TTVN và Olympic 2012: Thời điểm gần chốt sổ

Theo chỉ tiêu, Việt Nam phấn đấu có khoảng 20 suất tham dự. Về cơ bản, có thể đạt được mục tiêu...

Cuối cùng là bao nhiêu suất?

Tháng 6 là thời điểm cuối cùng chốt số VĐV chính thức dự Olympic. Tới thời điểm này, bơi và điền kinh là 2 môn cuối cùng mà thể thao Việt Nam sẽ thi đấu và chờ đợi có thêm suất chính thức hoặc chuẩn Olympic. Thật bất ngờ bởi đó là 2 “trọng tâm” đã được quan tâm nhất và nhận nhiều sự đầu tư cho tập huấn, từ Tổng cục TDTT. Trong một chia sẻ mới đây, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - ông Lâm Quang Thành cho biết: “Về cơ bản cả 2 môn trên vẫn được chờ đợi có thêm tin mừng bởi chúng ta vẫn còn Trương Thanh Hằng, Dương Thị Việt Anh, Vũ Thị Hương (điền kinh) hay Ánh Viên (bơi)… thi đấu giành chuẩn”. Có được thêm vé chính thức nào nữa không là cả một vấn đề. Điền kinh còn duy nhất giải Các ngôi sao châu Á vào tháng 6 (Kazakhstan) cho Thanh Hằng, Việt Anh hoặc Vũ Thị Hương. Song hành cùng họ, chị em Thanh Phúc, Thành Ngưng của tổ đi bộ được nhắm dự 1 giải quốc tế cuối cùng tìm thêm chuẩn hoặc gia tăng thành tích. Phía bên kia, sau những giải tại Mỹ, các kình ngư sẽ tận dụng cơ hội cuối là giải vô địch Đông Nam Á.

Tuy nhiên, chắc chắn một điều rằng chúng ta có thể tự hào bởi kỳ Olympic này vượt trội về số suất chính thức. Đã có Quý Phước (bơi); Diệu Linh, Huỳnh Châu (taekwondo); Nguyễn Thị Lụa (vật); Hà Thanh, Phước Hưng, Ngân Thương (TDDC); Xuân Vinh, Hoàng Ngọc (bắn súng); Ngọc Tú (judo); Tiến Nhật (kiếm), Tiến Minh (cầu lông); cặp Hài/Thảo (rowing); Quốc Toàn (cử tạ); đồng thời còn có Thanh Phúc (chuẩn B Olympic, điền kinh), Ánh Viên (chuẩn B, bơi). Con số hơn hẳn 8 suất chính thức so với Olympic Bắc Kinh cách đây 4 năm. Hai suất hụt tiếc nuối nhất, chính là 1 vé gần như nằm trong tay đội nữ cử tạ và thất bại gang tấc của Lừu Thị Duyên (quyền Anh) mới đây.

TTVN và Olympic 2012: Thời điểm gần chốt sổ - 1

Kỳ Olympic lần này, TTVN có thể tự hào về sự vượt trội số suất tham dự chính thức.

Truyền thông bị xem nhẹ?

Taekwondo là môn đầu tiên dự Olympic có được nhà tài trợ ngay trước khi tới London và trước câu hỏi “Tới đây sẽ có bao nhiêu môn của chúng ta dự Olympic tìm được các nhà tài trợ?”, ông Lâm Quang Thành bày tỏ: “Lãnh đạo Tổng cục cố gắng tìm thêm tài trợ cho các VĐV”.

Truyền thông là hoạt động rất phù hợp và vô cùng cần thiết trước mỗi đại hội thể thao lớn. Chỉ hơi tiếc, nhà quản lý dường như chưa thấy được tác dụng ở công tác này cho thể thao Olympic nước nhà. Đơn cử, ngày ký hợp đồng và ra mắt nhà tài trợ cho tuyển taekwondo, phía Bộ VH-TT-DL chỉ gói gọn và lựa chọn hạn chế một số báo, đài mời tác nghiệp, thay vì mời rộng rãi để hỗ trợ phóng viên tác nghiệp. Rồi đoàn thể thao Olympic có hẳn một nhà tài trợ thực phẩm chức năng nhưng hỏi người trong nghề, thật ít người biết buổi ra mắt khi nào. Mới đây, Liên đoàn điền kinh cũng tạm… hạn chế thông tin ở việc lãnh đạo từ chối mọi câu hỏi do phải theo Quy chế phát ngôn.

Công tác truyền thông bị xem nhẹ?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đình
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN