VĐV Thanh Phúc: Đường đua và trường đời

Được tung hô như người hùng sau danh hiệu á quân đi bộ châu Á, ít ai biết rằng VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc đã sụt cân rồi phải truyền nước biển sau khi trở về quê nhà. Mệt mỏi như thế, Thanh Phúc vẫn phải lên trường để đi học, khi đơn xin nghỉ chính thức hết hạn vào ngày hôm qua.

Đối với HLV Trần Anh Hiệp hay bản thân VĐV Thanh Phúc, tấm HCB đi bộ châu Á vừa qua có ý nghĩa như tấm HCV, bởi hành trình dài 20 km ở đất Nomi (Nhật Bản) không chỉ là sự thử thách ý chí, nỗ lực mà cả sức chịu đựng của con người. Đi bộ đã khó, lại còn phải đúng động tác, tư thế. Chỉ cần hấp tấp, vội vàng sẽ bị đánh rớt khỏi cuộc thi và xem như không có cơ hội tranh huy chương.

2 năm Thanh Phúc thi đấu ở Nhật Bản thời tiết đều lạnh, thậm chí năm nay có cả mưa lẫn tuyết rơi. Chưa kể do việc di chuyển, đi máy bay từ Việt Nam sang Nhật rồi trở về, khiến thể trạng của Thanh Phúc bị ảnh hưởng. Đến sáng 13/3, Phúc vẫn chưa ăn uống bình thường, có biểu hiện suy nhược cơ thể. Theo bác sĩ cho biết do Phúc bị nhiễm lạnh quá lâu khi thi đấu trên đường. Cộng việc đi lại nhiều, ăn uống cũng kiêng khem do ép cân, nên cơ thể mất cân bằng. Từ lúc về nước, Phúc liên tục bị nôn, ăn uống cũng ít nên có hiện tượng mất nước. Kết quả đến trưa hôm qua, Phúc buộc phải truyền nước hoa quả để tránh hiện tượng suy nhược trầm trọng hơn.

VĐV Thanh Phúc: Đường đua và trường đời - 1

Để có được thành tích như hiện tại, Thanh Phúc đã phải nỗ lực và hy sinh rất nhiều

Làn da đã đen cháy vì tập luyện suốt ngày ngoài trời, Phúc còn cho biết mình đợt này đã sụt mất 2, 3 cân: "Em giờ chắc chưa đến 45 kg, người gầy quá ngại leo lên cân vì không đủ tự tin. Sau khi giành thành tích cao ở giải châu lục, lãnh đạo Trung tâm cũng cho phép em nghỉ 1 tuần để tĩnh dưỡng. Sau đó là chuẩn bị kế hoạch tập huấn hướng đến giải vô địch đi bộ thế giới vào tháng 7 ở Nga. Em cũng tính chạy về nhà ở huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) thăm gia đình với nghỉ mấy ngày. Nhưng lịch học dày quá đến ngày 12/3 đã hết giấy xin nghỉ học để sang Nhật thi đấu, nên phải đi học luôn".

Phúc năm nay đã là sinh viên năm 3 Đại học TDTT Đà Nẵng. Tuy nhiên do việc đi thi đấu, tập luyện nhiều nên phải... 3 năm nữa mới cầm bằng tốt nghiệp ra trường. Sau khi truyền nước xong, Phúc chỉ nghỉ được vài chục phút là phải ra ngoài kiến tập. Theo lịch bố trí thì Phúc sẽ dạy thể dục cho các em lớp 6 ngay ở khuôn viên trường. Cậu em Thanh Ngưng cũng kín lịch học từ lúc 3h đến 5h như chị, nên phải đến tối mới tranh thủ về nhà.

Sau chuyến thi đấu, di chuyển mệt nhoài, cả 2 chị em Thanh Phúc-Thanh Ngưng vẫn phải lo việc đi học, chứ không được nghỉ ngơi hồi phục thể lực. Cả 2 VĐV này cho biết dù đường thi đấu đỉnh cao còn rộng, nhưng họ cũng phải lo sự nghiệp sau này. Việc đi làm HLV hoặc làm giáo viên cũng là lối rẽ sau khi giải nghệ.

Dù rất vất vả phân chia lịch thi đấu, tập luyện với việc học hành, nhưng cả Phúc, Ngưng cũng như nhiều VĐV đỉnh cao Việt Nam vẫn phải gồng mình để hoàn thành mọi việc. Phúc còn lo việc học sẽ bị kéo dài hơn 3 năm khi bận thi đấu giải thế giới tới đây rồi SEA Games 2013 vào cuối năm. Đường học vất vả, lận đận đến lúc phải tạm thời nghỉ học để lo thi đấu, nhưng Phúc, Ngưng vẫn cố vượt qua để có tấm bằng cử nhân trong tay.

Bởi thế, tấm HCB đi bộ châu lục của Phúc vừa qua, hay thành tích thứ 5 của Ngưng thực sự quý như "Vàng". Qua câu chuyện "hậu" giải thi đấu châu Á ở Nhật Bản mới thấy Phúc và Ngưng cũng hy sinh nhiều để có được thành công. Chuyện sức khỏe bị ảnh hưởng, việc học bị ảnh hưởng vẫn không ngăn họ tỏa sáng trên đường đua, giúp môn đi bộ nói riêng và điền kinh Việt Nam nói chung có vị trí trong làng điền kinh châu lục rồi thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mộc Miên (TT&VH)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN