Vận động viên nữ “lên ngôi” tại Olympic Paris 2024

Thế vận hội mùa hè 2024 chuẩn bị diễn ra trong 3 tháng nữa, và thể thao Việt Nam gần như sẽ chứng kiến phần lớn VĐV tham dự là nữ. Đằng sau hiện tượng nữ giới lên ngôi của thể thao Việt Nam, VĐV cũng cần được định hướng, bảo vệ để hướng tới sân chơi đỉnh cao trong tương lai.

Không chỉ là hiện tượng

Tính đến đầu tháng 5/2024, thể thao Việt Nam có 10 VĐV giành vé tham dự Olympic. 7 người trong số đó là nữ giới. Đáng chú ý hơn, có 5 môn thể thao chứng kiến toàn bộ các VĐV Việt Nam giành suất tranh tài tại Thế vận hội là nữ: Boxing, Canoeing, Xe đạp, Rowing và Bắn súng.

Việc phần lớn các VĐV Việt Nam dự Thế vận hội Paris là nữ cũng không phải lần đầu xuất hiện. Đó là điều đã được chứng kiến tại 3 kỳ Olympic liên tiếp trước đó. Trong hơn 1 thập niên đã qua, thể thao Việt Nam xuất hiện không ít cô gái sẵn sàng gánh vác trách nhiệm bước ra thế giới.

Thùy Linh là thế hệ vận động viên thứ 3 của cầu lông nữ Việt Nam giành vé dự Thế vận hội.

Thùy Linh là thế hệ vận động viên thứ 3 của cầu lông nữ Việt Nam giành vé dự Thế vận hội.

Tại Olympic London diễn ra 12 năm trước, 12/18 VĐV giành vé của thể thao Việt Nam là nữ. Đến Olympic Rio, con số này là 13/23 người. Ngay cả trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, các VĐV nữ vẫn mang về 10/18 suất tham dự Thế vận hội cho đoàn Việt Nam trên đất Nhật Bản.

Hiện tượng nữ giới chiếm đa số trong 4 kỳ Olympic liên tiếp cho thấy, thể thao Việt Nam có thể phát triển theo hướng ưu tiên cho VĐV nữ. Điều này được chứng kiến thông qua tính kế thừa ở nhiều môn thể thao như Cầu lông, Rowing, cũng như Boxing trong thời gian qua.

Ở môn Cầu lông, trong giai đoạn Tiến Minh liên tục giành vé tham dự Olympic, tay vợt này đã chứng kiến 3 thế hệ đồng nghiệp nữ giành vé. Sau Lê Ngọc Nguyên Nhung và Vũ Thị Trang, Nguyễn Thùy Linh đã nổi lên như một gương mặt hàng đầu. Cô có thể thi đấu đỉnh cao thêm một thời gian nữa, thậm chí dự thêm 1 kỳ Olympic trong tương lai.

Với Rowing, trong bối cảnh môn thể thao này thay đổi chương trình thi đấu Olympic, các VĐV Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng bất ngờ đã đến, khi một VĐV đã bước sang tuổi 34 như Phạm Thị Huệ trở thành vị cứu tinh cho đội tuyển. Trước đó, Đinh Thị Hảo và Lường Thị Thảo là những người tranh tài tại Olympic Tokyo.

Về phía Boxing nữ, Việt Nam có phần may mắn khi sở hữu tấm vé mời tham dự Olympic Tokyo của Nguyễn Thị Tâm. Nhưng đến vòng loại thứ nhất Olympic Paris, thành tích này đã có sức thuyết phục lớn hơn rất nhiều. Võ Thị Kim Ánh là chủ nhân trực tiếp giành vé thông qua 3 chiến thắng liên tiếp.

Những dẫn chứng kể trên cho thấy một sự thật: Nữ giới chiếm đa số vé tham dự Olympic không phải hiện tượng nhất thời. Tính kế thừa, tiếp nối nhau giữa các VĐV nữ cũng được chứng kiến trong nhiều môn thể thao. Điều này giúp cho thể thao Việt Nam có thêm nhiều VĐV nữ tỏa sáng.

Võ Thị Kim Ánh cho thấy Boxing nữ có thể liên tục đào tạo những vận động viên đạt đẳng cấp Olympic.

Võ Thị Kim Ánh cho thấy Boxing nữ có thể liên tục đào tạo những vận động viên đạt đẳng cấp Olympic.

Khách quan và chủ quan

Đâu là lý do đằng sau hiện tượng những VĐV nữ liên tục chiếm ưu thế trong phạm vi thể thao Việt Nam? Xét trên góc độ khách quan, điều này phản ánh tinh thần bình đẳng giới trong thể thao thành tích cao. Minh chứng rõ nhất xuất phát từ Boxing. Môn võ này trước đây vốn chỉ dành cho nam trong vòng hơn 1 thế kỷ, nhưng đã có nhiều thay đổi.

Boxing nữ lần đầu xuất hiện trong chương trình thi đấu Olympic từ năm 2012. Khi đó, ban tổ chức chỉ sắp xếp 3 hạng cân dành cho nữ, trong khi có 10 hạng cân của nam. Đến Olympic Tokyo, con số này được điều chỉnh thành 5 hạng cân nữ, 8 hạng cân nam. Và tại Olympic Paris sắp tới, số lượng hạng cân dành cho nữ được nâng lên con số 6.

Việc Olympic điều chỉnh chương trình thi đấu môn Boxing theo hướng tăng cơ hội cho các VĐV nữ đã giúp Việt Nam hưởng lợi. Đến kỳ Olympic thứ 3 có Boxing nữ xuất hiện, Việt Nam đã chính thức sở hữu vé tham dự Thế vận hội. Võ Thị Kim Ánh, cùng những võ sĩ khác trong tương lai, chỉ đơn giản là người tiếp bước hành trình của Nguyễn Thị Tâm.

Chương trình bình đẳng giới trong thể thao cũng được áp dụng cho Bơi, cũng như một số môn thi đấu khác. Điều này đã giúp số lượng VĐV nữ có vé tham dự Thế vận hội ngày một nhiều hơn. Ở chiều ngược lại, số VĐV nam cũng vô tình giảm đi do nội dung thi đấu bị giới hạn dần, với mục tiêu cân bằng số VĐV nam và nữ của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).

Bên cạnh lý do khách quan là IOC điều chỉnh chương trình thi đấu Olympic theo hướng có lợi cho VĐV nữ, định hướng phát triển của thể thao Việt Nam cũng có thiên hướng dịch chuyển về nữ giới. Điều này có thể được chứng kiến trong những môn thể thao như Bơi, Điền kinh, Boxing, Judo.

Góc nhìn xã hội thay đổi giúp những vận động viên như Phạm Thị Huệ có thể bền bỉ thi đấu ở tuổi ngoài 30.

Góc nhìn xã hội thay đổi giúp những vận động viên như Phạm Thị Huệ có thể bền bỉ thi đấu ở tuổi ngoài 30.

"So với việc đào tạo VĐV nam, việc ưu tiên phát triển thể thao dành cho nữ có nhiều ưu điểm hơn. Một VĐV nam cần có 5-7 năm để bắt đầu gặt hái thành quả. Nhưng nếu là VĐV nữ, các em có thể chỉ mất 3 năm", một HLV chia sẻ. Đây cũng là hiện tượng được chứng kiến trong môn Bắn súng.

Sau khi Hoàng Xuân Vinh giải nghệ, những xạ thủ kỳ cựu như Hà Minh Thành được kỳ vọng sẽ chinh phục tấm vé tham dự Olympic. Nhưng bất ngờ đã xảy ra, khi 2 xạ thủ giành vé vẫn đang ở độ tuổi tương đối trẻ. Đó là Trịnh Thu Vinh (24 tuổi) và Lê Thị Mộng Tuyền (20 tuổi). Với Mộng Tuyền, cô gặt hái thành tích trong thời gian tương đối ngắn.

Các VĐV nữ không chỉ giúp đơn vị chủ quản sớm thu hái thành tích nếu đầu tư cho họ. Đây là khoản chi hiệu quả hơn, thậm chí có phần bền vững hơn so với các đồng nghiệp nam. VĐV Rowing Phạm Thị Huệ là minh chứng rõ nhất cho điều đó, khi cô vẫn bền bỉ thi đấu ở độ tuổi mà nhiều VĐV khác đã tính đến phương án nghỉ thi đấu và chuyển nghề.

Thế mạnh của nữ giới trong thể thao thành tích cao Việt Nam là điều được nhắc tới trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc ưu tiên phát triển thể thao cho VĐV nữ cũng gặp một số vấn đề nhất định. Thứ nhất, nhiều bộ môn vẫn chưa có giáo án tập luyện chuyên biệt dành cho VĐV nữ. HLV thường phải tự nghiên cứu điều chỉnh trên giáo án của VĐV nam.

Thứ hai, việc quản lý, giáo dục VĐV nữ có thể gặp nhiều khó khăn trong một vài tình cảnh nhất định. Ở những địa phương nhỏ, mỗi bộ môn thường chỉ có 1 HLV chuyên trách. Nếu HLV này là nam, họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quản lý, hướng dẫn cho VĐV nữ, nhất là ở độ tuổi thiếu niên.

"Tuổi dậy thì là khoảng thời gian VĐV hình thành tính cách. Với VĐV nữ, các em cần có HLV nữ ở cạnh để lắng nghe, chia sẻ, cũng như đưa ra lời khuyên phù hợp. HLV nam không thể làm những điều đó tốt như HLV nữ được. Nhưng vì tình cảnh không cho phép, chúng tôi vẫn cố gắng làm 'mẹ', làm 'chị' cho các em", một HLV nam chia sẻ.

Thành quả không ngờ tới

Khi được hỏi về lý do các VĐV nữ gắn bó với nghề lâu hơn, thậm chí tiến xa hơn so với nam giới, một HLV nhận định: "Điều này không sai, nhưng chỉ đúng hoàn toàn với các VĐV nữ sinh trước năm 2000. Giờ đây, các em cũng gặp nhiều khó khăn trong việc vượt qua bản thân, cũng như đứng vững trước cám dỗ bên ngoài cuộc sống".

Nhận định của HLV này có thể là một điểm đáng lưu tâm. Trong số 7 VĐV nữ đã giành vé tham dự Olympic Paris, chỉ có 3 người từ 24 tuổi trở xuống. Nguyễn Thùy Linh và Võ Thị Kim Ánh đều đã 27 tuổi. Nguyễn Thị Thật (Xe đạp) và Phạm Thị Huệ là những người ở tuổi ngoài 30. Họ không thiếu kinh nghiệm từng trải và vươn lên trong cuộc sống.

Một trong những nguyên nhân khiến VĐV nữ chấp nhận gắn bó với nghề còn xuất phát từ định kiến xã hội thay đổi. Trước đây, VĐV nữ thường lập tức nghỉ thi đấu trước khi quyết định lập gia đình. Nhưng mọi thứ bây giờ đã khác. Họ có thể nghỉ sinh con, sau đó tiếp tục trở lại tập luyện, thi đấu mà không sợ xã hội, gia đình, bạn bè dị nghị.

Mộng Tuyền là một trong những vận động viên trẻ nhất của Việt Nam tham dự Olympic.

Mộng Tuyền là một trong những vận động viên trẻ nhất của Việt Nam tham dự Olympic.

Trong bối cảnh định kiến xã hội thay đổi, mức thu nhập, đãi ngộ của đơn vị chủ quản dành cho VĐV nữ cũng dần tăng lên theo thời gian. Một số đơn vị như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh còn có chính sách theo hướng khuyến khích VĐV nữ cống hiến, khi họ có đãi ngộ nhỉnh hơn một chút so với đồng nghiệp nam. Đây chính là "doping" cho phái yếu.

Chế độ đãi ngộ tốt là động lực để các VĐV nữ yên tâm tập luyện, cống hiến. Họ có thể vừa giỏi "việc nước", lại đảm "việc nhà". Những VĐV nữ đã lập gia đình còn được tạo điều kiện bằng cách thuê nhà trọ ở riêng, thay vì ở tập trung với toàn đội như những đồng nghiệp khác.

Giữa những ngã rẽ cuộc đời, VĐV nam có thể tìm được nhiều công việc khác nhau ngoài thể thao. Nhưng với VĐV nữ, lựa chọn bị hạn chế hơn rất nhiều. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến VĐV nữ bền bỉ, tiếp tục cố gắng thi đấu. Thành công từ đó tiếp tục đến như một lẽ tự nhiên, dù trái ngọt có thể sinh ra muộn hơn dự kiến.

Một vấn đề khác mà nhiều HLV gặp phải trong việc quản lý VĐV nữ là tình trạng yêu sớm, dẫn đến những sự cố không đáng có. Nếu một VĐV nữ mang thai sớm, điều đó cũng đồng nghĩa với việc lập tức nghỉ thi đấu. HLV phụ trách VĐV nhiều khả năng cũng phải chịu liên đới trách nhiệm do không quản lý chặt chẽ, dù sự thực là rất khó "cấm yêu".

(Tin thể thao, tin bóng chuyền) Đội tuyển nữ Việt Nam đấu Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore có lúc chơi với chiến thuật lạ khi Thanh Thúy không vào sân. Cầu thủ Singapore gặp “bão” chấn thương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đơn Ca ([Tên nguồn])
Đoàn thể thao Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN