TTVN: Lương VĐV như người giúp việc!
“Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tập luyện của các ĐTQG, còn tiền lương của một VĐV đội tuyển thì chỉ xấp xỉ thu nhập của người giúp việc nhà” - đó là thực trạng mà ngành thể thao VN phải đối mặt trong năm 2013 - năm bản lề cho quá trình chuẩn bị ASIAD 2019.
Ăn chưa đủ no
Nhân chuyến thăm chúc Tết của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh tại TTHLTT Hà Nội hôm qua (19.2), lãnh đạo Tổng cục TDTT và trung tâm đã tranh thủ “than thở”: “Năm 2013, TTHLTT Hà Nội sẽ là nơi tập huấn của 72 lượt đội tuyển với 1.500 VĐV, nhưng hiện trung tâm mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Trang thiết bị tập luyện cũ hầu hết được đầu tư từ SEA Games 22, cách đây đã 10 năm. Cơ sở vật chất thiếu thốn, như trường bắn, xây cách đây đã 30-40 năm cũng không dùng để thi đấu được và cũng không đủ tiêu chuẩn cho ASIAD” - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng báo cáo. Đi thăm các đội tuyển đang tập luyện tại Nhổn, trong đó có đội bắn súng tại trường bắn đã xuống cấp nghiêm trọng, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận: “Chúng ta cứ hô hào thành tích, nhưng với khâu chuẩn bị như thế này, cơ sở vật chất như thế này thì không hy vọng có thành tích cao được”.
Không chỉ vậy, chế độ ăn và tiền công cho các VĐV cũng là vấn đề đau đầu. “Chế độ ăn 200.000 đồng/ngày xây dựng từ thời giá thịt bò là 100.000 đồng/kg, nhưng nay nó đã tăng lên gần 300.000 đồng/kg” - GĐ TTHLTT Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng nêu ví dụ để thấy sự lạc hậu của chế độ ăn uống. Ông Vương Bích Thắng trình bày rõ hơn: “Trong tình hình giá cả tăng cao, nhất là dịp giáp Tết, với 200.000 đồng/ngày, gồm cả nước uống, bữa ăn của VĐV không đủ chất. Trước đây, trung tâm tính toán chi 180.000 đồng cho 3 bữa ăn, bớt lại 20.000 đồng nước uống cho VĐV, nhưng để phục vụ việc ăn đủ no, trung tâm đã phải bớt tiền nước uống. Chế độ tiền công cho VĐV hiện cũng quá thấp. Với quy định 150.000 đồng/ngày x 26 ngày (trừ chủ nhật), một VĐV ĐTQG chỉ có thu nhập 3,6 triệu đồng/tháng, có lẽ chỉ xấp xỉ thu nhập của người giúp việc nhà. Mức lương đó không thể hấp dẫn VĐV khi họ phải chịu rất nhiều hy sinh, có người còn phải nuôi gia đình”. TTHLTT Hà Nội là nơi cung cấp 2/3 số VĐV VN đạt chuẩn Olympic London 2012 vừa qua, là trung tâm huấn luyện chính của TTVN, nên những khó khăn của VĐV nơi đây cũng là khó khăn chung của TTVN.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh mừng tuổi các tuyển thủ nhí. Ảnh: Q.T
Làm gì cũng phải gắn với phục vụ ASIAD
Chia sẻ những khó khăn của ngành thể thao, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã yêu cầu lãnh đạo cấp vụ trả lời từng đề xuất. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ VHTTDL) cho biết, trong năm 2013, TTHLTT Hà Nội là nơi được ưu tiên cấp kinh phí đầu tư 42 tỉ đồng để xây trường bắn và nhà thi đấu bóng chuyền (trong khi tổng kinh phí đầu tư của ngành chỉ có 60 tỉ đồng). Còn về việc tăng chế độ ăn uống, tiền công, bộ đề nghị Tổng cục TDTT nên đưa vào quy hoạch tổng thể chung phục vụ cho ASIAD 2019 thì mới trình Bộ Tài chính phê duyệt được.
“Năm 2013, TTVN có nhiệm vụ chính là SEA Games 27 vào tháng 11, nhưng cũng đừng quên chuẩn bị cho ASIAD 2019. Ngay bây giờ phải có kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện VĐV. Còn việc đầu tư cho trung tâm, dù là làm gì thì cũng phải gắn với việc phục vụ ASIAD” - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh kết luận.
"Việt Nam có nhiều VĐV, HLV có trình độ cao. Khi đi ra nước ngoài, nhất là các nước giàu có ở Trung Đông, nhiều người đã được mời thi đấu, làm việc cho nước họ với mức lương 10.000USD/tháng, nhưng các VĐV, HLV đều từ chối. Đó là niềm tự hào, nhưng cũng thiệt thòi cho họ" - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng |