Trương Vô Kỵ và bài võ rồng “học lỏm” trấn áp cao thủ Thiếu Lâm

(Tin thể thao) Trước sức mạnh của Long Trảo Thủ, Trương Vô Kỵ đã phải sử dụng chính loại võ công này để thủ thắng Không Tính Thần Tăng của phái Thiếu Lâm.

Trương Vô Kỵ dùng Long Trảo Thủ đấu thần tăng Thiếu Lâm

Long Trảo Thủ mạnh ra sao?

Trương Vô Kỵ là nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng Ỷ Thiên Đồ Long Ký của cố nhà văn Kim Dung. Chàng thanh niên này cũng được xếp vào hàng cao thủ bậc nhất của tất cả các bộ võ hiệp khi sở hữu cho mình nhiều tuyệt thế võ công như Cửu Dương Thần Công, Càn Khôn Đại Na Di, Thái Cực Quyền, Thái Cực Kiếm Pháp, Thánh Hỏa Lệnh Thần Công, Võ Đang Trường Quyền, Thê Vân Tung hay Thất Thương Quyền.

Sở hữu 2 tuyệt thế võ công là Cửu Dương Thần Công và Càn Khôn Đại Na Di nhưng Trương Vô Kỵ cũng phải kinh hãi trước Long Trảo Thủ

Sở hữu 2 tuyệt thế võ công là Cửu Dương Thần Công và Càn Khôn Đại Na Di nhưng Trương Vô Kỵ cũng phải kinh hãi trước Long Trảo Thủ

Bên cạnh đó, thiếu hiệp họ Trương còn có cho mình một bộ “võ rồng” vô cùng lợi hại, được xem là “vô thượng tuyệt nghệ”, đó là chính là Long Trảo Thủ.

Long Trảo Thủ (hay còn gọi là Long Trảo Công) thực tế là một trong Thiếu Lâm Thất Thập Nhị Huyền Công (72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm) mà Trương Vô Kỵ đã “học lỏm” được khi giao đấu với Không Tính Đại Sư, một trong những thần tăng của phái Thiếu Lâm khi 6 đại môn phái kéo lên Quang Minh Đỉnh để tiêu diệt Minh Giáo. Vô Kỵ khi đó xưng danh là Tăng A Ngưu đã quyết định một mình tỉ võ với các môn phái để giải cứu cho Minh Giáo.

Người thi triển Long Trảo Thủ tựa như một con rồng uốn lượn, long trảo vươn ra khiến đối thủ không còn đường nào né tránh. Yếu chỉ của nó là nhanh nhẹn độc địa, không phải biến hóa nhiều. Dù đây là võ công phật môn nhưng lại vô cùng sắc bén nguy hiểm. Được xem là môn công phu tối cao của cầm nã pháp trong thiên hạ, không có một chút sơ hở nào.

Màn dùng Long Trảo Thủ giao đấu của Vô Kỵ và Không Tính Thần Tăng khiến quần hùng rúng động

Màn dùng Long Trảo Thủ giao đấu của Vô Kỵ và Không Tính Thần Tăng khiến quần hùng rúng động

Long Trảo Thủ có tổng cộng 36 thức, như Nã Vân Thức, Sang Châu Thức, Lao Nguyệt Thức, Bổ Phong Thức, Tróc Ảnh Thức, Phủ Cầm Thức, Cổ Sắt Thức, Phê Kháng Thức, Đảo Hư Thức, Bão Tàn Thức, Thủ Khuyết Thức,...

Trong đó, Bão Tàn Thức và Thủ Khuyết Thức là hai chiêu sau cùng của Long Trảo Thủ. Người sử dụng 2 chiêu này tưởng như có hàng trăm sơ hở, ra chiêu tay chân luống cuống, hết sức chống đỡ, kỳ thực tưởng là thủ mà chính là công, cực kỳ khéo mà làm như vụng, trong mỗi chỗ sơ hở đều ẩn phục những bẫy rất lợi hại. Long Trảo Thủ vốn dĩ là một môn võ công cương mãnh, nhưng đến 2 thức sau cùng trong cương mãnh có ẩn âm nhu, đã đạt đến mức phản phác hoàn chân, lô hỏa thuần thanh.

Tương truyền khi còn trung niên, Không Tính Thần Tăng nhiều lần gặp đại địch nhưng chỉ cần sử dụng Long Trảo Thủ, lập tức chiếm được thượng phong. Ông chỉ cần dùng 12 chiêu là đã thắng, còn từ chiêu thứ 13 trở đi chỉ để một mình luyện tập, chưa bao giờ phải sử dụng khi lâm địch.

Trương Vô Kỵ dùng Long Trảo Thủ thắng thần tăng Thiếu Lâm

Thời điểm đối đầu với Không Tính, Trương Vô Kỵ dù đã mang trong người hai tuyệt thế võ công là Cửu Dương Thần Công và Càn Khôn Đại Na Di cũng phải kinh hãi, không có cách nào chống đỡ, phải dựa vào khinh công thượng thừa để liên tục nhảy lùi tránh né.

Không Tính Thần Tăng thi triển Long Trảo Thủ

Không Tính Thần Tăng thi triển Long Trảo Thủ

Tình cảnh này của Vô Kỵ được Kim Dung miêu tả như sau: “Không Tính đã tiến lên mấy bước, tay phải vươn ra chộp vào đầu chàng, cái trảo đó từ cổ tay cho đến ngón tay, thẳng băng như cây bút, kình đạo cực kỳ ghê gớm. Một trảo chưa trúng, trảo thứ hai đã tiếp theo, lại càng nhanh nhẹn, cương mãnh hơn lần trước”.

“Không Tính liền liên tiếp tung ra trảo thứ ba, thứ tư, thứ năm nghe vù vù, chỉ nháy mắt, nhà sư mặc áo màu tro đã biến thành một con rồng xám, uốn lượn múa may, long trảo vươn ra, áp chế Trương Vô Kỵ không còn đường nào né tránh. Chỉ nghe xoẹt một tiếng, Trương Vô Kỵ bay vụt qua một bên, tay áo bên phải đã bị Không Tính chộp được, cánh tay trơ ra, hiện rõ năm vết xước, máu nhỏ ròng ròng”.

“Không Tính một chiêu thắng thế, nhảy vọt tới, xông vào chộp nữa, uy thế thật là phi phàm. Lộ trảo pháp nay vừa thật nhanh lại vừa độc địa, Trương Vô Kỵ chưa từng thấy bao giờ, nhất thời không biết cách nào đề ngự, chỉ có nước thoái lui liên tiếp”, cố nhà văn Kim Dung viết.

Trương Vô Kỵ dùng chính Long Trảo Thủ để khắc chế Long Trảo Thủ của Không Tính và giành chiến thắng

Trương Vô Kỵ dùng chính Long Trảo Thủ để khắc chế Long Trảo Thủ của Không Tính và giành chiến thắng

Với kinh công thượng thừa của mình, Vô Kỵ vừa nhảy lùi vừa luôn giữ khoảng cách hai ba thước, quan sát toàn bộ những biến ảo của 36 thức Long Trảo Thủ mà Không Tính thi triển. Dù bản tính cực kỳ thông minh, Vô Kỵ cũng không tìm ra bất kỳ một sơ hở nào của bộ võ công này.

Trong khi đó, quan sát trận đấu này, những đại cao thủ hiểu rộng biết nhiều như Dương Tiêu, Lãnh Khiêm, Chu Điên, Thuyết Bất Đắc, Ân Thiên Chính, Ân Dã Vương, Lý Thiên Viên…đều kinh hoảng thầm, thấy Long Trảo Thủ của Không Tính thật ghê gớm, muốn tiếp ông ta một chiêu, cũng không phải dễ dàng.

Riêng Trương Vô Kỵ tự nhận xét: “Long Trảo Thủ này quả thực lợi hại, hẳn là phái Thiếu Lâm phải thiên trùy bách luyện hàng mấy trăm năm qua, có thể nói là một thứ võ công “bất bại”, nếu ta không dùng chính môn Long Trảo Thủ này đối địch với ông ta, nếu dùng quyền pháp khác để thủ thắng, quả thực là mười phần gian nan”.

Với sự hỗ trợ của Cửu Dương Thần Công và Càn Khôn Đại Na Di cùng trí nhớ siêu đẳng, Trương Vô Kỵ đã dùng chính Long Trảo Thủ để đánh bại Long Trảo Thủ của Không Tính, qua đó khiến phái Thiếu Lâm phải rút lui khỏi Quang Minh Đỉnh.

Long Trảo Thủ còn xuất hiện trong Thiên Long Bát Bộ, Cưu Ma Trí đã dùng môn công phu này đấu với Hư Trúc hay Tiêu Phong cũng không ít lần dùng Long Trảo Thủ với sức mạnh đến cực đại, sử dụng quá nhanh đến mức không ai nhìn kịp.

Nguồn: [Link nguồn]

(Tin thể thao, tin võ thuật) Trong số những thông tin võ thuật đáng chú ý có câu chuyện lực sỹ được ngợi khen vì sở hữu sức mạnh đáng nể, bên cạnh đó là thông tin buồn về cái chết của nhà vô địch Judo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phong ([Tên nguồn])
Thể thao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN