Từ cú sốc Sharapova: Lo bóng ma doping với thể thao VN
Công tác kiểm tra doping là một trong những vấn đề “nóng” nhất không chỉ của thể thao Việt Nam (TTVN) mà của các nền thể thao khác trên thế giới.
Sự nghiệp tiêu tan vì doping
Vụ việc tay vợt nổi tiếng Sharapova bị phát hiện sử dụng chất cấm đang trở thành tâm điểm của thể thao thế giới những ngày qua.
Sharapova dương tính với meldonium
Với TTVN, các VĐV bị dính doping tại các kỳ đại hội thể thao lớn đã có tiền lệ. Doping như một “bóng ma” luôn khiến các nhà quản lý nước nhà lo ngay ngáy, nhưng làm sao để tránh được nó lại là cả vấn đề rất nan giải.
TTVN từng có trường hợp phản ứng dương tính với doping ở các giải trong nước và một số giải quốc tế. Vụ việc Ngân Thương ở môn TDDC bị kết luận là có dùng chất kích thích tại Olympic Bắc Kinh năm 2008 lại là trường hợp đầu tiên ở sân chơi Thế vận hội.
Còn nhớ khi đó, cả làng thể thao Việt Nam đã bị “sốc” thật sự bởi dính doping ở một kỳ Olympic là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự nghiệp VĐV cũng như hình ảnh của cả một nền thể thao quốc gia. Thực tế hồi đó, Ngân Thương đã uống thuốc lợi tiểu chỉ mong muốn...giảm cân chứ không nghĩ rằng trong thành phần của thuốc, có chất cấm.
Dù sao thì vô tình hay cố ý Thương cũng đã dính doping rồi, cô sau đó bị cấm thi đấu 2 năm. Đó thực sự là một bài học lớn với VĐV này cũng như cả ngành thể thao VN.
Nếu như trường hợp của Thương có phần được nhiều người thông cảm, thậm chí cô còn được Ủy ban Olympic thế giới giảm án 1 năm, thì trường hợp của Á quân Olympic 2008 Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) lại rất đáng trách. VĐV này bị phát hiện dính doping tại giải cử tạ vô địch thế giới năm 2009. Sau đó Tuấn giải thích, anh đã tự ý mua đồ uống có ga ở bên ngoài khu tập luyện nên có thể bị “dính”. Sau đó Tuấn bị cấm 2 năm thi đấu, sự nghiệp gần như đã chấm dứt.
Trên đây là 2 trường hợp đáng chú ý nhất liên quan đến doping. TTVN còn rất nhiều VĐV khác dùng chất cấm bị phát hiện, sau đó đều đã bị cấm thi đấu. Hầu hết trong số này đã phải giải nghệ.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền - Trưởng phòng y học thể thao thuộc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (Nhổn, Hà Nội) phần lớn các VĐV Việt Nam khi dính chất cấm, đều bị sốc, có người không hiểu vì sao lại “dính”. Tất cả đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và nguy hiểm hơn là sự thiếu chuyên nghiệp từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống hàng ngày.
Chống doping, tưởng dễ mà khó
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành cho biết, trước khi tham dự các kỳ đại hội lớn, hầu hết VĐV trọng điểm của Việt Nam đều được thử doping theo yêu cầu của Hiệp hội Chống doping thế giới (WADA). Kết quả xét nghiệm này sẽ được WADA công bố trước khi các VĐV tham gia thi đấu.
Tuy nhiên, việc kiểm tra như vậy rất bị động, bởi các VĐV chỉ bị kiểm tra ngẫu nhiên và phải chờ kết quả từ WADA trong thời gian khá lâu.
"Búp bê" Ngân Thương (giữa) Việt Nam từng vô tình dính doping
Vài năm gần đây, ngành thể thao đã ý thức được tác hại từ việc sử dụng doping nên đã rục rịch xây dựng trung tâm kiểm tra doping với kinh phí rất lớn tại Hà Nội, để không chỉ làm xét nghiệm các mẫu thử trong nước mà còn của cả quốc tế. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên trung tâm vẫn chỉ nằm trên bàn giấy.
Không có trung tâm kiểm tra định kỳ, chúng ta vẫn phải trông chờ vào ý thức của VĐV là chính và nguy cơ dính doping vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi ý thức chuyên nghiệp của VĐV Việt Nam chưa cao.
Một chuyên gia trong lĩnh vực chống doping ở Việt Nam đã chia sẻ: “Việc xây trung tâm kiểm tra doping dù rất tốn kém nhưng về lâu về dài, chi phí gửi ra nước ngoài xét nghiệm sẽ không quá sức như hiện nay. Chi phí xét nghiệm doping tại Việt Nam sẽ rẻ hơn, khoảng 100 USD/mẫu thử, thay vì 300-500USD.
Việc hoàn thành trung tâm sẽ tiến tới việc chấm dứt nạn gian lận đang có nguy cơ bùng phát tại các giải trong nước, đồng thời, dễ dàng kiểm tra, phát hiện các trường hợp dính doping vô tình, hay cố ý với các VĐV đi thi đấu quốc tế”.
Từ một trung tâm kiểm tra doping đến những giải pháp toàn diện để ngăn chặn sử dụng doping trong thể thao là một chiến lược dài hạn. Nếu không làm triệt để, quyết liệt thì việc bị động trước vấn đề doping và trở thành “bóng ma” của thể thao nước nhà sẽ luôn là nỗi lo với nhiều người trong cuộc.
Trông chờ vào ý thức, sự chuyên nghiệp của VĐV TTVN đã chính thức ký vào công ước quốc tế trong việc chống doping trong thể thao. Chính vì vậy, những nhà quản lý và những chuyên gia đầu ngành như ngồi trên đống lửa trước tình trạng dùng chất cấm, không ai kiểm soát như đã xảy ra trong thời gian qua. Thế nhưng, các quan chức đầu ngành thể thao cũng phải thừa nhận, việc xây dựng các trung tâm kiểm tra là cần thiết nhưng không có kinh phí, nên chủ yếu vẫn phải trông chờ vào ý thức, sự chuyên nghiệp của các VĐV là chính. Đơn giản bởi, không phải lúc nào HLV, hay nhà quản lý cũng phải đi kè kè bên cạnh xem VĐV uống gì, ăn gì. |