Từ sự kiện đến phản biện của thể thao Việt Nam năm 2023
Thể thao Việt Nam năm 2023 có không ít thu hoạch nhưng làm gì với những điểm nhấn năm 2023 cho sự phát huy mạnh trong năm 2024 lại là điều rất đáng để suy nghĩ với ngành thể thao.
SEA Games 32-2023 thể thao Việt Nam (VN) tiếp tục đứng đầu khu vực Đông Nam Á, World Cup nữ đội tuyển nữ VN lần đầu góp mặt và sân chơi U-23 Đông Nam Á một lần nữa gọi tên U-23 VN…
Bài toán để số 1 Đông Nam Á không tụt hạng ở sân chơi châu Á
Liên tiếp hai kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á trong hai năm 2022 và 2023, thể thao VN giành thành tích đứng đầu khu vực. Nếu SEA Games 31 trên sân nhà là chiến thắng áp đảo với ưu thế chủ nhà rõ ràng cùng sự chuẩn bị chu đáo thì chiến thắng của thể thao VN ở SEA Games 32 tại Campuchia thực sự gây ấn tượng với tổng cộng 355 huy chương các loại, trong đó có 136 HCV, vượt hơn đoàn đứng vị trí thứ hai là Thái Lan tới 28 HCV. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, đoàn thể thao VN giành ngôi nhất toàn đoàn khi SEA Games tổ chức trên sân khách.
Nhưng không lâu sau, đến Đại hội thể thao châu Á - ASIAD, thể thao VN lại rụt rè với chỉ tiêu và sa sút trầm trọng so với ASIAD 2018.
Năm tháng sau SEA Games 32, thể thao VN dự ASIAD 19-2023 về đích với vị trí thứ 21 châu Á, còn tính riêng khu vực Đông Nam Á thì xếp thứ sáu, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Song song với lý giải của ngành thể thao, truyền thông Đông Nam Á chỉ ra điểm trừ lớn là tại sân chơi Đông Nam Á, thể thao VN dồn hết vốn cho sân chơi ở Campuchia mà “quên” mặt trận lớn hơn là ASIAD 19 diễn ra sau SEA Games năm tháng. Sự sa sút được chỉ ra từ kinh phí tập huấn đến điểm rơi… đã được dồn hết vào sân chơi nhỏ trước đó năm tháng. Nói đúng hơn là chiến lược để thoát ra khỏi khu vực Đông Nam Á của ngành thể thao còn bị động, chưa quyết liệt và chưa đủ mạnh để thuyết phục, trình Chính phủ những đề án phát triển tài năng lớn ở tầm vĩ mô như trước đây.
SEA Games 32 thể thao Việt Nam nhất toàn đoàn nhưng tại ASIAD thì đứng thứ sáu khu vực Đông Nam Á. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Bóng đá nữ VN bước ra sân chơi thế giới
Khi bóng đá nữ VN qua mặt cả Thái Lan (đội bóng từng hai lần dự vòng chung kết World Cup), giành suất tham dự vòng chung kết World Cup nữ 2023 thì những người yêu bóng đá rất hạnh phúc. Đó là nỗ lực tuyệt vời của các cô gái VN từng chiến thắng dịch bệnh COVID-19 và chiến thắng các đối thủ để giành vé dự sân chơi thế giới. Đó cũng là cú hích lớn cho bóng đá VN ở mọi cấp độ, mọi lứa tuổi.
Đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup 2023 trận gặp đội tuyển Mỹ. Ảnh: VFF
Tại sân chơi thế giới, đội nữ VN đã trở về với ba trận thua, lọt lưới 12 bàn và không ghi được bàn nào. Một kết quả không ngạc nhiên, thậm chí là trận thua 0-3 trước Mỹ được khen ngợi tinh thần quả cảm và thi đấu kiên cường.
Cùng ở khu vực Đông Nam Á có bóng đá nữ Philippines, đội bóng cũng lần đầu dự vòng chung kết World Cup như VN nhưng có một chiến thắng trước chủ nhà New Zealand.
Philippines giờ đã là một thế lực của bóng đá nữ nhưng sự trắng tay của nữ VN vẫn được xem là giá trị hơn bởi những cô gái thuần Việt đi lên từ khó khăn và là sản phẩm của bóng đá VN chứ không như Philippines với chiến dịch nhập tịch và đội hình có đến nửa số cầu thủ trưởng thành từ Mỹ. Vấn đề còn lại là các cô gái VN cần được đầu tư nhiều hơn và ít nhất là có thể sống được bằng nghề, điều mà những cô gái còn bị phân tâm rất nhiều với môn thể thao mình đam mê.
V-League nâng cấp khâu tổ chức nhưng CLB vẫn lo “đứt ống thở”
Chất lượng và công tác tổ chức V-League nâng lên với công nghệ VAR được FIFA hỗ trợ để đưa vào một số trận trong năm 2023. V-League mùa 2023-2024 cũng là lần đầu tiên nhưng nhà tổ chức áp dụng theo công thức quốc tế để phù hợp với các giải quốc tế trong khu vực cấp CLB lẫn đội tuyển. Tuy nhiên, điểm cần khắc phục lại vẫn là con người để thực hiện. Công tác trọng tài vẫn là nỗi lo lớn, kể cả khi có VAR hỗ trợ. Lực lượng chuyên môn của bóng đá VN cũng đang rất yếu và rất thiếu.
Điều đáng lo nhất của bóng đá VN là phần nền các CLB đang rất chông chênh. Giải mới lăn bóng được 3-4 vòng đấu đã có ba CLB đổi tên vì vấn đề tài trợ. Điều không nằm trong quy định khiến ban chấp hành phải bỏ phiếu và kết quả là cả ba đội đổi tên khi giải diễn ra đều thuận.
Vấn đề ở đây là “sự sống” của nhiều CLB đang rất chông chênh, không dưới bốn đội vừa đá vừa phập phồng đình công vì tiền lương, thưởng cứ bị treo và là gánh nặng lớn của nhiều ông chủ. Việc thêm tên, thêm nhà tài trợ là biện pháp cứu cánh nhưng cũng nói lên sự mong manh của nhiều đội chuyên nghiệp dễ “đứt ống thở”.
Năm 2023 thể thao VN cũng có những sự kiện đáng chú ý như U-23 VN vô địch Đông Nam Á nhưng đến SEA Games 32 thì bóng đá lại mất vàng sau khi thua Indonesia.
Vấn đề đáng suy nghĩ từ tai nạn của VĐV trẻ Nguyễn Minh Triết Sau tai nạn trong tập luyện dẫn đến chấn thương rất nguy kịch của VĐV trẻ 17 tuổi Nguyễn Minh Triết, một cuộc quyên góp và kêu gọi giúp đỡ VĐV trẻ này đã được hưởng ứng với gần 2,5 tỉ đồng ủng hộ giúp chữa trị cho Triết. Số tiền nhiều nhưng vẫn chưa thấm vào đâu cho việc chữa trị vì chấn thương của Triết rất nặng, đã bị liệt hoàn toàn tay, chân và giành giật sự sống từng ngày. Vấn đề được đặt ra và bàn luận rất nhiều là việc bảo hiểm cho những VĐV đặc biệt ở những môn có nguy cơ chấn thương hay tai nạn cao trong tập luyện như Nguyễn Minh Triết được ngành thể thao thực hiện như thế nào? |
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao, tin bóng chuyền) Nguyễn Thị Huyền, Bùi Thu Thảo hay Đặng Thị Kim Thanh đã nói lời chia tay với sự nghiệp thể thao trong năm 2023 gây tiếc nuối cho người hâm mộ.