Trung Quốc bá chủ Paralympic, thành tích "bỏ xa các đối thủ hàng km"
(Tin thể thao, tin Paralympic) Trung Quốc xuất sắc giành 220 huy chương, trong đó có 94 HCV, tại Paralympic 2024, khẳng định vị thế thống trị với 29 kỷ lục thế giới mới.
Trung Quốc lần thứ 6 liên tiếp vô địch Paralympic
Kỳ Paralympic 2024 tại Paris đã khép lại với thành tích ngoạn mục của đoàn thể thao Trung Quốc. Đây là lần thứ sáu liên tiếp đoàn này dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương kể từ Athens 2004.
Trung Quốc với nhiều môn thế mạnh, trong đó có bóng bàn, tiếp tục có thành tích vượt trội ở Paralympic
Đoàn Trung Quốc giành được tổng cộng 220 huy chương, trong đó có 94 huy chương vàng (HCV), 76 huy chương bạc và 50 huy chương đồng. Số lượng huy chương này gần gấp đôi so với đoàn Vương quốc Anh, xếp thứ hai với 49 huy chương vàng.
Mỹ khép lại Thế vận hội người khuyết tật Paris với 36 HCV đứng vị trí thứ ba, đoàn Hà Lan đứng hạng bốn với 27 HCV. Đoàn thể thao Việt Nam đứng hạng 79 nhờ tấm HCĐ của lực sĩ cử tạ Lê Văn Công.
Điều đáng chú ý, các VĐV Trung Quốc phá vỡ 29 kỷ lục thế giới ở nhiều môn thể thao, đặc biệt là bơi, điền kinh và bóng bàn. Thành tích vượt trội này tiếp tục khẳng định sự thống trị của Trung Quốc trên đấu trường Paralympic, với khoảng cách thành tích vượt trội so với các đối thủ được ví như “hàng km”.
Trung Quốc vượt trội về thành tích so với các đối thủ
Kỷ lục lịch sử và sự vượt trội ở nhiều môn thể thao
Tại môn bơi, đoàn Trung Quốc có thành tích tốt nhất với 22 HCV, 21 HCB, 11 HCĐ. Nội dung bơi tiếp sức 4x50m vinh dự mang về HCV thứ 600 trong lịch sử Paralympic của Trung Quốc.
Ngoài ra, ở môn điền kinh, các VĐV Trung Quốc cũng thể hiện sự thống trị với 21 HCV, 21 HCB và 16 HCĐ. Đáng chú ý, VĐV Wen Xiaoyan phá kỷ lục Paralympic ở nội dung chạy 100m nữ hạng T37, còn Jin Hua và Wu Qing lần lượt lập kỷ lục ở các nội dung chạy 800m nam hạng T54 và đẩy tạ nữ hạng F33.
Sự thành công của Trung Quốc tại các kỳ Paralympic không chỉ đến từ việc đầu tư lớn về cơ sở vật chất và chương trình đào tạo thể thao, mà còn nhờ vào hệ thống "juguo tizhi", huy động mọi nguồn lực quốc gia để đạt được thành tích cao.
Hệ thống này không chỉ áp dụng trong thể thao mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như công nghệ. Nhiều VĐV Paralympic Trung Quốc đến từ các khu vực nông thôn và có những khiếm khuyết bẩm sinh.
Nhờ chương trình đào tạo và tuyển chọn từ sớm, Trung Quốc tạo ra các thế hệ VĐV tài năng, góp phần duy trì sự thống trị tại các kỳ Thế vận hội dành cho người khuyết tật.
Lễ bế mạc khép lại mùa hè thể thao sôi động
Lễ bế mạc Paralympic Paris 2024 diễn ra hoành tráng tại sân vận động Stade de France vào tối 8/9 (rạng sáng 9/9 giờ Việt Nam) với sự tham gia của nhiều vận động viên khuyết tật tiêu biểu, dù thời tiết mưa nặng hạt.
Lễ bế mạc hoành tráng tại Paris
Sau phần trình diễn âm nhạc mở đầu của ca sĩ Amadou và Mariam, ngọn đuốc Paralympic được thắp sáng bởi 6 VĐV. Sau đó Aurelie Aubert, VĐV bi sắt giành HCV, đã thổi tắt ngọn lửa thiêng.
Chủ tịch Thế vận hội Paris 2024, Tony Estanguet, và Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế, Andrew Parsons, nhấn mạnh sự thành công về tổ chức và tinh thần thể thao. Buổi lễ kết thúc bằng sự kiện hòa nhạc điện tử với sự tham gia của Jean Michel Jarre và 23 DJ, tạo nên một bữa tiệc ánh sáng và âm thanh ấn tượng, với hàng ngàn chiếc đèn nháy đeo tay của khán giả.
Paralympic Paris có hơn 4.400 vận động viên đến từ 169 quốc gia, vùng lãnh thổ, tranh tài ở 22 môn thể thao.
Bên cạnh những thành tích thể thao, Paris 2024 còn ghi dấu ấn trong việc thúc đẩy sự hòa nhập cho người khuyết tật, với các cải tiến đáng kể về cơ sở hạ tầng.
Chia tay Paralympic Paris 2024, sự kiện tiếp theo sẽ tổ chức tại Los Angeles, Mỹ vào 2028.
(Tin thể thao, tin bóng chuyền) VĐV bóng chuyền cao nhất thế giới thể thao (2m46) và cao thứ nhì thế giới có lần thứ 3 giành HCV Paralympic cùng đội Iran.
Nguồn: [Link nguồn]