Vang danh đường roi Thuận Truyền đất Võ

Sự kiện: Khám phá võ thuật

Nói đến roi của võ thuật cổ truyền Việt Nam, nhiều người nghĩ ngay đến roi Thuận Truyền của đất võ Bình Định với lời truyền tụng: "Roi Thuận Truyền, quyền An Thái".

Huyền thoại làng võ cổ truyền

Cùng với An Vinh, An Thái, Thuận Truyền là một trong 3 làng võ cổ truyền lừng danh nhất của đất võ Bình Định. Và bậc thầy làm nên tên tuổi một thời danh bất hư truyền với tuyệt kỹ "roi đánh nghịch" nơi đây chính là cố võ sư huyền thoại Hồ Nhu (1891 - 1976, thường gọi là Hồ Ngạnh).

Cố võ sư huyền thoại Hồ Nhu múa roi

Cố võ sư huyền thoại Hồ Nhu múa roi

Nằm sâu trong những con ngách nhỏ ngoằn nghèo ở làng Thuận Truyền, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định là võ đường Hồ Gia của võ sư Hồ Sừng, sinh năm 1938. Đây cũng là ngôi nhà xưa của cố võ sư Hồ Nhu, ông nội của võ sư Hồ Sừng.

"Hiện võ đường này được giao cho con trai tôi đứng lớp. Riêng những ngày hè, học sinh đến học rất đông nên tôi phải huy động tất cả các con trai về dạy" - võ sư Hồ Sừng nói.

Theo những bậc cao niên ở làng võ Thuận Truyền, nơi này xưa có nhiều môn phái. Ở phía Đông của làng có môn phái dòng họ Hồ; phía Tây có môn phái dòng họ Trần và phía Bắc có môn phái dòng họ Phan. Ba dòng họ, môn phái võ cùng tồn tại trong một không gian tổng Thuận Truyền, đã mang lại sự phong phú cho làng võ. Tuy nhiên, ngày nay truyền thống võ ấy chỉ neo lại, bám rễ sâu bền trong một lò võ gia truyền của võ sư Hồ Sừng.

Roi Thuận Truyền xa xưa không rõ ông tổ là ai, nhưng cố võ sư Hồ Nhu được xem như một sư tổ. Song thân của ông là ông Hồ Đức Phổ và bà Lê Thị Quỳnh Hà. Thời ấy, ông Phổ ra kinh thành Huế dự thi văn thì gặp bà Hà (người Huế) dự thi võ. Người văn, người võ nhưng mối lương duyên đã khiến họ gặp gỡ và gắn kết cuộc đời với nhau. Khi về quê chồng, bà Hà đã mang theo những tuyệt chiêu võ học của dòng họ mình.

Chuyện xưa kể rằng, lúc nhỏ, một lần do bị bức hiếp, Hồ Nhu đánh trả con trai ông Hương Kiểm trong làng. Sau đó, ông Hương Kiểm xách gậy đi tìm, đòi đánh Hồ Nhu. Mẹ Hồ Nhu đã giở ngay cán cuốc đánh ngược lên một thế. Vậy là cái gậy trong tay Hương Kiểm bay vù tận ngõ. Từ đó, Hồ Nhu bắt đầu được mẹ cho luyện võ.

Thanh niên Bình Định luyện tập võ cổ truyền. Ảnh: Nguyễn Dũng

Thanh niên Bình Định luyện tập võ cổ truyền. Ảnh: Nguyễn Dũng

Khoảng năm 1932, tiếng tăm ông Hồ Nhu cũng như làng võ Thuận Truyền vang dội khắp 4 tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú, học trò đến thọ giáo rất đông. Đến 80 tuổi, Hồ Nhu vẫn còn thao diễn roi, đường roi vẫn cứng và đẹp. Con trai mất sớm, ông truyền nghề cho cháu nội là võ sư Hồ Sừng hiện nay.

"Trước khi nhận học trò, ông nội tôi thường thử trước rồi dạy sau, kể cả con cháu trong nhà. Trong quá trình truyền dạy võ, ông yêu cầu học trò tập luyện rất khắt khe. Bởi vậy, nhiều học trò như ông Mười Mỹ, Đinh Văn Tuấn, Năm Tạo, Sáu Được... đều đã có danh có tiếng trong làng võ", võ sư Hồ Sừng nhớ lại.

Tuyệt kỹ "roi đánh nghịch"

Roi là một loại binh khí tiêu biểu của võ Bình Định. Roi được làm bằng gỗ dẻo, mây già hoặc tre đặc, to nhỏ tùy theo khổ bàn tay người sử dụng. Mỗi môn phái ở Bình Định có các đòn roi bí truyền, nhưng đường roi Thuận Truyền vang danh nhất. Cái bí truyền của những đường roi này đã đi vào những câu chuyện truyền tụng.

Theo võ sư Hồ Sừng, lúc nhỏ mẹ võ sư Hồ Nhu không vội vàng truyền dạy võ công cho con trai, mà cho con theo học nhiều thầy như học roi của Ba Đề, học nội công của Đội Sẻ, tiếp đến học roi của Hồ Khiêm. Khi thấy con đã thạo ngũ hành, thất bộ, bà mới bắt đầu dạy roi.

Thanh niên đất võ Bình Định biểu diễn võ thuật

Thanh niên đất võ Bình Định biểu diễn võ thuật

Những đêm trăng sáng, bà dẫn con ra truông vắng, chọn một khoảnh đất bằng, chỉ dẫn từng chiêu thức. Người mẹ dùng than vẽ một vòng tròn trên mặt đất, cho phép con chỉ được di chuyển trong phạm vi vòng tròn đó. Bà yêu cầu rất cao về sự chuẩn xác trong đường nét, thân pháp và rèn tính cẩn trọng.

Để thử uy lực trong đường roi của con, bà lấy bốn cái đĩa lớn đựng dầu phụng, mỗi đĩa ngâm một ngọn bấc, đặt quanh vòng tròn rồi châm lửa vào đầu bấc. Bốn ngọn lửa bừng lên, khi nào ngọn gió từ đường roi phát ra làm tắt phụt cùng lúc là đạt. Tuyệt kỹ "roi đánh nghịch" độc đáo, cực kỳ lợi hại của võ sư Hồ Nhu cũng là do chính mẹ ông truyền dạy.

"Thế roi đánh nghịch ngược với cách đánh thuận thông thường, trên cơ sở tổng hòa tuyệt kỹ roi của nhiều môn phái khác nhau. Nhờ khổ luyện, ông nội tôi có thể đánh nghịch cũng thuần thục như đánh thuận. Sau này khi phải giao chiến với các cao thủ, thế roi đánh nghịch bất ngờ giúp ông chiến thắng", võ sư Hồ Sừng giải thích.

Cùng thời với Hồ Nhu, ở làng An Thái (nay thuộc xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) có một người gốc Tàu tên Diệp Trường Phát ( thường gọi là Tàu Sáu) rất giỏi võ nghệ, đặc biệt là võ Thiếu Lâm. Nghe tiếng ông Tàu Sáu, Hồ Nhu đến làm quen, giao đấu để tìm hiểu võ nghệ lẫn nhau. Lúc giao đấu, ông Hồ Nhu cầm roi bọc vải trắng có đệm bông được thấm mực xanh, ông Tàu Sáu cầm roi thấm mực đỏ.

Ông Hồ Nhu dùng đường roi nghịch tấn công liên tiếp làm Tàu Sáu không kịp phản công mà chỉ lo chống đỡ. Sau một hồi giao đấu, Tàu Sáu nhảy ra ngoài xin chịu thua. Trên áo của ông Tàu Sáu chi chít những chấm mực xanh tại các điểm tương ứng với huyệt đạo trong thân thể.

Lại có chuyện kể rằng, thời ấy, quê ông Hồ Nhu có tướng cướp Dư Đành nổi tiếng khắp vùng. Dư Đành có dáng người lực sĩ, võ nghệ rất cao cường. Đang tung hoành ngang dọc không đối thủ, bỗng dưng cái tên Hồ Nhu nổi lên làm Dư Đành khó chịu. Muốn Hồ Nhu làm thuộc cấp của mình nên nhiều lần Dư Đành ngỏ lời mời mọc nhưng lần nào y cũng bị từ chối nên rất tức giận. Chiêu mộ mãi không được, Dư Đành liền khiêu chiến với Hồ Nhu với yêu cầu nếu thua thì phải nhập bọn của y. Chối mãi không được, cuối cùng Hồ Nhu phải nhận lời thách đấu.

Sau đó, một mình Hồ Nhu cầm roi đến điểm hẹn thi đấu diễn ra trong đêm. Với đường roi nghịch, ông đã đánh bại hơn chục người trong băng đảng của Dư Đành. Thấy thuộc cấp của mình lần lượt nằm bẹp dưới đường roi của Hồ Nhu, tướng cướp Dư Đành cầm đao tấn công tới tấp đối thủ. Tuy nhiên, tất cả những đòn tấn công đều bị Hồ Nhu hóa giải và liền đánh những đòn roi nghịch áp đảo đối phương. Sau nhiều đòn đánh hiểm vô phương chống đỡ, Dư Đành chấp nhận chịu thua.

Võ sư Hồ Sừng múa roi Thuận Truyền

Võ sư Hồ Sừng múa roi Thuận Truyền

Vốn là tên tiểu nhân nên Dư Đành tìm cách đánh lén Hồ Nhu để trả thù. Một lần, Hồ Nhu đang trên đường gánh củ mì về thì Dư Đành cùng đám đệ tử từ trong bụi rậm lao ra đánh lén. Hôm ấy, Dư Đành dùng chiếc bắp cày bất ngờ tấn công Hồ Nhu nhưng khi nghe tiếng động, ông liền né kịp. Sau đó, ông dùng chiếc đòn gánh làm roi đánh Dư Đành và đám thuộc hạ của y văng liên tục vào trong các bụi rậm. Bị đánh thừa sống thiếu chết, Dư Đành quỳ gối xin tha mạng.

Theo võ sư Hồ Sừng, sau khi nổi tiếng, ông nội ông được triều đình Huế triệu ra kinh đô dạy võ cho các thanh niên hoàng tộc. Tại Huế, võ sư Hồ Nhu đã dùng roi đánh thắng một võ sư gốc Trung Quốc, thuộc phái Thiếu Lâm, đang hành nghề Sơn Đông mãi võ tại chợ Đông Ba tên là Trịnh Hùng Trí. Sau trận đấu, Trịnh Hùng Trí nói: "Hồ Nhu danh bất hư truyền" và từ đó không dám coi thường võ cổ truyền Việt Nam".

Ghi nhận những đóng góp của cố võ sư Hồ Nhu cho võ thuật nước nhà, năm 2018, Viện Nghiên cứu phát triển và quảng bá võ học Việt Nam đã trao tặng danh hiệu Danh nhân Võ học Việt Nam cho ông.

Nguồn: [Link nguồn]

Năm con trâu, bàn chuyện Kim Ngưu quyền

Con trâu là loài vật gắn liền với đời sống văn hoá của người nông dân Việt Nam từ ngàn đời nay. Hình tượng con trâu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Anh ([Tên nguồn])
Khám phá võ thuật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN