Trực tiếp đoàn Việt Nam dự Olympic 25/7: Ánh Nguyệt đáng khen, Quốc Phong nỗ lực (KT)
(Tin thể thao, tin Olympic) Hai cung thủ Ánh Nguyệt và Quốc Phong đã hoàn thành phần thi trong ngày hôm nay.
Kết thúc 12 lượt bắn với tổng cộng 72 mũi tên, Lê Quốc Phong đạt thứ hạng 47/64 VĐV với tổng 652 điểm, trong đó 23 mũi tên ghi 10 điểm và 9 mũi trúng hồng tâm. Ở 2 lượt bắn cuối cùng, cung thủ của Việt Nam bắn khá tốt với 57 điểm cho mỗi lượt.
Kết quả thi đấu vòng phân hạng của Quốc Phong
Kết quả này cũng xác định đối thủ ở vòng loại trực tiếp của Quốc Phong sẽ là Olaru Dan, VĐV người Moldova xếp hạng 18 chung cuộc với 671 điểm, trong đó có 36 mũi 10 điểm và 10 mũi tâm trúng hồng tâm.
Cung thủ đứng đầu vòng loại là Kim Woojin (Hàn Quốc) với tổng 686 điểm, trong đó có đến 17 mũi tên trúng hồng tâm và 43 mũi tên ghi 10 điểm. Kim Woojin chính là người đang giữ kỷ lục Olympic với tổng 700 điểm từng được anh thiết lập ở Olympic Rio 2016 tại Brazil.
Ngoài ra với những kết quả này của Quốc Phong và Ánh Nguyệt, đội tuyển bắn cung Việt Nam chỉ xếp hạng 24/27 đội, qua đó không thể tham gia tranh tài ở nội dung đôi nam nữ khi không nằm trong top 16 đội có thành tích tốt nhất.
Ở 3 lượt bắn tiếp theo, Quốc Phong đã lấy lại tinh thần khi lần lượt ghi 56 điểm, 54 điểm và 56 điểm để tăng 8 bậc lên hạng 48/64 VĐV. Đây là 3 lượt bắn ổn định và có điểm số tốt bậc nhất từ đầu trận đấu của nam cung thủ Việt Nam.
Quốc Phong thi đấu tốt hơn ở 3 lượt bắn vừa qua
Mặc dù đã khởi đầu tốt ở lượt bắn đầu tiên nhưng Quốc Phong sau đó đã có mũi tên không tốt, chỉ ghi được 4 điểm ở lượt thứ 2. Dù thi đấu rất nỗ lực, cung thủ sinh năm 2000 của Việt Nam không có được phong độ tốt và hiện chỉ tạm đứng vị trí thứ 56/64 VĐV với tổng 318 điểm sau 6 lượt bắn. Quốc Phong sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong 6 lượt bắn còn lại để cải thiện vị trí.
Điểm số của Quốc Phong sau 6 lượt bắn đầu
3 cung thủ Hàn Quốc dẫn đầu trong top 10
Ở top 10 dẫn đầu bảng xếp hạng sau 6 lượt đầu, cả 3 vị trí cao nhất đều là các cung thủ người Hàn Quốc. Tuy nhiên, cách biệt về điểm số không quá cao, hứa hẹn sẽ có sự cạnh tranh hấp dẫn ở 6 lượt bắn còn lại.
Ở lượt bắn đầu tiên, Quốc Phong đã khởi đầu khá tốt khi đạt tổng điểm là 56 điểm, trong đó có 2 mũi tên 10 điểm và 4 mũi tên ghi 9 điểm. Tuy nhiên, nam cung thủ của Việt Nam hiện tạm xếp hạng 21/64 VĐV do các đối thủ của nam đều bắn cực hay.
Điểm số của Quốc Phong và Musolesi Federico sau lượt bắn đầu tiên
Tạm xếp hạng 1 là cung thủ người Ý Musolesi Federico khi đạt đến 59 điểm, trong đó có 1 mũi trúng hồng tâm, 4 mũi 10 điểm và 1 mũi tên 9 điểm.
Ở vòng phân hạng nội dung cung 1 dây nam diễn ra từ 19h15 đến 22h15 tối nay (25/7), Lê Quốc Phong sẽ thi đấu ở vị trí thứ 32A, vị trí áp chót cùng với cung thủ người Ukraine Usach Mykhailo (32B).
Quốc Phong thi đấu ở vị trí thứ 32, được kỳ vọng sẽ tỏa sáng tại Olympic
Cũng giống như Ánh Nguyệt trước đó, Quốc Phong sẽ thi tài cùng với 63 cung thủ khác trong 12 lượt bắn (mỗi lượt bắn 6 mũi tên). Tổng số điểm ghi được cùng thứ hạng ở vòng đấu này sẽ dùng để phân nhánh và xếp các cặp đấu tại vòng loại trực tiếp.
Tuy có lần đầu tiên đến với đấu trường Olympic nhưng Quốc Phong lại là một trong những cái tên được kỳ vọng sẽ tạo nên bất ngờ cho đoàn thể thao Việt Nam sau khi xuất sắc vào top 4 World Cup 2024 hồi tháng 5 tại Hàn Quốc.
Kết thúc 12 lượt bắn với tổng cộng 72 mũi tên, Đỗ Thị Ánh Nguyệt đạt tổng 648 điểm, trong đó có 5 mũi tên trúng hồng tâm, 22 mũi tên đạt 10 điểm. Kết quả này giúp Ánh Nguyệt đạt thứ hạng 37/64 VĐV, một vị trí đáng khen với nữ cung thủ sinh năm 2001.
Ánh Nguyệt kết thúc vòng phân nhánh, xếp hạng với vị trí đáng khen
Như vậy, đối thủ của Ánh Nguyệt tại vòng loại trực tiếp (dự kiến diễn ra vào ngày 30/7) là Fallah Mobina, nữ VĐV người Iran đã đạt tổng điểm 652 điểm, xếp hạng 28. Đây sẽ là thử thách không nhỏ cho Ánh Nguyệt khi Fallah Mobina có 15 mũi tên trúng hồng tâm và 30 mũi tên ghi 10 điểm.
Lim Sihyeon xuất sắc lập kỷ lục thế giới lẫn Olympic mới
Đặc biệt ở vòng loại này, nữ cung thủ người Hàn Quốc Lim Sihyeon đã xuất sắc phá kỷ lục thế giới. Với 694 điểm (21 mũi trúng hồng tâm, 48 mũi ghi 10 điểm), Lim Sihyeon đã vượt qua thành tích cũ của người đồng hương là Kang Chaeyoung thiết lập vào năm 2019. Đồng thời, cô cũng phá luôn kỷ lục cũ của Olympic là 680 điểm được An San (Hàn Quốc) lập vào kỳ Olympic 2021 ở Tokyo (Nhật Bản).
Trở lại với trận đấu sau giờ nghỉ giải lao, Ánh Nguyệt thi đấu khá ổn định khi lần lượt giành 56 điểm, 53 điểm và 54 điểm ở 3 lượt bắn tiếp theo. Với tổng 484 điểm hiện có, Ánh Nguyệt cải thiện thứ hạng khi tăng thêm 4 bậc, tạm xếp hạng 42/64 VĐV thi tài.
Ánh Nguyệt tăng 4 bậc sau 3 lượt bắn tiếp theo
Sau 6 lượt bắn đầu tiên (mỗi lượt 6 mũi tên), Ánh Nguyệt đạt tổng 321 điểm, xếp hạng 46/64 VĐV. Đáng chú ý ở lượt bắn thứ 3, nữ cung thủ của Việt Nam gây ấn tượng với 4 mũi tên ghi 10 điểm và 2 mũi tên ghi 9 điểm, đạt 58/60 điểm ở lượt bắn này. Tuy nhiên, tổng điểm hiện có của Ánh Nguyệt không quá tốt. Cô sẽ cần cải thiện trong 6 lượt bắn còn lại để nâng vị trí, tránh gặp những đối thủ quá mạnh ở vòng knock-out.
Ánh Nguyệt gây ấn tượng ở lượt bắn thứ 3 với 58/60 điểm
Lim Sihyeon ghi điểm tuyệt đối ở lượt bắn thứ 6
Người dẫn đầu sau 6 lượt bắn đầu tiên vẫn là Lim Sihyeon, nhà vô địch World Cup người Hàn Quốc thể hiện đẳng cấp đáng nể khi ghi tổng cộng đến 353 điểm, trong đó chỉ toàn những điểm trúng hồng tâm, 10 điểm và 9 điểm. Thậm chí ở lượt bắn thứ 6, cô còn ghi điểm tuyệt đối (60 điểm) với 6 mũi tên đều trúng hồng tâm và 10 điểm.
Theo đó, nữ cung thủ của Việt Nam đã mở màn khá tốt khi ghi tổng cộng 54/60 điểm ở 6 mũi tên đầu tiên của lượt bắn mở màn, trong đó 1 mũi tên trúng hồng tâm, 2 mũi tên đạt 10 điểm và 3 mũi đạt 8 điểm. Kết quả này giúp Ánh Nguyệt tạm đứng thứ 18/64 VĐV tranh tài sau lượt bắn đầu.
Ánh Nguyệt khởi đầu khá tốt
Lim Sihyeon thể hiện đẳng cấp
Cung thủ xếp cao nhất sau 6 mũi tên đầu tiên là Lim Sihyeon, nữ VĐV của Hàn Quốc có đến 4 mũi tên trúng hồng tâm, 1 mũi 10 điểm và 1 mũi tên 9 điểm để đạt tổng điểm gần tuyệt đối là 59/60 điểm. Lim Sihyeon là một trong những nữ cung thủ hàng đầu của Hàn Quốc cũng như thế giới. Cô từng giành 3 HCV ASIAD.
Ở vòng loại, mỗi VĐV sẽ có 12 lượt bắn (mỗi lượt 6 mũi tên) và tính tổng điểm để phân nhánh và xếp các cặp đấu tại vòng loại trực tiếp.
Ở vòng loại nội dung cung 1 dây nữ, Ánh Nguyệt sẽ thi tài cùng với 63 cung thủ khác đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi VĐV sẽ có 12 lượt bắn (mỗi lượt 6 mũi tên) và tính tổng điểm để phân nhánh và xếp các cặp đấu tại vòng loại trực tiếp.
Ánh Nguyệt được xếp thi đấu ở vị trí 29 cùng cung thủ người Slovenia là Zana Pintaric
Ở vòng loại này, Ánh Nguyệt được xếp thi đấu ở vị trí thứ 29, cùng với cung thủ người Slovenia là Zana Pintaric. Trong khi đó, 2 cung thủ sẽ thi đấu mở màn vòng loại là Laura Van Der Winkel (Hà Lan) và Lim Sihyeon (Hàn Quốc).
Ngoài ra, kết quả của Ánh Nguyệt cũng trực tiếp quyết định đến việc tuyển bắn cung Việt Nam có giành 1 trong 16 suất thi đấu ở nội dung cung 1 dây nam - nữ phối hợp.
Ánh Nguyệt là cung thủ đầu tiên trong lịch sử bộ môn này dự liên tiếp hai kỳ Olympic bằng suất chính thức. Nữ VĐV 23 tuổi luôn thể hiện sự chuyên nghiệp, tập trung cho từng giải đấu.
Ánh Nguyệt thường không xuất hiện trên mạng xã hội trong khoảng thời gian trước thềm giải đấu
Điển hình như tại kỳ Olympic Paris 2024 này, để đảm bảo tính chuyên môn cũng như toàn tâm toàn ý cho việc tập luyện, Ánh Nguyệt hầu như nói không với mạng xã hội. Trang cá nhân của cô đã không đăng tải bất cứ điều gì suốt khoảng 1 tháng qua. Đây cũng là cách mà nữ cung thủ xinh đẹp dùng để ổn định tâm lý cho mình.
“Khi vào thi đấu ở các giải, mỗi cung thủ phải làm sao điều khiển được nhịp tim ổn định. Tôi và đồng đội đều phải tập luyện, củng cố những điều đó. Khi thi đấu, để tự tin hơn thì tôi luôn tự nhủ trong đầu về mục tiêu và tự động viên là mình phải làm được, phải tốt nhất có thể”, Ánh Nguyệt chia sẻ.
Quốc Phong hào hứng trước giờ tranh tài
Trong khi đó, Lê Quốc Phong có những cập nhật về tình hình tập luyện của mình trên đất Pháp. Nam cung thủ tỏ ra tự tin, hào hứng khi lần đầu góp mặt ở sân chơi Olympic và thể hiện sự háo hức trước giờ tranh tài.
Trong buổi tập chính thức và kiểm tra cung tên tại trường bắn theo vị trí thi đấu trước đó 1 ngày, hai cung thủ Việt Nam là Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Lê Quốc Phong đã thể hiện rất tốt.
Điều kiện trường bắn không thuận lợi khi có nhiều gió mạnh
Theo ghi nhận của ban huấn luyện, trường bắn có nhiều gió mạnh và thỉnh thoảng có mưa gây ra những khó khăn nhất định dù trước đó, ban huấn luyện đã cho các VĐV tập luyện trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau.
Ánh Nguyệt và Quốc Phong có màn thể hiện tốt trong buổi tập chính thức tại vị trí thi đấu
Theo HLV đội tuyển bắn cung Việt Nam Ngô Hải Nam, đây là khó khăn chung không chỉ của riêng VĐV Việt Nam mà còn là của các nước nên buộc các VĐV phải chấp nhận và có hướng khắc phục. Hiện cả 2 cung thủ đều có tinh thần tốt, sẵn sàng cho màn ra quân.
Olympic Paris 2024 tại Pháp sẽ chính thức khai mạc vào ngày 26/7. Dù vậy, bắn cung là một trong những môn tranh tài sớm nhất khi sẽ bắt đầu từ ngày 25/7. 2 cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Lê Quốc Phong sẽ là những VĐV ra quân cho đoàn thể thao Việt Nam.
Quốc Phong và Ánh Nguyệt được kỳ vọng có màn thể hiện ấn tượng ở ngày ra quân
Cụ thể, Đỗ Thị Ánh Nguyệt sẽ tranh tài ở vòng loại cung 1 dây nữ diễn ra trong khoảng từ 14h30 đến 17h30 ngày 25/7 (theo giờ Việt Nam). Trong khi đó, Lê Quốc Phong sẽ dự vòng loại cung 1 dây nam diễn ra trong khoảng từ 19h15 đến 22h15 cùng ngày.
Ở vòng loại, mỗi nội dung sẽ có 64 cung thủ tranh tài, mỗi VĐV có 12 lượt bắn. Từ kết quả của tất cả VĐV, ban tổ chức sẽ phân nhánh đấu và sắp xếp các cặp đấu cho vòng đấu loại trực tiếp, qua đó các cung thủ cũng sẽ biết chính xác đối thủ của mình ở vòng knock-out sau đó diễn ra vào ngày 30/7.
Bên cạnh đó, kết quả thi đấu ở vòng loại trực tiếp của Ánh Nguyệt và Quốc Phong cũng sẽ quyết định suất thi đấu ở nội dung cung 1 dây nam - nữ phối hợp. Bởi lẽ, chỉ có top 16 đôi có kết quả tốt nhất mới được bước vào tranh tài ở nội dung đồng đội.
Trước đó, Ánh Nguyệt là cái tên được chọn để cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam tại buổi lễ khai mạc diễn ra vào ngày 26/7. Sau đó, đoàn TTVN đã quyết định đổi người cầm cờ sang Lê Đức Phát và Nguyễn Thị Thật để nữ cung thủ này tập trung hoàn toàn cho màn ra quân tại vòng loại diễn ra vào ngày 25/7.
Ánh Nguyệt sẽ có thấy sự trưởng thành so với chính mình ở Olympic 2021 tại Nhật Bản
Đây là kỳ Thế vận hội thứ 2 mà Ánh Nguyệt góp mặt. Tại Olympic Tokyo trước đó diễn ra vào tháng 7 năm 2021, nữ cung thủ sinh năm 2001 đã bị loại sau trận thua đầy tiếc nuối trước cung thủ nổi tiếng người Nhật Bản từng giành HCĐ Olympic là Ren Hayakawa.
Theo đó, Ánh Nguyệt 2 lần vượt lên dẫn trước khi thắng set 1 và set 3 nhưng để đối thủ gỡ hòa. Ở set đấu cũng như ở mũi tên quyết định, Ánh Nguyệt bắn được 7 điểm, còn Hayakawa bắn được 8 điểm, qua đó khiến cung thủ của Việt Nam bị loại.
Theo dõi trận đấu này, có thể thấy Ánh Nguyệt đã khá hồi hộp khiến nhịp tim tăng cao, qua đó không thể duy trì phong độ cao trước đối thủ mạnh. Dù vậy, điều này có thể thông cảm khi kỳ Olympic tại Nhật Bản là lần đầu tiên cô tham dự giải đấu danh giá đến như vậy.
Tuy có lần đầu tiên đến với đấu trường Olympic nhưng Lê Quốc Phong lại là một trong những cái tên được kỳ vọng sẽ tạo nên bất ngờ cho đoàn thể thao Việt Nam. Bởi lẽ ở cúp bắn cung thế giới 2024 diễn ra hồi tháng 5 tại Hàn Quốc, nam cung thủ sinh năm 2000 đã xuất sắc vào top 4 chung cuộc, thứ hạng lịch sử của bắn cung Việt Nam tại đấu trường World Cup.
Quốc Phong có phong độ cao sau chiến tích vào top 4 World Cup 2024
Màn trình diễn tốt cùng phong độ ấn tượng của anh chính là điểm tựa để kỳ vọng việc Quốc Phong có thể phấn đấu mang về huy chương ở Olympic Paris 2024. Tuy còn khá trẻ, Quốc Phong có lợi thế khi đã từng đối đầu với nhiều cung thủ kỳ cựu của thế giới, trong đó có cả thần tượng của anh là cựu số 1 thế giới Lee Wooseok (Hàn Quốc). Những trận đấu này chắc chắn sẽ giúp Quốc Phong tự tin hơn, không bỡ ngỡ ngày ở lần đầu góp mặt ở sân chơi danh giá như Olympic.
Olympic Paris 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26/7 đến ngày 11/8 tại thủ đô Paris (Pháp) với sự tham dự của 10.700 VĐV, ở 32 môn thi. Đoàn thể thao Việt Nam đến Thế vận hội với 39 thành viên, trong đó có 16 VĐV, tranh tài ở 11 môn thể thao.
(PLO)- Thế vận hội mùa hè lần thứ 33 là một sự kiện vô cùng ý nghĩa đối với tay vợt Lê Đức Phát, vì đây là lần đầu tiên một VĐV cầu lông cầm cờ cho đoàn Thể thao VN tại Lễ khai mạc một kỳ Olympic.
Nguồn: [Link nguồn]