Vì sao Djokovic lại ngại Murray?
Chiến thắng ở chung kết Rogers Cup 2015 của Andy Murray thực sự khiến Djokovic lại phải dè chừng trở lại tay vợt người Scotland ở bất cứ Grand Slam nào.
Năm 2014, Murray tiếp tục trở thành người tiên phong, biến Amelia Mauresmo trở thành người phụ nữ đầu tiên trở thành HLV của một tay vợt nam đang nằm trong top đầu thế giới. Tây Ban Nha đã bổ nhiệm một đội trưởng nữ cho tuyển Davis Cup không lâu sau đó.
Và nó là sự mở đầu cho những thay đổi tiếp theo, bắt đầu là việc chia tay với Dani Vallverdu, người bạn từ thuở niên thiếu và là (đồng) HLV của anh kể từ 2010. Lý do là bởi Vallverdu không theo kịp được những đòi hỏi thay đổi từ Murray.
Những thay đổi để có thể nâng cao thành tích đỉnh cao, sưu tập Grand Slam của Murray còn có cả vấn đề thể lực. Là một trong những tay vợt có thể lực tốt nhất hiện nay, nhưng Murray muốn nhanh hơn nữa, muốn không chỉ tập trong các phòng gym mà tận dụng cả những bãi biển ở Miami, nơi anh thường lập trại tập luyện, nên anh sa thải một trong hai HLV thể lực cũng vì ông này không chia sẻ với khát vọng thay đổi đó.
Năm 2015, Murray dù rất hài lòng với Mauresmo, nhưng anh vẫn đi tìm kiếm những ý tưởng mới và trong ê kíp huấn luyện của anh vì thế có thêm Jonas Bjorkman, chuyên gia của tennis tấn công người Thuỵ Điển.
Murray khi cần chơi tấn công cũng rất hiệu quả
Một Murray phiên bản tấn công
Djokovic ở chung kết Rogers Cup đã bị choáng ngợp trước một Murray nhập cuộc với tâm thế của một tay vợt tấn công dồn ép. Murray tăng lực cho các cú đánh của mình, và để dẫn trước 4-1 trong set 1, các cú đánh của Murray có vận tốc trung bình là 69 dặm/giờ, nhiều hơn 5 dặm/giờ so với toàn bộ giải.
Nhưng nét tấn công rõ nhất ở Murray là cách anh chọn vị trí đứng, chọn góc tấn công để dứt điểm càng sớm càng tốt, và tư tưởng bước vào trong sân để dồn ép đối thủ.
Murray hiểu rằng anh phải chơi tốc hành nếu muốn đánh bại Djokovic, nên số lần chạm vợt trung bình chỉ là năm. Nếu như ở chung kết Australian Open đầu năm, hai set đầu có 57 lần chạm vợt từ 10 trở lên thì ở Rogers Cup chỉ là 15.
Đây là sự khác biệt so với thời Murray còn Ivan Lendl, lúc mà anh phải tăng sức nặng cơ bắp lên 2-3kg nữa rồi độ lại cả vợt nhằm tăng lực cho cú đánh.
Murray kể từ khi có thêm Jonas Bjorkman thực ra đã cho thấy anh có những điều chỉnh, chuyển sang xu hướng tấn công nhiều hơn là kiên nhẫn chờ đợi.
Nó được bắt đầu từ Wimbledon, nơi anh đã chơi rất hay cho tới khi gặp một Federer đã có màn trình diễn giao bóng xuất sắc nhất trong sự nghiệp nên phải dừng bước ở bán kết.
Đó là thất bại ám ảnh Murray, người đã rất kỳ vọng được gặp lại Djokovic ở chung kết Wimbledon, sau khi họ đã gặp nhau khoảng ba tuần trước đó tại bán kết Roland Garros – một trận đấu mà Murray cũng cho thấy anh đang trên đường trở lại, cải thiện ngay cả trên sân đất nện, chỉ thua Djokovic sau năm set.
Tất nhiên là Djokovic vẫn đang xây dựng điểm rơi phong độ và thể lực cho US Open, và Rogers Cup vốn luôn là đất lành với Murray (lần thứ ba vô địch), nhưng đây có thể là sự khởi đầu cho một chặng đường mới mà Djokovic sẽ phải rất ngại Murray.