàng Anh Tuấn và "búp bê thể dục dụng cụ" Đỗ Thị Ngân Thương. Hoàng Anh Tuấn, người từng giành Huy chương bạc Olympic Bắc Kinh 2008 không biết anh dùng chất cấm khi nào, mà chỉ phỏng đoán do vô tình mắc phải khi du đấu Trung Quốc. Trong khi đó, Ngân Thương tự ý dùng thuốc lợi tiểu để giảm cân.
Chuyện xưa và chuyện nay
Đầu năm 2019, đô cử Trịnh Văn Vinh bị WADA kết luận sử dụng chất cấm, qua đó phải nhận án cấm thi đấu 4 năm. Ở thời điểm dính doping, Vinh là một trong những vận động viên Việt Nam được đầu tư trọng điểm để giành huy chương Olympic. Câu chuyện đằng sau ca doping của Vinh cũng không ít chi tiết li kỳ, mà chính chủ sau 4 năm cũng kể 2 câu chuyện khác nhau.
Trịnh Văn Vinh là vận động viên phải nhận án phạt nặng nhất vì doping.
Khi thông tin Trịnh Văn Vinh dương tính với doping lần đầu xuất hiện, bản thân đô cử này gần như không lên tiếng. Điều đó khiến những giả thiết về lý do tại sao Vinh dính doping hóa thành tam sao thất bản. Phải đến những ngày gần đây, khi Vinh có thể trở lại thi đấu trong 6 tháng tới, anh mới hé lộ một phần câu chuyện gây tranh cãi gần 4 năm trước.
"Mọi chuyện xảy ra do sơ suất của tôi. Ở lần trở lại sắp tới, tôi sẽ cố gắng nhiều hơn, không thể sinh hoạt như trước kia", Vinh tâm sự trên sóng truyền hình. Dường như Vinh mắc doping từ một loại thuốc bôi giúp sớm lành vết thương, nhưng không có thông tin chính xác cho thấy loại thuốc đó do anh tự mua hay được ban huấn luyện yêu cầu sử dụng.
Câu chuyện Trịnh Văn Vinh dính doping còn xuất phát từ việc các vận động viên Việt Nam chưa cập nhật thông tin về quy định phòng chống doping trong môn cử tạ. Trước đây, WADA chỉ lấy mẫu xét nghiệm doping với vận động viên trong thời gian thi đấu. Tuy nhiên, vào khoảng 5 năm trước, WADA và Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) đã điều chỉnh quy định kiểm tra, xét nghiệm doping.
Theo đó, với riêng môn cử tạ, các VĐV có thể được yêu cầu kiểm tra doping bất cứ lúc nào trong thời gian tập luyện. Cán bộ WADA có thể đến lấy mẫu mà không thông báo trước. Thế nên ở thời điểm Vinh bị phát hiện dương tính với doping và nhận án cấm thi đấu, một vài VĐV khác của cử tạ Việt Nam cũng có kết cục tương tự.
Án phạt 2019 khiến cử tạ Việt Nam bị mất 1 suất tham dự Olympic Tokyo. Điều đó khiến Vương Thị Huyền, người đã giành vé đến Nhật Bản phải ngồi nhà nhường chỗ cho 2 đồng đội Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên. Trên thực tế, án phạt cho cử tạ Việt Nam có thể lớn hơn, nếu như IWF quyết định cấm tham dự Olympic.
Từ câu chuyện hy hữu của Trịnh Văn Vinh, cử tạ Việt Nam không còn trường hợp nào dính doping nữa. Tuy nhiên, những bộ môn khác lại chưa thể kịp thời cập nhật.
Phòng hơn chống
Khi xuất hiện thông tin đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 có 6 VĐV dương tính với doping, nhiều người lo ngại đội tuyển cử tạ sẽ lại có người nằm trong danh sách đen. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng cho thấy không có đô cử nào gặp phải chuyện tương tự những tuyển thủ trước đây nữa.
Thạch Kim Tuấn cho biết, một vận động viên biết tự chăm sóc bản thân sẽ không để mình vô tình mắc doping.
"Chúng tôi được yêu cầu cẩn thận hơn khi dùng tân dược trong việc tập luyện hàng ngày", một thành viên của đội tuyển cử tạ quốc gia cho biết. Anh chia sẻ thêm: "Mọi loại thuốc khi được sử dụng đều phải báo lên ban huấn luyện và bác sĩ đội nhằm xác định thành phần hóa chất có trong thuốc, dù là thuốc uống hay thuốc bôi, nếu không có chất cấm mới được sử dụng”.
Về phía đội tuyển điền kinh, huấn luyện viên (HLV) kỳ cựu Dương Đức Thủy, nguyên Trưởng bộ môn điền kinh (Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục Thể dục thể thao) cho biết ở thời ông còn làm việc, HLV luôn xuống tận nơi quan sát VĐV sinh hoạt để xem ai có biểu hiện bất thường. Chỉ bằng cách quản lý trực tiếp, thay vì xem kết quả tập luyện qua thành tích báo cáo, bộ môn mới giám sát được.
Một lưu ý khác của HLV Dương Đức Thủy là ngay cả khi được bác sĩ đội đồng ý sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng, VĐV vẫn cần phải giữ lại vỏ thuốc, hoặc để dành lại một vài viên thuốc để đề phòng sự cố xảy ra. Trong trường hợp bị kết luận dùng doping, đó sẽ là vật chứng cho thấy họ không nhận thức được việc mình dùng thuốc sai luật chứ không phải do cố tình.
Kinh nghiệm của HLV Dương Đức Thủy, trên thực tế, có thể không còn áp dụng cho thời điểm hiện tại được nữa. Trong quá khứ, những VĐV như Hoàng Anh Tuấn và Đỗ Thị Ngân Thương nhận án phạt khá nhẹ bởi WADA quan niệm mặt bằng chung hiểu biết về doping khi ấy của Việt Nam còn chưa cao. Nhưng 2 thập niên đã trôi qua, và chúng ta không thể tiếp tục vin vào lý do thiếu hiểu biết để xin giảm hình phạt.
Những VĐV Việt Nam sử dụng doping ở SEA Games 31 chắc chắn sẽ bị tước huy chương, phạt tiền và cấm thi đấu theo quy chế của WADA. Án phạt có thể rất nặng, thậm chí còn nặng hơn án cấm thi đấu 4 năm mà Trịnh Văn Vinh từng phải nhận. Thay vì cố gắng xin giảm nhẹ hình phạt cho các VĐV mắc lỗi, thể thao Việt Nam cần xem đó là bài học để tránh những câu chuyện buồn tương tự tái diễn.
6 vận động viên Việt Nam dương tính với doping ở SEA Games 31 chỉ dùng 1 loại chất cấm Kết thúc SEA Games 31, toàn bộ mẫu thử xét nghiệm doping của các VĐV được đưa tới Bangkok, Thái Lan tiến hành kiểm tra. Sở dĩ Việt Nam không thể tự xét nghiệm doping bởi không có phòng lab chuyên biệt thực hiện điều này. Trên thế giới hiện chỉ có 29 phòng xét nghiệm doping, và Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có. Tại châu Á, ngoài Thái Lan thì Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước hiếm hoi khác có phòng lab xét nghiệm doping. Việc thiếu phòng lab chuyên trách để xét nghiệm doping khiến công tác phòng chống sử dụng chất cấm của thể thao Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Mẫu xét nghiệm được thu thập để kiểm tra ở các giải thể thao trong nước (nếu có) buộc phải đem ra nước ngoài xét nghiệm. Cách làm này chẳng khác nào tự vạch áo cho người xem lưng, qua đó khiến công tác phòng ngừa doping gặp nhiều hạn chế. Sau khi tiến hành xét nghiệm xong mẫu thử doping của các VĐV dự SEA Games 31, Ban tổ chức thấy 6 VĐV Việt Nam đều dương tính với cùng 1 loại chất cấm. Theo nhận định của một cán bộ thuộc Trung tâm phòng chống doping quốc gia, đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Nếu có nhiều VĐV cùng sử dụng 1 loại chất cấm, lý do dùng doping vì thiếu hiểu biết càng khó thuyết phục. Bên cạnh 6 VĐV dương tính với doping ở SEA Games 31, thể thao Việt Nam còn phát hiện 6 trường hợp khác ở bộ môn thể hình ngay trước khi kỳ Đại hội diễn ra. |
Ngoài những vụ đang chờ kết luận chính thức, Việt Nam đã có 16 trường hợp doping xuyên suốt từ SEA Games 22-2003 đến nay và sáu VĐV thuộc Liên đoàn Cử tạ, Thể hình Việt Nam...
Nguồn: [Link nguồn]