Vấn đề của thể thao Việt Nam: Lệch hướng!
Đầu năm, ngồi trò chuyện, nghe TS-nhà báo Vũ Công Lập than: “Điều tôi lo sợ bây giờ là sự lệch hướng từ đội ngũ làm thể thao đến định hướng cho thể thao…”.
Ông Vũ Công Lập trở về từ Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á. Một đại hội mà tại đấy ông nói rằng thấy mình có cảm giác như tự mình đang giáo dục chính mình, qua những ấn tượng không bao giờ phai nhạt. Ông kể về những giọt nước mắt của những người là VĐV khi đứng trước lá cờ Việt Nam được kéo cao ở nhà thi đấu Myanmar. Họ tự hào để tay trước ngực hát vang bài Tiến quân ca còn mắt thì như cố bung ra khỏi lớp màng che để được một lần nhìn thấy bởi VĐV ấy thi đấu với đôi mắt mù lòa… Hay những bước chân hụt hẫng bởi thương tật hoặc cái tay kẹp chiếc vợt bóng bàn vào bắp tay mà thi đấu của người mất cả hai bàn tay lẫn cánh tay…
Ông Lập kể chuyện mà thỉnh thoảng lại lấy tay lau khóe mắt và đau xót với nhiều hoàn cảnh. Ông xót với cảnh có đại hội mà không ít VĐV phải đi bằng tiền của mình, của gia đình. Nguyên do người ta lạm dụng từ xã hội hóa theo kiểu VĐV muốn đi thi đấu phải tự bỏ tiền túi. Ông buồn với việc treo thưởng cho một chiếc HCV của người khuyết tật chỉ bằng nửa một VĐV bình thường dù niềm tự hào cho thể thao Việt Nam thì huy chương của người khuyết tật quý giá hơn rất nhiều.
Nỗ lực của những người khuyết tật nhiều lúc chưa được nhìn nhận đúng và đấy cũng là một phần trong sự lệch hướng của thể thao Việt Nam. Ảnh: QUANG THẮNG
Tạm rời câu chuyện của người khuyết tật để tìm đến những phát triển của ngành thể thao hiện nay, trong đó có môn thể thao vua. Đó là việc đầu tư, việc phát triển nhân tài và cả việc đang tự lừa dối mình cho những cái gọi là phát triển và định hướng thể thao. Chẳng hạn hằng năm biết bao nhiêu tỉ đồng đổ vào cho các bản quyền giải bóng đá nước ngoài và cũng biết bao con bạc đỏ đen nướng vào đấy nhưng bóng đá nước nhà thì vẫn cứ lẹt đẹt. Các tờ báo thể thao vốn định hướng cho thể thao cho bóng đá nước nhà nay lại có xu hướng chạy theo bóng Tây và phục vụ các kèo của nhà cái nhiều hơn so với đề cập những chuyện tích cực của thể thao nước nhà.
Ngay cả nền bóng đá nước nhà cũng thế. Mới tuần qua, ông HLV trưởng đội tuyển Việt Nam xuống sân Thanh Hóa để tìm cầu thủ cho đội tuyển. Một cuộc tìm kiếm tài năng thế mà cả chủ nhà lẫn khách đều đá với năm Tây (ba cầu thủ ngoại, hai cầu thủ nhập tịch) thì lấy đâu mà tìm được người tài.
Không lâu nữa Việt Nam sẽ đăng cai Asiad 2019. Một Asiad mà phần tiền đổ cho Asiad trong thời buổi kinh tế khó khăn (khiến nhiều quốc gia rút lui không dám đăng cai) lại thấy nhiều hơn rất nhiều so với cái thực mà thể thao Việt Nam đang đầu tư cho thế hệ 2019 ra quân với tư thế chủ nhà. Bây giờ mới biết cái đề án Asiad siêu rẻ hóa ra chỉ là bước đệm cho nhiều cái siêu khác.
Thời ông Lê Bửu làm tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông luôn trình Thủ tướng những đề án để dân khỏe bắt đầu từ việc kiếm cái sân tập để mọi người luyện tập. Nó khác hẳn với đất cho sân golf thì phình ra, còn học sinh đi học thì cái sân trường cũng bị bóp lại qua việc cho thuê mặt bằng. Đấy cũng là lý do TP.HCM triển khai việc đưa bóng đá vào học đường thì gặp khó khăn trong chuyện kiếm cái sân để các em tung tăng chạy nhảy. Rõ ràng đôi chân khỏe của các em khác rất xa với cái tay khỏe ở những sân golf chọn lọc người lui tới.
Thể thao Việt Nam dễ bị lệch hướng còn vì những đấu đá giữa tổ chức xã hội với những người bỏ tiền đầu tư cho VĐV. Rõ nhất là vụ Lý Hoàng Nam gần đây cứ bị giằng co giữa Liên đoàn Quần vợt và cơ quan chủ quản - đơn vị đổ tiền tỉ để đầu tư và thực hiện giáo án huấn luyện để Nam phát triển. Cả hai nếu ngồi lại với nhau thì chuyện khoác áo hay tập huấn (để phục vụ thể thao Việt Nam) sẽ là chuyện nhỏ. Thế mà ở đây họ cứ căng nhau còn trọng tài tổng cục thì để hai bên đấu qua đấu lại.
Lại thấy lo lo cho việc kéo thể thao Việt Nam đi đúng hướng trong giai đoạn hàng Tây và tiền USD được chọn lẫn được đếm nhiều hơn trong mọi giao dịch…