VĐV không tay chân vẫn bơi chóng mặt và những ngôi sao sáng ở Paralympic Paris
(Tin thể thao, tin Paralympic) Có 10 VĐV đã lập thành tích phi thường tại Paralympic Paris 2024, từ Gabriel Araujo bơi lội không tay chân đến Catherine Debrunner, nữ hoàng đường đua với 5 HCV.
Paralympic Paris 2024 khép lại vào 8/9 tại Pháp, chứng kiến nhiều vận động viên (VĐV) với thành tích phi thường. Họ không chỉ có tài năng vượt trội mà còn ghi dấu ấn với những câu chuyện truyền cảm hứng về nghị lực và tinh thần thể thao. Dưới đây là 10 gương mặt nổi bật, “thắp sáng” Thế vận hội thể thao lớn nhất hành tinh dành cho người khuyết tật.
1. Gabriel Araujo (bơi lội) - "Rocketman" không tay chân vẫn bơi siêu nhanh
Araujo không có 2 tay, 2 chân teo tóp vẫn giành được 3 HCV tại Paris
Gabriel, hay còn được biết đến với biệt danh “Rocketman”, là VĐV bơi người Brazil gây tiếng vang lớn tại Paralympic Paris. Với cơ thể không có tay và chân teo tóp, anh bơi chủ yếu bằng hông, nhưng giành tới 3 HCV ở các nội dung 200m tự do (3 phút 58.92), 50m ngửa (50.93 giây) và 100m ngửa (1 phút 53.67).
2. Catherine Debrunner (điền kinh): Nữ hoàng đường chạy
Catherine, tới từ Thụy Sĩ, đã giành tổng cộng 5 HCV và 1 HCB, trở thành VĐV vào top có thành tích tốt nhất Paralympic Paris. Cô thống trị các cự ly từ 400m đến marathon, khẳng định mình là một trong những VĐV xuất sắc nhất của lịch sử Paralympic.
3. Ezra Frech: Người hùng mới của điền kinh Mỹ
Ezra Frech, VĐV điền kinh 19 tuổi đến từ Los Angeles, giành HCV ở nội dung 100m và nhảy cao hạng T63. Sinh ra với khuyết tật chân và tay, Frech không chỉ là ngôi sao thể thao mà còn là nhà từ thiện, gây quỹ hơn 400.000 USD cho cộng đồng người khuyết tật. Anh được dự đoán sẽ trở thành biểu tượng của Paralympic Los Angeles 2028.
4. Lauren Rowles (chèo thuyền): 3 lần liên tiếp vô địch
Với chiến thắng tại nội dung chèo thuyền đôi hỗn hợp PR2, Lauren (Anh) có 3 HCV qua 3 kỳ Paralympic liên tiếp. Không chỉ là một vận động viên xuất sắc, Rowles còn là đại diện tiêu biểu cho cộng đồng đa giới tính LGBTQ+, với nỗ lực truyền cảm hứng và thay đổi cách nhìn nhận về người khuyết tật.
5. Zakia Khudadadi (taekwondo): Niềm tự hào của đội tuyển tị nạn
Zakia, nữ võ sĩ taekwondo đến từ Afghanistan, làm nên lịch sử khi giành HCB đầu tiên cho đội tuyển tị nạn. Sau khi thoát khỏi Kabul trong bối cảnh Taliban lên nắm quyền, cô tìm đến nước Pháp để tiếp tục sự nghiệp thể thao. Khudadadi là hình mẫu của lòng dũng cảm và hy vọng cho phụ nữ và người tị nạn trên thế giới.
6. Aurelie Aubert (boccia): Ngôi sao mới của thể thao Pháp
Aurelie, VĐV boccia (ném bóng màu) người Pháp, giành HCV tại nội dung BC1, mang về niềm vui lớn cho nước chủ nhà. Với nụ cười rạng rỡ và tinh thần thi đấu tuyệt vời, Aubert trở thành biểu tượng của Paralympic Paris. Cô được chọn là người cầm cờ tại lễ bế mạc và thổi tắt ngọn đuốc Paralympic.
7. Sarah Adam (bóng bầu dục xe lăn): Chiến binh quả cảm
Sarah là một trong số ít nữ VĐV xuất sắc của bóng bầu dục xe lăn, môn thể thao đòi hỏi nhiều sức mạnh và sự dẻo dai. Cô là nhân tố quan trọng giúp đội tuyển Mỹ giành HCB tại giải đấu năm nay. Với kỹ năng và trí tuệ chiến thuật, Adam đã chứng minh rằng nữ giới có thể tỏa sáng trong mọi khó khăn.
Twomey gây sốt ở môn bóng bàn
8. Bly Twomey (bóng bàn): Kỳ tích của cô bé 14 tuổi
Bly, VĐV bóng bàn trẻ tuổi người Anh, giành được 2 HCĐ Paralympic ở 14 tuổi, trở thành VĐV bóng bàn Paralympic trẻ nhất trong lịch sử. Với việc thi đấu giành 2 HCĐ bóng bàn (đơn, đôi), Twomey chứng minh rằng sự khuyết tật không phải là rào cản đối với tài năng và đam mê.
9. Brahim Guendouz (ca nô): Niềm tự hào của châu Phi
VĐV ca nô Brahim của Algeria đã làm nên lịch sử khi trở thành người châu Phi đầu tiên giành HCV trong môn ca nô tại Paralympic. Chiến thắng ở nội dung 200m KL3 không chỉ là niềm tự hào của Algeria mà còn đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của thể thao người khuyết tật ở châu lục này.
10. Alfie Hewett (quần vợt xe lăn): Trận đấu đầy cảm xúc
Alfie, tay vợt xe lăn người Anh, đến Paris với mục tiêu giành HCV còn thiếu trong sự nghiệp. Dù thất bại trước đối thủ Nhật Bản Tokito Oda ở trận chung kết đơn nam, Hewett vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ với tinh thần chiến đấu kiên cường (thi đấu trong tình trạng chấn thương).
Alfie (bên phải) thua trận vẫn có hành động truyền cảm hứng với đối thủ
Các hạng thương tật của 10 VĐV tiêu biểu: - Gabriel Araujo hạng S2: VĐV có khuyết tật nặng ở cả tay và chân, với khả năng di chuyển rất hạn chế nhưng vẫn có thể tham gia bơi lội. - Catherine Debrunner hạng T53/T54: VĐV ngồi xe lăn, có khuyết tật ở phần dưới cơ thể, không sử dụng được chân nhưng tay và phần trên cơ thể có sức mạnh tốt. - Ezra Frech hạng T63: VĐV sử dụng chân giả do bị mất một chân, nhưng có khả năng tham gia các môn thể thao tốc độ và nhảy cao. - Lauren Rowles hạng PR2: VĐV có khả năng sử dụng tay và phần thân trên, nhưng không sử dụng được chân trong quá trình thi đấu. - Zakia Khudadadi hạng K44: VĐV có khuyết tật một phần ở tay hoặc chân nhưng vẫn có khả năng tham gia thi đấu taekwondo với cường độ cao. - Aurelie Aubert hạng BC1: VĐV có bệnh lý bại não, khó kiểm soát chuyển động cơ thể và cần sự hỗ trợ từ người khác khi chơi boccia. - Sarah Adam hạng Mixed: Môn bóng bầu dục xe lăn là môn thể thao hỗn hợp, nhưng Sarah Adam thi đấu ngang sức với các đồng nghiệp nam mà không cần lợi thế về phân loại. - Bly Twomey hạng Class 7: VĐV bị liệt một phần, nhưng vẫn có khả năng điều khiển tay và thân trên một cách linh hoạt để tham gia bóng bàn. - Brahim Guendouz hạng KL3: VĐV có khả năng sử dụng tốt phần thân trên và một phần chi dưới khi tham gia chèo ca nô. Alfie Hewett hạng Open: VĐV có khả năng điều khiển xe lăn tốt, tham gia cả nội dung đơn và đôi trong quần vợt xe lăn. |
(Tin thể thao, tin Paralympic) Không dừng lại ở mốc 6 HCV, hot-girl bơi lội Trung Quốc có chiến thắng gần như tuyệt đối tại Paralympic Paris 2024.
Nguồn: [Link nguồn]