US Open 2021: Lịch sử đang chờ anh đấy, Djokovic!

(Tin tennis) Giành cả bốn Grand Slam trong cùng một năm là giá trị duy nhất và tuyệt đối của tennis thế giới.

  

Nhìn lại trận tứ kết US Open 2021, Djokovic - Berrettini 

Djokovic chỉ còn cách kỷ lục ấy hai trận đấu nữa. Hai đối thủ nữa, người đầu tiên là Zverev, và có thể tiếp theo sẽ là Medvedev.

Djokovic đang đến gần hơn mục tiêu chinh phục cả 4 Grand Slam trong năm

Djokovic đang đến gần hơn mục tiêu chinh phục cả 4 Grand Slam trong năm

Trong cuộc đời của mình, từ lúc tay bắt đầu đặt lên cán vợt cho tới lúc bước chân theo con đường chuyên nghiệp, có thể Djokovic đã từng mơ mình sẽ giành chức vô địch Grand Slam ở giải này giải kia, từng ước mình sẽ giống Sampras, hay một ai đó.

Nhưng có lẽ anh không mơ rằng mình có ngày đứng trước cơ hội sẽ giành được cả bốn Grand Slam trong cùng năm. Và nếu xảy ra, mình còn trở thành người đầu tiên trên hành tinh này giành được 21 Grand Slam đơn nam.

Trong 10 năm trỗi dậy, vươn lên ngoạn mục của bản thân, Djokovic cũng mới chỉ có thể giành được liên tiếp 2 Grand Slam trong cùng một năm, năm 2015. Giành cả 3 Grand Slam đầu tiên phải tới năm nay mới làm được.

* Lịch sử đã chọn những người vĩ đại

Cũng phải hơn 50 năm mới có một tay vợt mới ở rất gần với cái đích của một cuộc chinh phục không tưởng như thế.

Rod Laver năm 1969

Rod Laver năm 1969

Người gần nhất và là người thứ hai trong lịch sử của quần vợt nam là Rod Laver từ năm 1969. Vì kỳ tích đó của mình, tên ông được đặt cho sân đấu trung tâm của giải Úc mở rộng. Tên ông nay gắn với một giải đấu mới ra đời Laver Cup. Và ông luôn được thế giới mời tới khán đài danh dự để xem những sự kiện tennis quan trọng nhất mỗi năm.

Tennis hơn 50 năm trước kia thực ra cũng khác bây giờ, và những sự khác biệt này có tính quyết định khá lớn tới tính chất của những chiến thắng, tầm vóc của những kỷ lục. 

Từ 1968 trở về trước, giải đấu chỉ dành cho những tay vợt không chuyên vì những định nghĩa về tiền thưởng và hệ thống giải đấu.

Từ năm 1977 trở về trước, bốn Grand chỉ thi đấu trên 2 mặt sân khác nhau: đất nện ở Roland Garros và sân cỏ cho 3 Grand Slam còn lại. Cuộc chiến mặt sân vì thế hầu như không có nhiều ý nghĩa.

Phải từ năm 1978 trở đi, US Open mới bắt đầu trở nên khác biệt với mặt sân cứng. Úc Mở rộng chỉ bắt đầu chuyển đổi từ năm 1988.

Cũng không hề ngẫu nhiên mà trong lịch sử tennis cả nam và nữ có 5 tay vợt từng giành 4 Grand Slam trong cùng 1 năm là Don Budge (1932), Rod Laver (1962, 1969), và 3 tay vợt nữ với Maureen Connolly Brinker (1953), Margaret Court (1970), nhưng chỉ 1 người đạt được sau cả 2 cột mốc Kỷ nguyên Mở, và chuyển đổi từ 2 lên 3 mặt sân: Steffi Graf năm 1988.

Steffi Graf năm 1988 hoàn tất cú "Golden Slam"

Steffi Graf năm 1988 hoàn tất cú "Golden Slam"

Lịch sử cũng chỉ có 3 tay vợt nam từng đến gần với cuộc thâu tóm vĩ đại, giành được 3 Grand Slam trong cùng một năm: Mats Wilander (Thuỵ Điển, 1988), Federer 3 lần trong các năm 2004, 2006 và 2007, và Nadal năm 2010.

Wilander thì cả sự nghiệp với 7 danh hiệu nhưng chưa từng giành Wimbeldon. Federer thiên tài với giai đoạn đỉnh cao vô địch liên tiếp nhiều năm liền ở Úc, Wimbledon và Mỹ Mở rộng lại gặp Nadal thống trị đất nện ngay từ khi còn rất trẻ.

Nadal dính chất thương nên lúc đỉnh cao phong độ nhất bị gián đoạn ở Úc Mở rộng 2010.

Tennis cả nam và nữ chỉ có một Serena Williams huyền thoại là tay vợt gần đây nhất cho tới 2020 được cả thế giới dõi theo trong cuộc chinh phục 4 giải 1 năm này.

Và thật tiếc rằng Williams trong năm 2015 sau khi đã giành cả 3 Grand Slam trước đó bước tới Mỹ Mở rộng đầy tự tin, băng băng trong tuần đầu tiên, nhưng bỗng ngã ngựa trước một Roberta Vinci ở bán kết, dù đã thắng dễ trong set 1 (2-6, 6-4, 6-4).

Roberta Vinci (trái) ngăn Serena Williams hoàn tất 4 Grand Slam năm 2015 tại US Open

Roberta Vinci (trái) ngăn Serena Williams hoàn tất 4 Grand Slam năm 2015 tại US Open

Từ đó tới nay Serena (giờ đã 40 tuổi) gần như không còn cơ hội để hoàn tất giấc mơ đó. Thậm chí là giành thêm 1 Grand Slam thôi để trở thành tay vợt nữ giành nhiều chức vô địch lớn nhất mọi thời đại thôi e rằng cũng khó.

Còn Vinci, sau trận thắng oanh liệt và cản bước Serena đó, đã thua trận chung kết trước tay vợt đồng hương Flavia Penetta, và không bao giờ tiến sâu ở các giải Grand Slam   

* Djokovic và nhiệm vụ của Thế hệ tennis hiện đại

Djokovic đã có mặt ở bán kết ở giải đấu mà nếu vô địch anh sẽ đồng thời đoạt được tất cả, từ danh hiệu Grand Slam thứ 21 để vượt qua FEDAL cho tới thâu tóm cả 4 danh hiệu trong năm. Bốn trận đấu đầu tiên như một cuộc dạo chơi với các tay vợt, ngoại trừ Nishikori, đều không mấy tên tuổi.

Phải tới trận tứ kết, Djokovic gặp Berrettini, người được chờ đợi sẽ vào vai Vinci tạo một cú sốc như đã từng xảy ra với Serena 6 năm trước.

Berrettini cũng là người Ý, có những phẩm chất đáng nể: Cao lớn, ổn định trong Top 10 suốt 2 năm qua, từng gây cho Djokovic khó khăn ở các giải đấu khác nhau ở đủ các loại mặt sân đất nện, cỏ và cứng.

Berrettini cũng đã từng thử thách Djokovic ở trận chung kết Wimbledon cách nay chưa lâu. Nhưng chỉ được set đầu tiên, rồi sau đó thua chênh lệch trong 3 set tiếp.

Hai giải Grand Slam liên tiếp, Djokovic thất bại trong set đấu đầu tiên 5 lần. Rồi thắng cả 5 trận đó cùng với một kịch bản là đè bẹp đối thủ trong phần còn lại của trận đấu.

Djokovic đã 2 năm liền thất bại ở US Open

Djokovic đã 2 năm liền thất bại ở US Open

Chúng ta đã từng tìm những lý giải trước hiện tượng “thua set đầu tiên” của Djokovic, vì có những lần anh trở lại sau khi đi vào đường hầm để rồi lột xác một cách ngoạn mục.

Tự trấn an bản thân, thiền trong một giai đoạn ngắn, định hình lại lối đánh của mình trước đối thủ, buộc đối thủ phải suy nghĩ nhiều hơn khi có khoảng thời gian trống. Và có thể thêm nhiều cách kiến giải khác. Nhưng tựu trung lại là đẳng cấp vượt trội, từ cú quả cho tới nền tảng thể lực để tăng phần sức mạnh bản lĩnh tâm lý của anh nên thành siêu tưởng.

Câu nói Djokovic lấy của anh từ đôi chân trong set 1 cho tới cả tâm hồn anh trong phần còn lại của anh trở nên bất hủ.  

Phải thừa nhận rằng, ở Mỹ Mở rộng lần này, Djokovic và tất cả đều biết những kỳ vọng lớn tới nhường nào.

Năm năm trước, Djokovic đã từng giành 4 Grand Slam liên tục, nhưng 2 của cuối năm 2015 và 2 đến trong đầu năm 2016. Thành tích này đã là đỉnh cao, nhưng không được thừa nhận chính thức như một sự thâu tóm Grand Slam.

40 năm trước, Martina Navratilova đã từng giành tới 6 Grand Slam liên tiếp từ năm 1983 sang 1984. Liên đoàn Quần vợt Quôc tế (ITF) đã dành cho huyền thoại người Tiệp Khắc một số tiền thưởng lớn vào ngày đó theo lời hứa đã từng công bố năm 1982.

Navratilova năm 1983

Navratilova năm 1983

Nhưng sau sự kiện của Navratilova, ITF thay đổi, coi việc thâu tóm Grand Slam nhất định phải diễn ra trong vòng 1 năm.   

Thành tích siêu đẳng này với tennis nam giờ chỉ trông chờ ở Djokovic, người đã 34 tuổi, tưởng như đã qua bên kia sườn dốc sự nghiệp nhưng vẫn thống trị tennis thế giới, vẫn sánh ngang hoặc xô đổ các kỷ lục của mọi thời đại, từ số tuần trên ngôi vị số 1 bảng xếp hạng cho tới số danh hiệu Grand Slam sự nghiệp.

Thành tích siêu đẳng này có lẽ không còn trông chờ ở Federer, hay Nadal nữa. Mục tiêu của bộ đôi huyền thoại này giờ chỉ là trở lại và nếu giành được một vài danh hiệu đơn lẻ nữa cũng đã là tuyệt vời. 

Giờ đây phía trước Djokovic chỉ còn những đối thủ thuộc thế hệ kế cận. Là Zevrev đã từng ngáng trở anh ở Olympic Tokyo tháng trước. Và có thể là Medvedev đầy cá tính ở chung kết.

Djokovic được đánh giá là tay vợt duy nhất lúc này của quần vợt nam có thể đoạt cả 4 Grand Slam trong năm

Djokovic được đánh giá là tay vợt duy nhất lúc này của quần vợt nam có thể đoạt cả 4 Grand Slam trong năm

Djokovic biết rằng ở sân Arthur Ashe có những khán giả không thích anh chinh phục thành công những kỷ lục vĩ đại đó. Sự cổ vũ cho đối thủ bên kia lưới dù là ai đôi khi vẫn lớn hơn, huyên náo hơn là sự khát khao cùng với anh.

Nhưng tennis nói chung nếu có một Djokovic Grand Slam sẽ ý nghĩa hơn. Chẳng phải chúng ta đã từng nói và chia sẻ với nhau rằng tennis hiện đại khốc liệt hơn mọi kỷ nguyên trong quá khứ, rằng thế hệ của Federer, Nadal và Djokovic là sự hội tụ của những tinh hoa kiệt xuất chưa từng có.

Mọi kỷ lục của môn thể thao này nên thuộc về họ. Đáng để chờ đợi lắm!

Nguồn: [Link nguồn]

Cú sốc Djokovic lại đưa bóng về phía trọng tài US Open, bị phạt hay không?

(Tin thể thao, tin tennis) Novak Djokovic suýt chút nữa đã lặp lại sai lầm sau cú đưa bóng đi bất cẩn tại tứ kết US Open 2021.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Novak Djokovic Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN