VĐ Thượng Hải: Djokovic đã trở lại
Djokovic lại thắng theo cái cách rất Djokovic, là đè nát đối thủ sau khi anh "bật nắp quan tài đứng dậy".
Trận chung kết Masters 1000 hay nhất trong năm
Bạn có còn nhớ đến trận chung kết Masters gần nhất trước khi có Thượng Hải hay không? Nếu có đi chăng nữa, thì việc Federer thắng Djokovic 6-0, 7-6 cũng chẳng thể tạo nên những cảm xúc đặc biệt, ngoại trừ những ai mê Federer tới độ chỉ cần thần tượng của mình thắng là đủ.
Và bảy trận chung kết Masters đã trôi qua từ đầu năm nay? Cũng thật khó để tìm thấy một trận đấu nào xứng đáng với tầm vóc của những giải đấu được xếp hạng "hay, lớn, quan trọng chỉ sau các giải Grand Slam".
Djokovic và Murray đã cống hiến một trận đấu tuyệt hay
Indian Wells là trận chung kết giữa một người có vóc dáng của Goliath nhưng trình độ chỉ là David với một huyền thoại, ấy là chúng ta đang nói tới Isner thua Federer 6-7, 3-6.
Miami là cuộc tái đấu giữa hai người lọt vào tới bán kết Australian Open, Djokovic thắng Murray 6-1, 7-6.
Rồi khi Nadal thắng Djokovic ở Monte Carlo khá chóng vánh 6-3, 6-1, trận đấu ấy chỉ sướng cho những ai thích Nadal và cay mũi vì siêu sao người Tây Ban Nha đánh bảy trận gần nhất thua cả bảy trước ngôi sao người Serbia.
Trong ba trận chung kết còn lại, chỉ có đúng một trận kéo sang set thứ ba khi Federer thắng Berdych ở sân đất nện màu xanh Madrid. Còn hai trận kia, một trận chỉ đáng tầm một trận đấu ở vòng ba vòng bốn Grand Slam, là chung kết Rogers Cup ở Canada.
Nếu xét đến truyền thống Paris Masters trong khoảng chục năm qua, một giải đấu diễn ra ở thời điểm hầu hết các tay vợt hàng đầu chỉ muốn giữ sức đánh giải ATP World Tour cuối năm hoặc không tham dự, có lẽ cũng không thể trông đợi rằng sẽ còn có thêm trận chung kết Masters tầm cỡ.
Nên những gì diễn ra ở sân Qizhong hình cánh hoa mộc lan (magnolia) mới đây đáng được coi là màn trình diễn đỉnh cao của Masters 1000 trong năm 2012. Đó là một Andy Murray chưa hẳn đã rũ bỏ những căn bệnh cũ nhưng đích thực là nhà vô địch US Open 2012 với những tiến bộ vượt bậc. Và đó là một bóng dáng Djokovic 2011 của những lần lội ngược dòng kinh điển.
Andy Murray vẫn hay cả khi thua
Trước tiên, hãy nói tới việc Murray lại bỏ lỡ cơ hội chiến thắng dù anh đã tới rất gần với nó. Việc bỏ lỡ tới năm match points ở set thứ hai, trong đó có bốn điểm xảy ra trong loạt tiebreak là điều chưa từng có ai mắc phải khi đối đầu với Djokovic. Hoặc trong những cuộc đụng độ giữa các tay vợt hàng đầu của tennis đương đại trong đó ngoài hai người nói trên còn có Nadal và Federer, số cơ hội match point bị bỏ lỡ cũng chưa nhiều tới mức ấy. Federer chỉ có hai cơ hội match point trong mỗi lần bị thua ngược ở hai trận bán kết US Open 2010 và 2011. Thậm chí, lãng tử như Tsonga cũng chỉ bỏ lỡ tới bốn match points ở Roland Garros 2012 (trước chính Djokovic).
Murray ngày một hoàn thiện hơn
Hẳn là chúng ta cũng chưa dễ quên Murray trước đây vẫn thường trở nên yếu đuối trước những thời khắc quan trọng của trận đấu, trước những cuộc đối đầu mang tính lịch sử trong sự nghiệp của riêng anh hay của quần vợt Anh quốc nói chung.
Nhưng, hãy xem tới diễn biến của trận đấu để thấy Murray đã chơi một thứ tennis gần như xuất sắc nhất của riêng anh. Set 1 là màn trình diễn của lối đánh phòng thủ bền bỉ. Set 2 là thứ tennis tấn công mạnh mẽ và đã tự tạo ra những cơ hội chiến thắng. Murray thường đứng ngay sát vạch baseline và gần như là người điều phối cuộc chơi.
Cách Muray sử dụng cú trái tay để cài bóng chiến thuật và thỉnh thoảng tăng tốc tăng lực làm Djokovic giật mình là sự bù đắp hoàn hảo cho một điểm còn tương đối hạn chế là ít khi anh thay đổi hướng đánh bằng cách xử lý trái dọc dây.
Và chẳng có gì tiến bộ bằng cú thuận tay giờ đây uy lực hơn hẳn và anh dám dứt điểm từ kỹ năng này thay vì chỉ đơn thuần cài bóng chờ cho đối phương mắc sai sót.
Ngay cả khi chúng ta thấy cái đầu không còn điều khiển được đôi chân ở trong set 3, đó cũng là điều tất yếu với Murray, người đã xây dựng điểm rơi vào quãng tháng 7 tới tháng 9 để lọt vào tới chung kết Wimbledon, vô địch Olympic và US Open.
Thực ra khi Murray thua ngược ở Thượng Hải, nguyên nhân không phải là vì anh tự thua. Mà bởi Djokovic đã xuất sắc.
Với Djokovic, 30 chưa phải là Tết
Lần gần nhất Djokovic lội ngược dòng ngoạn mục chưa xa, mới chỉ cách nay bốn tháng. Tại tứ kết Roland Garros, anh đã cứu cả bốn match point của Tsonga trước đám đông khán giả Pháp thèm muốn đến tột cùng được thấy gà nhà của họ đi tiếp.
Cũng cứu match point ngoạn mục như thế, Djokovic còn từng biến Federer thành nạn nhân tới hai lần ở bán kết US Open 2010 và 2011 như đã nói ở trên.
Thành tích cứu match point rồi thắng ngược của Djokvic cho tới hôm nay đã là mười trận đấu.
Phần lớn kịch bản của những lần Djokovic cứu được match point đều diễn ra theo cùng một cách: khi tưởng như sẽ thua, anh chơi với tâm lý không còn gì để mất, thoải mái thi triển những cú đánh cực khó mà người ta vẫn gọi là xuất thần. Trước Federer năm 2011 là cú trả giao bóng chéo sân mà bóng đi như điện xẹt vào đúng góc chết. Trước Tsonga là những cú thuận tay chéo sân rồi trái tay dọc dây căng như kẻ chỉ. Trước Murray là cú đánh qua hai chân chính xác tới từng centimet và rất đủ lực rồi bồi thêm bằng một cú bỏ nhỏ trái tay không thừa không thiếu một milimet. Khi bước qua cơn hiểm nghèo, Djokovic thường hủy diệt đối thủ khá nhanh.
Djokovic - chuyên gia lội ngược dòng
Anh thắng Tsonga 6-1 trong set đấu tiếp theo để kết thúc trận tứ kết Roland Garros. Anh hạ Murray trong set quyết định ở Thượng Hải với hai lần bẻ gãy game giao bóng của đối thủ.
Và nếu như chúng ta cũng xếp cả trận đấu Djokovic thắng Nadal (chung kết) ở Australian Open 2012 thuộc dạng lội ngược dòng (dù đối phương của anh không có match point nào), thì Djokovic cũng hủy diệt đối thủ kiểu như thế. Anh thắng Nadal năm trong sáu game cuối.
Liệu như thế đã đủ để tin rằng Djokovic của năm 2011 đã trở lại?
Câu trả lời ở đây là chưa. Nó mới chỉ là một trận đấu mang tính bước ngoặt, giúp Djokovic cắt được chuỗi trận thua liên tiếp của anh trước bộ ba Nadal, Federer và Murray trong thời gian gần đây. Với một tay vợt phần nào mất tự tin, thường chơi tệ ở những trận quyết định sau khi đã thắng tưng bừng ở vòng ngoài, thì thắng lợi này cũng sẽ giúp anh ta tự tin trở lại.
Hoặc sẽ là cực kỳ ý nghĩa với cuộc đua tranh xem ai là người đứng ở vị trí số 1 trong một vài tuần lễ tới để kết thúc năm đấu 2012 với danh hiệu Tay vợt xuất sắc nhất, bởi Djokovic chỉ còn kém Federer ít điểm trong khi phía trước Federer cần phải chiến thắng ở hầu hết các giải đấu anh tham dự mới không bị trừ điểm.
Nhưng không nên lấy Masters 1000 để luận tương lai đối với những người mà sự nghiệp của họ được phân định hơn thua bằng những chiến thắng ở Grand Slam hay chí ít cũng là Olympic.
Federer, Nadal và cả Murray chắc chắn đều không tin vào điều đó.