Từ Giải bóng chuyền vô địch quốc gia PV 2013: Hướng đến mục tiêu SEA Games 27 như thế nào?
Giải khép lại sau 12 ngày tranh tài ở hai địa điểm Bắc Ninh và Hà Tĩnh, để lại những cảm xúc khó quên cho giới chuyên môn lẫn không ít lượng khán giả đối với giải đấu lần đầu áp dụng trở lại việc “đóng cửa” - không còn cho phép các CLB thuê mướn ngoại binh như 8 mùa giải trước đó.
Thế nhưng từ những thành quả này, việc chuẩn bị cho mục tiêu SEA Games 27 sẽ như thế nào để BCVN có thể đạt được những chỉ tiêu đã đề ra ngay từ đầu năm 2013 là một vấn đề đáng được quan tâm nhất hiện nay.
Lực lượng nữ: Hướng đến đích xa hơn tầm khu vực Đông Nam Á! Phải thừa nhận rằng đối với SEA Games 27 hay vài kỳ tiếp theo, dù bóng chuyền nữ Lào, Indonesia, Philippines đã có sự đầu tư và tạo nên những bước tiến trong thời gian gần đây nhưng chưa đủ để có thể soán ngôi á quân Đông Nam Á (sau Thái Lan) của BC nữ VN.
Thế nhưng, nhiều người cũng đã thấy rõ: lứa cầu thủ xuất sắc của BC nữ VN lâu nay như Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh, Phạm Thị Thu Trang, Phạm Thị Kim Huệ, Nguyễn Thị Xuân, Hà Thị Hoa, Trần Thị Cẩm Tú, Nguyễn Thị Ngọc Hoa v.v... đều đã hoặc sắp bước qua thời kỳ đỉnh cao phong độ do nhiều nguyên nhân.
Bóng chuyền nữ hướng đến tầm châu lục
Tuy nhiên, điều đáng mừng là BCVN đã và đang xuất hiện không ít những nhân tố thuộc thế hệ mới được thể hiện qua vòng II vừa rồi. Đó là những gương mặt đã và sắp thành danh, có thể kể ra như các mũi tấn công sắc bén Bùi Thị Ngà, Trần Tôn Nữ Ly Linh, Hà Ngọc Diễm, Trần Thị Thanh Thúy, Dương Thị Nhàn, Lê Thanh Thúy, Đinh Thị Trà Giang, Hoàng Minh Tâm, Đào Thị Nhung, chuyền hai Nguyễn Linh Chi, các libero Lê Thị Thanh Liên hay Bùi Vũ Thanh Tuyền.
Và với định hướng đúng trong việc luân phiên sử dụng nhằm phát huy tối đa khả năng phối hợp giữa hai thế hệ cầu thủ từ nay trở đi - có thể từ SEA Games 27, rồi đây BC nữ VN sẽ có lứa cầu thủ mới hoàn toàn đủ năng lực nhờ được tạo điều kiện tích lũy thêm kinh nghiệm thi đấu quốc tế để sẵn sàng gánh vác trọng trách tiếp bước con đường và biết đâu, họ còn có thể làm hơn những gì mà các thế hệ đi trước đã gặt hái được.
Lực lượng đội nam: Ít có sự chọn lựa!Quả thật, ngoài bộ khung ĐTQG đã được định hình trong những năm gần đây như các chủ công Nguyễn Hữu Hà, Hoàng Văn Phương, Bùi Văn Hải, Ngô Văn Kiều, Lê Quang Khánh, một số phụ công như Nguyễn Hoàng Thương, Huỳnh Văn Tuấn, Phạm Thái Hưng, chuyền hai Giang Văn Đức, libero Nguyễn Xuân Thành, Nguyễn Văn Nhật và... chấm hết.
Trong số cầu thủ các đội còn lại, ngoài các libero như Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Hoàng Khang, phụ công Phan Quốc Hội, chủ công Đặng Long Kiếm v.v... thì may mắn cho BC nam VN là hiện đã nổi lên tay đập trẻ đầy tài năng đến từ đội XSKT Vĩnh Long - chủ công Từ Thanh Thuận.
Có điều, trước các đối thủ trên tài đôi chút như Thái Lan, Indonesia hoặc ngang sức như Myanmar, chất kết dính nào đủ sức tạo nên sức bật mới để BC nam VN có thể đạt được mục tiêu lọt vào Top 3 vốn từng không ít lần bị vuột khỏi tầm tay?
Đôi điều đọng lại!Với những thành tích nổi bật của đội tuyển nữ trong thời gian gần đây, HLV Phạm Văn Long (Thông tin Liên Việt Postbank) chắc chắn sẽ là ứng viên số 1 cho sự chọn lựa. Thế nhưng, việc “đổi máu” ở vị trí này, chẳng hạn mạnh dạn mời một HLV người nước ngoài để tránh tình trạng “quân anh, quân tôi” là một phương án cần tính đến.
Còn với ĐTQG nam, sẽ có nhiều gương mặt quen thuộc được chọn vào BHL nhưng với thành tích đoạt chức VĐQG 2013, liệu một HLV có tài năng thực sự nhưng cũng lại lắm cá tính cỡ ông Bùi Quang Ngọc (Đức Long Gia Lai) có được đưa vào tầm ngắm của các nhà tuyển trạch?
Bởi xét cho cùng, nếu đặt mục đích tổ chức giải VĐQG là “Thông qua thi đấu, đánh giá trình độ chuyên môn, công tác huấn luyện và đào tạo của các đội, tuyển chọn vận động viên xuất sắc cho đội tuyển quốc gia tham dự các giải quốc tế”, thì các HLV cũng là một trong những đối tượng cần được đối xử công bằng: ở cùng vạch xuất phát trong việc xét chọn.