Trực tiếp Djokovic bị quản thúc ở Australia đến 10/1, fan biểu tình đòi công bằng
Djokovic đang bị quản thúc tại khách sạn và chờ phiên điều trần đầu tiên sẽ diễn ra vào thứ Hai tuần sau 10/1.
Tóm tắt sự kiện Djokovic bị từ chối nhập cảnh vào Australia Ngày 5/1: Novak Djokovic hạ cánh xuống Australia để chuẩn bị tham dự Australian Open 2022. Tuy nhiên, tay vợt người Serbia bị hải quan Australia cấm nhập cảnh dù có giấy phép từ ban tổ chức Australian Open. - Djokovic bị tạm giữ 8 tiếng ở sân bay, phải cách ly một mình và bị tịch thu điện thoại. 10h sáng ngày 6/1: Djokovic được di chuyển về một khách sạn trong thành phố và tiếp tục bị quản thúc tại đây. Trong khi đó, luật sư của tay vợt này chuẩn bị hồ sơ khiếu nại lên tòa án bang Victoria. 13h ngày 6/1: Luật sư của Djokovic chính thức nộp đơn khiếu nại. Tuy nhiên, hồ sơ còn thiếu những văn bản cần thiết nên thẩm phán quyết định lùi giờ xét xử xuống 16h (giờ địa phương). |
Fan Serbia biểu tình, đòi công bằng cho Djokovic
Rất nhiều fan đã cầm cờ Serbia tụ tập trước khách sạn nơi Djokovic đang bị quản thúc, để bày tỏ sự ủng hộ với tay vợt số 1 thế giới. Nhiều người cho rằng việc bang Victoria quản thúc Djokovic là 1 điều bất công, 1 sự "tra tấn tinh thần" đáng xấu hổ, đồng thời kêu gọi thả tự do cho huyền thoại 20 Grand Slam.
Fan biểu tình bên ngoài khách sạn đang quản thúc Djokovic, đòi công bằng cho tay vợt Serbia
Cộng đồng tennis bất bình với chính phủ Australia
"Hai hội đồng y tế riêng biệt đã phê duyệt miễn trừ y tế cho anh ấy", Tennys Sandgren, từng vào tứ kết Australia Mở rộng các năm 2018, 2020 viết trên Twitter. "Và rồi các chính trị gia ngăn chặn điều này. Australia không xứng đáng tổ chức một giải Grand Slam".
Bình luận của Tennys Sandgren trên Twitter
"Mọi tay vợt đều trải qua cùng một quy trình cấp visa để thi đấu tại Australia Mở rộng, không kể những tay vợt chủ nhà", cựu tay vợt Paul McNamee, từng là giám đốc giải đấu, chia sẻ. "Djokovic là tay vợt duy nhất từ trước đến nay được chấp thuận visa và sau đó bị từ chối".
Tay vợt kỳ cựu người Ukraine Sergiy Stakhovsky thì quan ngại về việc chính trị và thể thao tác động lẫn nhau, nhìn từ vụ việc của Djokovic. "Lần tới, khi ai đó nói với bạn rằng thể thao không can thiệp vào chính trị, hãy nhớ ngày 6/1/2022. Cái tôi chính trị thuần túy không cho phép tay vợt giỏi nhất thế giới vào quốc gia mà anh ấy từng được cấp phép nhập cảnh".
Djokovic được phép ở lại Australia đến thứ Hai tuần sau để chờ xử lý vụ kiện
Thông tin mới nhất từ báo chí xứ sở chuột túi cho hay Novak Djokovic đã được cho phép ở lại Melbourne tới thứ Hai tuần sau 10/1, thay vì bị trục xuất ngay lập tức hôm nay 6/1. Luật sư của Nole đã gửi đơn kiện lên toàn án Liên bang Australia và tòa này đã ra quyết định cho phép tay vợt số 1 thế giới ở lại tới 10h sáng ngày 10/1 (giờ địa phương).
Djokovic sẽ vẫn bị quản thúc tại 1 khách sạn dành cho những người tị nạn không có giấy tờ hợp pháp. Được biết luật sư của Djokovic đã đưa đơn kiện lên tòa án Liên bang vào hôm nay 6/1. Tuy nhiên thẩm phán Anthony Kelly của tòa này đã hai lần hoãn phiên điều trần vì ông không nhận được tài liệu bằng văn bản do các luật sư của Djokovic đệ trình.
Thẩm phán Kelly đã gia hạn thời gian cho luật sư của Nole hoàn thiện các thủ tục và phiên điều trần chính thức đầu tiên sẽ diễn ra vào sáng thứ Hai tuần sau 10/1.
Ấn định giờ ra tòa của Djokovic
Theo báo chí Australia, luật sư của Djokovic đã nộp đơn lên tòa án bang Victoria nhưng vẫn còn thiếu một số giấy tờ cần thiết. Bởi vậy, phiên tòa xét xử việc khiếu nại của tay vợt người Serbia bị lùi xuống 16h (giờ địa phuowng). Thẩm phán phụ trách vụ việc đang tìm hiểu thông tin liên quan để ra quyết định.
Djokovic bị quản thúc tại khách sạn
Lúc 10h (giờ địa phương), Novak Djokovic đã được chuyển khỏi sân bay về một khách sạn thuộc Carlton. Tay vợt người Serbia sẽ bị quản thúc tại đây trong khi chờ các luật sư nộp đơn khiếu nại lên toà án bang Victoria. Nếu như khiếu nại không thành công, Djokovic sẽ phải rời Australia ngay trong ngày 6/1.
Phản ứng trái chiều vụ Djokovic
Sau khi thông tin Djokovic không được Úc cho phép nhập cảnh để tham dự Australian Open, giới mộ điệu đã có những phản ứng trái chiều. Cựu tay vợt người Ukraine, Sergiy Stakhovsky lên tiếng ủng hộ Djokovic khi cho rằng tay vợt này không phải là người tạo ra luật và chính phủ Australia đã can thiệp quá sâu vào nội bộ giải đấu.
Trong khi đó, phóng viên Ben Rothenberg của tờ New York Times chỉ trích gay gắt tay vợt người Serbia. “Tất cả là lỗi của Djokovic khi anh ta từ chối tiêm vaccine. Anh ta đã có hàng tháng trời để thực hiện điều đó. Kịch bản đẹp nhất là các tay vợt đã tiêm vaccine trong đó có Djokovic thi đấu tại Australian Open nhưng anh ta đã tự mình làm rối tung mọi chuyện”.
Chính phủ liên bang từ chối cấp visa, Djokovic sẽ bị trục xuất trong hôm nay
Nhiều tờ báo của Australia đồng loạt đưa tin chính phủ liên bang đã từ chối cấp visa để Djokovic và các cộng sự nhập cảnh vào nước này. Điều đó đồng nghĩa với việc tay vợt số 1 thế giới sẽ bị trục xuất và phải bay khỏi Australia trong hôm nay thứ 5, 6/1.
HLV của Djokovic, ông Goran Ivanisevic, đăng ảnh chờ đợi ở sân Melbourne trong khi chờ giải quyết thủ tục
Các thủ tục giấy tờ liên quan đến visa của Djokovic đã không được giải quyết, bất chấp tay vợt này đã được cấp quyền miễn trừ y tế. Được biết, luật sư của Djokovic đã vào cuộc và sẽ tiến hành khởi kiện vụ việc này nhằm giúp Djokovic có cơ hội nhập cảnh để dự Australian Open ở lần sau. Việc khởi kiện chỉ có thể diễn ra sau khi Djokovic trở lại châu Âu.
Trước đó, Djokovic đã bị giữ lại ở 1 phòng riêng tại sân bay Melbourne tới 8 tiếng đồng hồ kể từ lúc máy bay hạ cánh, để cơ quan chức năng tiến hành điều tra tính hợp pháp của visa.
Phía lực lượng biên phòng Australia, đơn vị thụ lý giải quyết vụ việc của Djokovic, đã chính thức có thông báo: "Djokovic đã không cung cấp được bằng chứng thích hợp để đáp ứng các yêu cầu nhập cảnh vào Australia, do đó thị thực của anh ấy không hợp pháp và đã bị hủy bỏ. Theo luật định, Djokovic bị tạm giữ và sau đó sẽ bị trục xuất khỏi Australia".
Bố của Djokovic bức xúc, Tổng thống Serbia ủng hộ Nole
Trao đổi với báo chí Serbia ngay tại sân bay Melboure, ông Srdjan Djokovic cho biết: "Tôi không hiểu chuyện quái quỷ gì đã xảy ra nữa. Họ đã giam giữ con trai tôi một vài tiếng đồng hồ rồi. Nó đang ở trong 1 phòng riêng có tới 2 người canh gác. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Đây không phải là cuộc chiến của riêng Novak. Đây là cuộc chiến vì tự do, vì cả thế giới".
Trong khi đó đích thân Tổng thống Serbia Aleksander Vucic cũng lên tiếng ủng hộ Nole: "Cả dân tộc Serbia đứng sau ủng hộ cậu ấy. Chính quyền của chúng tôi đang thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn những điều tồi tệ với tay vợt xuất sắc nhất thế giới trong thời gian ngắn nhất có thể".
Djokovic bị "giam" ở phòng cách ly riêng, có nhân viên an ninh đứng gác
Theo cập nhật mới nhất từ ông Srdjan, bố của Djokovic, hiện tại tay vợt số 1 thế giới vẫn đang ở sân bay để chờ giải quyết thủ tục. Djokovic bị giữ lại trong 1 phòng cách ly riêng biệt và có 2 nhân viên an ninh sân bay đứng gác ở bên ngoài. Không ai được phép ra vào phòng này ngoại trừ chính Djokovic. Thậm chí Djokovic còn bị cấm sử dụng điện thoại để liên lạc.
Được biết, dù đã được cấp quyền miễn trừ y tế nhưng Djokovic và các cộng sự cần phải có 1 loại visa riêng để nhập cảnh vào bang Victoria, nơi diễn ra giải Australian Open. Loại visa này phải được chính quyền bang Victoria hỗ trợ các thủ tục để có thể thông qua. Tuy nhiên phía chính quyền bang Victoria đã lên tiếng từ chối việc này và cho rằng việc phê duyệt thị thực là của chính phủ liên bang. Hiện tại loại visa mà Djokovic trình lên chưa đúng với yêu cầu.
Djokovic gặp khó khăn trong việc nhập cảnh vào Australia
Giới chức bang Victoria lên tiếng từ chối hỗ trợ Djokovic nhập cảnh
Chỉ ít phút trước khi máy bay của Djokovic hạ cánh, quyền Bộ trưởng thể thao của bang Victoria, bà Jaala Pulford đã tuyên bố sẽ không cấp thị thực cá nhân cho Djokovic, bất chấp có lời đề nghị từ chính phủ liên bang.
Bà Pulford viết trên Twitter: "Chính phủ liên bang đã đề nghị chúng tôi giúp đỡ Djokovic trong việc nhập cảnh. Tuy nhiên chúng tôi muốn làm rõ ràng rằng sẽ không cấp visa cá nhân cho Djokovic để tham dự giải Australian Open. Chúng tôi muốn nhấn mạnh 2 điều: việc phê duyệt thị thực là của chính phủ liên bang; và việc miễn trừ y tế là vấn đề của các bác sĩ".
Djokovic đến Australia chưa được nhập cảnh, nguy cơ bị trục xuất
Djokovic đã hạ cánh xuống Melbourne để chuẩn bị cho Australian Open, giải Grand Slam đầu tiên trong năm 2022.
Tuy nhiên theo thông tin mới nhất từ báo chí Australia, hiện tại Djokovic vẫn chưa thể rời khỏi sân bay để trở về khách sạn lưu trú do vẫn bị vướng mắc 1 số thủ tục. Chính quyền bang Victoria, nơi diễn ra giải đấu, đã từ chối giúp đỡ về các thủ tục nhập cảnh cho tay vợt số 1 thế giới, bất chấp Nole đã được nhận quyền miễn trừ y tế. Theo giới chức địa phương, siêu sao người Serbia, đội ngũ ban huấn luyện và các thành viên trong đội đã nộp nhầm loại visa, và điều này sẽ cần thời gian để giải quyết.
Nole đang vấp phải làn sóng chỉ trích từ người dân Australia
Việc tay vợt số 1 thế giới đã nhận được quyền miễn trừ y tế nhập cảnh vào Australia mà không cần giấy xác nhận đã tiêm vắc xin, điều này đang gây ra làn sóng phản ứng dữ dội từ người dân địa phương.
Trên mạng xã hội Twitter, làn sóng “Djokovic Out” đang trở thành xu hướng. Tài khoản @Donna MacKinnon viết: “Tôi luôn là người ủng hộ chính quyền nhưng tôi không đồng ý với quyết định miễn trừ y tế cho Djokovic. Đó là một sự bất công với nhiều người khác và tôi không thể hiểu tại sao nó lại xảy ra”.
Trong khi đó, tài khoản @craig mclennan chỉ trích gay gắt: “Djokovic được phép thi đấu ở Australian Open mà không cần tiêm vắc xin là một sự ô nhục. Tôi hy vọng anh ta không nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ người dân Úc... Hy vọng anh ta sẽ thua ngay trận thua đầu tiên để anh ta có thể về nhà càng sớm càng tốt”.
Hiện tại Djokovic vẫn chưa được điền tên vào danh sách bốc thăm phân nhánh Australian Open. Nguyên nhân là hiện vẫn chưa rõ tay vợt người Serbia có được nhập cảnh vào xứ sở chuột túi hay không. Thủ tướng Australia Scott Morrison thậm chí còn cảnh báo sẽ trục xuất Nole khỏi đất nước của ông nếu anh không đủ điều kiện miễn trừ y tế.
Được biết, điều kiện được miễn trừ y tế bao gồm: Viêm tim trong vòng ba tháng gần nhất, phẫu thuật hoặc nhập viện vì bệnh hiểm nghèo, nhiễm Covid-19 trong sáu tháng gần nhất, bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào khi tiêm vắc xin Covid-19 trong quá khứ, rối loạn phát triển cơ bản hoặc rối loạn sức khỏe tâm thần.
Morrison nói: “Bất kỳ cá nhân nào tìm cách nhập cảnh vào Australia đều phải tuân thủ các quy định của chúng tôi. Novak phải làm như vậy bởi vì nếu anh ta không tiêm vắc xin, anh ta phải cung cấp bằng chứng có thể chấp nhận được rằng anh ta không thể tiêm vắc xin vì lý do y tế và để có thể được hưởng quyền lợi giống như những khách du lịch đã tiêm chủng đầy đủ.
Chúng tôi chờ đợi phần trình bày của anh ta và những bằng chứng anh ta cung cấp để hỗ trợ điều đó. Nếu bằng chứng đó không đủ, anh ta sẽ không được đối xử khác biệt với bất kỳ ai và sẽ lên chuyến bay rời khỏi đây. Không có ưu ái đặc biệt nào dành cho Novak”.
Về phía mình, ban tổ chức Australian Open khẳng định Djokovic không được hưởng lợi từ bất kỳ ưu ái đặc biệt nào sau khi tay vợt người Serbia được miễn trừ y tế. Tất cả các tay vợt và nhân viên tại Australian Open phải có giấy xác nhận đã tiêm vắc xin hoặc được ban chuyên gia y tế cấp quyền miễn trừ. Craig Tiley, Giám đốc Australian Open, còn tiết lộ rằng có 26 tay vợt chưa tiêm vắc xin đã nộp đơn xin miễn trừ y tế.
“Chúng tôi đã làm chặt chẽ hơn cho bất kỳ ai nộp đơn đăng ký xin miễn trừ y tế để đảm bảo đây là quy trình đúng và đảm bảo các chuyên gia y tế giải quyết vấn đề một cách công tâm. Không có sự ưu ái đặc biệt nào dành cho Novak Djokovic hay bất kỳ tay vợt nào”, Craig Tiley nói.
Novak đã giành được 9 danh hiệu Australian Open kể từ năm 2008 và 8 lần lên ngôi tại giải đấu này kể từ năm 2011, và vô địch cả 3 năm liên tiếp gần nhất.
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao - Tin tennis) Tây Ban Nha và Ba Lan sẽ chạm trán nhau ở bán kết ATP Cup 2022.