Từ cô gái Mường nghèo khó tới nhà vô địch SEA Games
Sinh ra và lớn lên ở Hòa Bình trong gia đình làm nông nghiệp, Đinh Thị Như Quỳnh chẳng thể ngờ có ngày mình thoát được nghèo nhờ đua xe đạp.
Trở thành tay đua xe đạp giúp Như Quỳnh thoát khỏi cái nghèo
Nặng lòng với đua xe đạp
Tại SEA Games 30, Đoàn Thể thao Việt Nam đã thi đấu rất thành công, giành vị trí thứ 2 toàn đoàn với 98 HCV. Người “mở hàng” cho thành tích này chính là nữ VĐV đua xe đạp Đinh Thị Như Quỳnh. Ba tháng sau kỳ Đại hội trên đất Philippines, cuộc sống của cô gái nhỏ nhắn sinh năm 1992 đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, cảm xúc chiến thắng vẫn còn đọng lại trong tâm trí cô.
“Đây là tấm HCV ý nghĩa nhất với tôi bởi tôi đã phải chuyển sang thi đấu nội dung trái sở trường. Để có được nó, tôi cũng phải xa chồng con hơn nửa năm để tập luyện. 6 tháng ở Hà Nội, tôi chỉ tập và tập, không được về nhà ngày nào. Nhiều đêm nhớ con đến phát khóc nhưng tôi phải kìm nén, cố ngủ bởi sáng hôm sau còn dậy sớm rèn thể lực”, Như Quỳnh mở đầu cuộc trò chuyện cùng Báo Giao thông.
Sinh ra và lớn lên ở huyện Tân Lạc, Hòa Bình trong một gia đình dân tộc Mường thuần nông. Ngày nhỏ, Quỳnh chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ “thoát ly” khỏi vùng đất này. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô phải làm đủ thứ việc để đỡ đần bố mẹ. Dẫu vậy, cái nghèo vẫn đeo bám lấy Quỳnh và người thân. Cô kể, nhà cô trồng lúa và mía, có dịp mía ế, cả ngày cô chỉ ăn mía cho… đỡ đói.
Bước ngoặt cuộc đời đến với Quỳnh vào năm cô học lớp 10. Trong một giải chạy việt dã cấp huyện, nữ VĐV 28 tuổi xuất sắc về nhất. Nhờ vậy, cô được các thày ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Hòa Bình để mắt tới rồi biên chế vào đội xe đạp. “Thực sự lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình tập thể thao thì bố mẹ sẽ bớt gánh nặng bởi được nuôi ăn học, còn có tiền lương nữa”, nhà vô địch SEA Games 30 nhớ lại.
Thế là cô gái lớp 10 khăn gói lên tỉnh tập luyện. Những ngày đầu làm quen với nội dung băng đồng, Quỳnh ngã dúi dụi khi đổ dốc, chân tay xước xát không đếm xuể nhưng cô không chùn bước mà tiếp tục đứng dậy. Nhờ quyết tâm cao, lại sở hữu sức bền đáng nể nên khi đã quen với các kỹ thuật, Quỳnh nhanh chóng nổi lên là một cua rơ tiềm năng. Bốn tháng sau, cô được chọn vào đội tuyển xe đạp Việt Nam và cũng chỉ mất 2 năm để có tấm HCV SEA Games đầu tiên vào năm 2011.
SEA Games 2013, Quỳnh vẫn được kỳ vọng sẽ đem về tấm HCV băng đồng cho đua xe đạp Việt Nam. Mặc dù vậy, sự cố “đèn đỏ” đã khiến cô bị tụt lại, chỉ đoạt HCĐ dù dẫn đầu 2 vòng đầu tiên. Từ SEA Games 2015, nội dung băng đồng không còn xuất hiện tại SEA Games 30. Đó cũng là thời điểm Quỳnh lập gia đình nên cô có ý định nghỉ thể thao để tìm công việc khác.
Nhưng, cái duyên của cô gái quê Hòa Bình với xe đạp chưa hết, cô được Đội xe đạp Cấp thoát nước Bình Dương mời về đầu quân. Từ đây, Quỳnh chuyển sang nội dung đường trường. Cuộc sống nơi vùng đất mới, môi trường mới một lần nữa thử thách nữ cua rơ sinh năm 1992. Và một lần nữa, Quỳnh đã chiến thắng, bằng chứng là tấm HCV SEA Games hồi cuối năm ngoái.
“Sau SEA Games 30, tôi đã suy nghĩ về việc nghỉ thi đấu để chuyển dần sang làm công tác huấn luyện, cũng là để có thêm thời gian chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, các thày khuyên tôi thi đấu thêm một vài năm, bản thân thấy mình còn nặng tình với đường đua nên tôi quyết định tiếp tục”, Quỳnh chia sẻ. Mới đây, tại Giải đua Xe đạp quốc tế Bình Dương 2020, Quỳnh cũng xuất sắc giành ngôi đầu.
“Xe đạp cho tôi nhiều thứ”
Gia đình hạnh phúc của nữ cua rơ Như Quỳnh
Quay lại với những ngày đầu Đinh Thị Như Quỳnh tới với môn xe đạp, cô cho hay khi đó tiền lương mỗi tháng chỉ là 700 nghìn đồng. Toàn bộ số tiền này nữ VĐV không tiêu một đồng nào mà gửi hết về cho bố mẹ. Tới khi lên tuyển, cô nhận lương và tiền công tập luyện mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Lúc này, ngoài việc giúp đỡ bố mẹ, cô còn dành dụm để nuôi ước mơ học đại học.
Kể từ lúc lập gia đình rồi thi đấu cho Đội xe đạp Cấp thoát nước Bình Dương, mức lương của Quỳnh cũng tăng lên đáng kể. Nhưng cô không thể dành phần lớn thu nhập để giúp bố mẹ như trước bởi cô phải vun vén cho gia đình nhỏ.
“Hai vợ chồng tôi mỗi tháng đều cố gắng để ra một chút tiết kiệm. Trở về từ SEA Games 30, nhờ thành tích giành HCV nên tôi được lãnh đạo Công ty Cấp thoát nước Bình Dương tạo điều kiện cho mua một căn hộ chung cư thuộc dự án nhà ở xã hội. Tổng giá trị căn hộ khoảng 800 triệu đồng, vợ chồng tôi đã trả được hơn 200 triệu đồng, số còn lại được trả góp qua từng năm. Lãnh đạo công ty còn thúc tiến độ hoàn thiện để gia đình tôi được nhận nhà trước Tết Kỷ Hợi. Vậy là sau nhiều năm phải đi thuê, giờ vợ chồng tôi đã có thể an cư”, nữ cua rơ 28 tuổi hào hứng khoe.
“Xe đạp cho tôi nhiều thứ, nếu không có xe đạp, cuộc sống của tôi không biết giờ sẽ ra sao. Đó cũng như một món nợ mà tôi sẽ cố gắng trả trong phần còn lại của cuộc đời”, Quỳnh nói tiếp.
Chồng là hậu phương vững chắc Để Quỳnh có thể yên tâm tập luyện, thi đấu, anh Chính, chồng cô đóng vai trò hết sức quan trọng. Anh Chính quê Tuyên Quang, hai người gặp nhau tại Hà Nội rồi kết hôn. Khi vợ có cơ hội vào Bình Dương lập nghiệp, anh Chính không nề hà theo vợ, chấp nhận làm hậu phương cho người phụ nữ của đời mình. Do đặc thù của thể thao thành tích cao, Quỳnh rất ít khi ở nhà. Gần như một tay chồng cô thu vén mọi việc, chăm sóc cậu con trai năm nay 5 tuổi. “Chồng tôi chưa khi nào than vãn vì vợ vắng nhà thường xuyên. Anh ấy không nói được những lời hoa mỹ nhưng luôn quan tâm và động viên tôi trong mỗi bước đi của sự nghiệp. Chỉ cần nghe “cố lên vợ” là tôi lại tràn đầy động lực”, tay đua 28 tuổi chia sẻ. “Tôi nghĩ đã là vợ chồng thì nên hiểu và chia sẻ với nhau mọi thứ. Đam mê của vợ tôi là xe đạp nên tôi hi sinh một chút cũng chẳng sao, miễn cô ấy được vui. Mà thực ra, lâu lâu mới được ở cùng nhau chưa hẳn đã không tốt, giáp mặt nhau hàng ngày có khi lại dễ chán”, anh Chính cười nói. |
Bản thân tôi mấy mươi năm trước từng giao đấu với một võ sĩ Quyền thề. Đang còn lúng túng trước những chiêu thức...
Nguồn: [Link nguồn]