Vì sao thể thao Việt Nam 'hụt hơi' ở Asiad 19?
Tối 8/10, Đại hội thể thao châu Á (Asiad 19) chính thức khép lại với lễ bế mạc tại Hàng Châu (Trung Quốc). Kết thúc Asiad 19, Đoàn thể thao Việt Nam có 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ, đứng thứ 21 trên bảng xếp hạng toàn đoàn.
Trưởng đoàn Đặng Hà Việt trao thưởng nóng cho đội đua thuyền nữ giành huy chương đầu tiên tại Asiad 19. Ảnh: Lượng Bùi
Đánh giá về thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19, ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự Asiad 19 cho biết: “Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam trước khi lên đường là giành từ 2-5 huy chương vàng tại Asiad 19, nếu so với chỉ tiêu tối đa đặt ra ban đầu, đoàn đã hoàn thành được hơn 50%, nhưng nếu ở mục tiêu tối thiểu thì đoàn đã hoàn thành chỉ tiêu”.
Theo Cục trưởng Cục Thể dục thể thao, có một số VĐV không giành được huy chương, dù được kỳ vọng cao Asiad 19. Trong số đó, đáng tiếc nhất là trường hợp VĐV Nguyễn Thị Thật, nhà vô địch châu Á và giành vé dự Olympic môn đua xe đạp đường trường, nhưng không may chấn thương trước giải nên chỉ về đích thứ tư. Một trường hợp khác ở môn boxing, võ sĩ Nguyễn Thị Tâm đương kim á quân thế giới mới trở lại sau chấn thương và đụng đương kim vô địch thế giới người Ấn Độ ngay vòng đầu nên không thể tiến sâu.
Ở môn bắn súng, xạ thủ kỳ cựu Hà Minh Thành, hay VĐV trẻ mới giành vé dự Olympic Trịnh Thu Vinh được đặt niềm tin nhiều nhất, nhưng Phạm Quang Huy mới là người toả sáng khi giành HCV ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Môn cờ tướng, các kỳ thủ Lại Lý Huynh, Nguyễn Thành Bảo cũng không duy trì được phong độ và tâm lý ổn định.
Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự Asiad 19 cho rằng, nhiều VĐV không giành HCV nhưng xét về thành tích, những tấm huy chương của họ còn quý hơn vàng. Có thể kế đến như 2 HCĐ của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung 800m tự do và 400m tự do, đồng thời giành vé dự Olympic 2024. Hay HCB của VĐV thể dục dụng cụ Nguyễn Văn Khánh Phong ở nội dung vòng treo. Đây đều là những môn thi đấu cơ bản của Olympic và VĐV Việt Nam phải đối diện với rất nhiều đối thủ mạnh hàng đầu thế giới.
Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt thừa nhận, so với các kỳ SEA Games 2 lần gần nhất 31 và 32, Việt Nam đang là thế lực của Đông Nam Á, nhưng ra những đấu trường lớn như Asiad và Olympic, chúng ta đang còn nhiều hạn chế.
Các VĐV đã thi đấu vì màu cờ sắc áo
Theo ông Đặng Hà Việt, nguyên nhân sâu xa là thể thao Việt Nam gặp khó khăn trong xây dựng môn trọng điểm, với ba yếu tố tác động chính gồm kinh tế, hệ thống tuyển chọn - đào tạo và xu thế thể thao thế giới. Cụ thể, ngân sách Nhà nước cho thể thao được đánh giá không đủ chia cho các môn, với nhiều khâu từ tuyển chọn, đào tạo, tổ chức giải, tập huấn... Giải pháp thu hút tài trợ, nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp chưa được đẩy mạnh dẫn đến nhiều liên đoàn không thể tự tìm nguồn thu để hoạt động mà dựa hoàn toàn vào tiền ngân sách.
“Kinh tế giải quyết vấn đề đầu tư, tài trợ, giúp VĐV đạt thành tích. Để nâng công tác tuyển chọn, đào tạo nhân lực là quá trình nhiều năm. Từ một VĐV tiềm năng đến đạt thành tích cao phải mất 10 năm, tiêu tốn kinh phí lớn”, ông Việt nói.
Với 3 HCV, Đoàn thể thao Việt Nam có thể nói là hoàn thành chỉ tiêu đạt được số HCV đề ra trong kỳ đại hội. Tuy nhiên xét tổng thể, chúng ta chỉ đứng thứ 6 Đông Nam Á (sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore). |
Thêm vào đó, hệ thống tuyển chọn và đào tạo VĐV ở 63 tỉnh thành của chúng ta chưa đầy đủ, chưa có được hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học để tìm kiếm và lựa chọn tài năng. Vấn đề nữa, xu thế thể thao đỉnh cao dần cắt giảm những hạng cân nhẹ ở các môn thi đấu có phân hạng cân dẫn đến Việt Nam gặp khó trong cạnh tranh thành tích. Ở Asiad 19, cử tạ bỏ hạng 56kg nam, trong khi thuyền nhẹ môn rowing loại bỏ nội dung bốn người mà Việt Nam từng giành HCV kỳ trước.
Ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh: “Không phải trong ngày một ngày hai có nhà vô địch Asiad và Olympic. Chúng ta cần hệ thống bài bản, từ công tác tuyển chọn trong các trường học trên cả nước, đến chú trọng dinh dưỡng cho VĐV, đưa khoa học vào huấn luyện thể thao, cho đến phát triển kinh tế thể thao. Trong thi đấu thể thao cần nhiều yếu tố nên khó có thể nói trước. Tuy nhiên, dù kết quả thế nào thì các VĐV đều đã thi đấu nỗ lực hết khả năng vì màu cờ sắc áo”.
Thiếu chiến lược hay dũng khí?
Đồ họa Kiều Tú
Đây có lẽ là vấn đề được nhắc tới nhiều nhất sau khi kết thúc Asiad 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Trên bảng xếp hạng, Việt Nam ( 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ) đứng vị trí thứ 21 và nếu so trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta thua Thái Lan (12 HCV, 14 HCB, 32 HCĐ), Indonesia (7 HCV, 11 HCB, 18 HCĐ), Malaysia (6 HCV, 8 HCB, 18 HCĐ) và Singapore (3 HCV, 6 HCB, 16 HCĐ) và Philippines (4 HCV, 2 HCB, 12 HCĐ).
Nhìn vào thứ hạng và thành tích, có thể nói Thái Lan vẫn là số 1 ở khu vực Đông Nam Á và có khoảng cách khá xa so với Việt Nam. Nếu như chỉ vài tháng trước, Thái Lan thua Việt Nam ở SEA Games 32 thì tới Asiad 19, họ cử lực lượng đông kỷ lục, đặt ra mục tiêu rất lớn và kết quả trội hơn hẳn phần còn lại ở khu vực Đông Nam Á.
Vì sao Việt Nam vững vàng ở tốp đầu khu vực, thậm chí đã có 2 kỳ SEA Games liên tiếp nhất toàn đoàn nhưng lại “hụt hơi” khi ra châu lục? Có lẽ là câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất thời điểm hiện tại. Đã có nhiều phân tích cũng như lý giải từ các chuyên gia cũng như lãnh đạo ngành thể thao, ở đây chỉ chia sẻ thêm một câu chuyện.
Thực tế từ lâu, ngành thể thao đã đưa ra định hướng tập trung vào các môn trong chương trình thi đấu Asiad và Olympic. Dù vậy, kết quả có vẻ như không theo kịp với mục tiêu đặt ra.
Năm 2017, trong cuộc gặp gỡ truyền thông sau SEA Games tại Malaysia, khi báo chí đặt câu hỏi về việc kình ngư Ánh Viên phải thi quá nhiều nội dung, Phó đoàn Nguyễn Trọng Hổ đã giải thích Ánh Viên thi nhiều để “đảm bảo chỉ tiêu huy chương” cho Việt Nam. Sau đó Trưởng đoàn Trần Đức Phấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT “chữa” lại rằng Ánh Viên phải hướng đến Asiad và Olympic.
Ai cũng biết Ánh Viên từng được ví như “viên ngọc” của bơi lội Việt Nam với những phẩm chất thiên bẩm. Tại SEA Games 2015, kình ngư Quân đội đã làm dậy sóng đường đua xanh và khiến truyền thông Singapore phải ngưỡng mộ.
Điều đáng tiếc là giai đoạn sau đó, Ánh Viên được đầu tư nhiều, cho tập huấn dài hạn tại Mỹ nhưng vẫn phải cày ải cả chục nội dung khi trở về nước tham dự SEA Games. Giới chuyên môn đã có nhiều ý kiến về vấn đề này, thậm chí gay gắt bởi nếu thực sự tập trung cho Olympic và Asiad, cô đáng lẽ chỉ phải chuyên tâm cho các cự ly sở trường.
Một ví dụ khác là môn điền kinh, nguyên Trưởng bộ môn điền kinh (Cục TDTT) Dương Đức Thuỷ mới đây cho rằng bên cạnh các vấn đề về tuyển chọn, đầu tư, cơ sở vật chất…thì việc đầu tư dàn trải đã khiến Việt Nam không có được những gương mặt thực sự đủ tầm cạnh tranh ở đấu trường châu lục.
Kể lại câu chuyện trên để thấy dù tiếng là hướng đến Asiad và Olympic, nhưng thực tế ngành thể thao chưa thực sự thoát được gánh nặng thành tích ở sân chơi khu vực. Giữa định hướng và thực tiễn vẫn còn khoảng cách, khi quyết tâm chưa đủ lớn thì khó có thể tạo được đột phá. Ngược lại, rõ ràng Thái Lan đang cho thấy tham vọng thực sự khẳng định vị thế mới.
(Tin thể thao, tin ASIAD) Cựu á hậu Hàn Quốc là một trong số các VĐV đẹp nhất tại kỳ ASIAD 2023.
Nguồn: [Link nguồn]