Trận đấu nổi bật

bolelli-va-vavassori-vs-krawietz-va-puetz
Nitto ATP Finals
S. Bolelli & A. Vavassori
0
T. Puetz & K. Krawietz
2
alexander-vs-casper
Nitto ATP Finals
Alexander Zverev
2
Casper Ruud
0
koolhof-va-mektic-vs-heliovaara-va-patten
Nitto ATP Finals
N. Mektic & W. Koolhof
-
H. Patten & H. Heliovaara
-
taylor-vs-alex
Nitto ATP Finals
Taylor Fritz
-
Alex De Minaur
-
granollers-va-zeballos-vs-purcell-va-thompson
Nitto ATP Finals
M. Granollers & H. Zeballos
-
M. Purcell & J. Thompson
-
jannik-vs-daniil
Nitto ATP Finals
Jannik Sinner
-
Daniil Medvedev
-

Top 3 và khoảng trống Federer

Top những tay vợt hàng đầu của hàng đầu thế giới vẫn còn Nadal, Djokovic, Murray nhưng không còn Federer và cũng chưa thấy sự thay thế tiềm tàng.

Khái niệm top 4 không mới. Nó là nhóm của các tay vợt đỉnh cao nhất trong số đỉnh cao.

Top 4 thậm chí được tách biệt so với phần còn lại trong nhóm 10 tay vợt hàng đầu bởi một khoảng cách nhất định về đẳng cấp.

Đẳng cấp ấy có thể được tạo dựng bởi thành tích, mà quan trọng nhất ở hệ thống Grand Slam. Nhưng thành tích kiểu vô địch US Open một lần rồi chưa thể vào tới trận chung kết Grand Slam nào nữa trong suốt bốn năm qua như Juan Martin Del Potro lại chưa đủ.   

Đẳng cấp ấy bắt buộc phải có sự ổn định, mà việc bốn Grand Slam liên tiếp (tới trước US Open) đều vào đến chung kết của Murray gần đây là chuẩn mực, hay ít nhất, nó cũng được xây đắp bằng việc anh có bốn lần khác vào tới trận cuối cùng dù chưa vô địch lần nào. Thất bại ở tứ kết của Murray tại Arthur Ashe là đòn đau, nhưng nền tảng thể lực và khát vọng hoàn thiện của anh vẫn đủ để anh là một chuyên gia của những trận đấu 5 set, thậm chí chiếm ưu thế so với Djokovic.

Đẳng cấp ấy là như Djokovic, người đã có sáu danh hiệu Grand Slam, trở thành tay vợt đầu tiên trong lịch sử vô địch Australian Open ba năm liền, rồi mới nới rộng chuỗi trận bán kết Grand Slam liên tiếp lên con số 14, trong đó có 7 trận bán kết US Open không ngắt quãng.

Đẳng cấp ấy là Nadal với thành tích suốt chín năm qua đều giành ít nhất một Grand Slam, là kỷ lục tám vương miện Roland Garros, là đã từng giành ba Grand Slam trong một năm, và con số 13 danh hiệu Grand Slam đầy ấn tượng khi mới 27 tuổi.

Và đẳng cấp ấy là Federer với biết bao kỷ lục minh chứng sự ngự trị trên đỉnh cao, bề dày thành tích của một huyền thọai như 36 trận tứ kết liên tiếp, 23 trận bán kết liên tiếp ở các giải Grand Slam. Và Federer cũng như Nadal, giành 13 Grand Slam ở tuổi 27, luôn là ứng viên số 1 cho chức vô địch của tất cả các giải (ngoại trừ Roland Garros) trong suốt quãng thời gian kéo dài 6 năm (2003 -2009).

Top 3 và khoảng trống Federer - 1

Đẳng cấp của "Big Four" được tạo dựng bởi thành tích ở Grand Slam

Vĩnh biệt Top 4 nhé, Federer!

Nhưng người vĩ đại nhất trong nhóm đỉnh cao của đỉnh cao nói trên đã bị đánh bật ra khỏi Top 4.

Federer không còn là ứng viên vô địch ở các giải đấu anh tham dự, kể cả khi đó chỉ là Masters 1000 và đôi khi là ATP 500.

Đặc biệt, các kết quả trong năm 2013 đã chứng minh sự bật bãi của Federer là phũ phàng nhưng không thể chối bỏ. Anh không thể lọt vào trận chung kết nào của bốn Grand Slam trong năm, bị loại trước vòng tứ kết ở US Open và Wimbledon - hai giải diễn ra trên mặt sân ưa thích nhất.

Đến một người chân chỉ hạt bột như David Ferrer còn làm được nhiều hơn thế, khi tay vợt hiện đang đứng thứ 4 thế giới đã vào tới trận chung kết Roland Garros 2013.

Hay đánh bại được Federer giờ đây không chỉ là những người trong top 4, cũng không còn giới hạn phải trong top 10 hay 20. Có thể đó là những tay vợt nằm ngoài top 100 như Stakhovsky, hay mấp mé 100 như Daniel Brands.

Và rõ ràng, không thể xếp một tay vợt chỉ giành nổi một danh hiệu vô địch ATP 250 kể từ đầu năm vào nhóm những tay vợt hàng đầu của hàng đầu được nữa.

Có thể Federer vẫn đủ sức và đủ tài để giành thêm một Grand Slam nữa (nhiều người hy vọng thế), nhưng để đạt được sự ổn định rồi trở lại như một đối cực thực sự với Nadal, Djokovic và Murray là không thể. Khả dĩ nhất chỉ là bước lại con đường của Pete Sampras cách nay mười năm: Huyền thoại Mỹ vô địch Grand Slam cuối cùng khi đứng thứ 17 thế giới.

Bởi thất bại ở Australian Open có thể được lý giải bởi anh thiếu sự chuẩn bị, và lúc ấy lại mới no nê thành tích khi vô địch Wimbledon 2012 để giành Grand Slam thứ 17 trong sự nghiệp. Rồi thua ở Roland Garros là điều đương nhiên khi lãnh địa ấy thuộc về kẻ khác.

Nhưng đến Wimbledon và đặc biệt là US Open, Federer cho thấy những điểm yếu chí mạng khác bên cạnh sự già cỗi do tuổi tác: Thiếu sự điều chỉnh chiến thuật trước các đối thủ khác nhau. Ba năm qua, Federer vẫn có những thay đổi nhỏ trong các trận đấu của mình tùy theo từng thời điểm, nhưng quá ít: Chỉ là lên lưới nhiều hơn một chút, hoặc anh cố gắng trả giao bóng bằng cú bung trái ngay thay vì thường xuyên cắt bóng (khi gặp Nadal). Trận thua Robredo ở vòng 4 US Open 2013 là điển hình cho sự đơn điệu trong lối đánh (dù lối đánh ấy đã làm nên huyền thoại bất tử).

Top 3 và khoảng trống Federer - 2

Federer đang mất phương hướng

Ai thay Federer, hay chìa khóa thành công của tennis hiện đại?

Suất chơi bán kết của Federer và Murray ở US Open thuộc về Wawrinka và Gasquet. Đó đồng thời là đỉnh cao của sự nghiệp của cả hai tại US Open nói riêng và Grand Slam nói chung.

Gasquet nổi trội với cú trái một tay có độ xoáy cao và góc mở rất rộng. Wawrinka phong phú, đa dạng và cũng ấn tượng hơn bởi ngoài cú trái một tay có sức nặng đáng kể thì anh có cú thuận tay chuẩn mực và lối chơi toàn sân với xu hướng lên lưới dứt điểm.

Họ cùng nằm trong top 10 (Wawrinka số 10, còn Gasquet số 8), và có thể hiện diện ở đó trong một thời gian dài nữa bởi sự khác biệt về trình độ và đẳng cấp so với các tay vợt còn lại trong top 30 thế giới. 

Nhưng giống như các tay vợt khác trong top 10, kể cả nhà vô địch US Open 2009 Juan Martin Del Potro, họ không hoặc chưa hội tụ đủ các yếu tố cần thiết để đạt sự ổn định cũng như để làm nên các chiến thắng mang tính lịch sử trước những thách thức thực sự.

Wawrinka đã chỉ thua Djokovic sau năm set sau khi đã dẫn 2-1 sau ba set đầu. Kết quả ấy tạo cảm giác nuối tiếc tràn ngập. Nhưng, nếu có cho trận đấu ấy được đánh lại, Wawrinka vẫn sẽ là kẻ thất bại. Vì một lẽ rất giản đơn: anh thua xa so với Djokovic về khía cạnh thể lực.

Đáng tiếc là gần tám tháng sau trận đấu xuất sắc và cũng dồn Djokovic tới set thứ năm (vòng bốn Australia Open), Wawrinka không cải thiện được gì về sức bền, độ dẻo dai. Rõ ràng tay vợt người Thụy Sĩ chưa đủ khả năng để đương đầu với những trận đấu vắt sức và vắt trí ở Grand Slam.

Thế nên, Wawrinka, nay 28 tuổi, dù đã lần đầu tiên đi xa hơn Federer ở một kỳ US Open, nhưng anh sẽ không thể vươn tới đỉnh cao của top 4 chứ chưa nói tới việc thay thế Federer.

Còn Gasquet, anh đã quật ngã David Ferrer. Đó là trận đấu mang tính biểu tượng, như một sự khẳng định rằng việc tay vợt người Tây Ban Nha nay cũng 31 tuổi có thể có vị trí trong top hàng đầu là không thể.

Nhưng bản thân Gasquet lại không đủ sức để vươn lên một đẳng cấp cao hơn. Với anh, đứng cùng với hàng ngũ các tay vợt như Berdych, Tsonga, Del Potro đã là một bước tiến ngoạn mục.

Điểm yếu lớn nhất của Gasquet ngoài nền tảng thể lực, còn phạm phải sự đòi hỏi bắt buộc phải có của một nhà vô địch tennis hiện đại: lấy cú thuận tay làm vũ khí chủ chốt. Điểm mạnh nhất của Gasquet giờ đây là cú trái, trong khi cú phải của anh lại gần như chỉ để cài bóng.

John McEnroe, một trong những huyền thoại tennis Mỹ và thế giới, khi ngồi làm BLV của ESPN và CBS đã nói rằng, kỹ thuật quan trọng nhất của tennis ngày nay là cú thuận tay ở cự ly ngắn.

Nó không phải là một cú "penalty" khi bóng nảy cao ở trong sân để thoải mái đè bóng dứt điểm, mà là cú thuận tay xử lý với độ xoáy nhiều nhằm vừa tạo độ an toàn trong khi vẫn có thể hướng tới góc đánh khó để tạo ra cú ăn điểm ngay sau khi giao bóng.

Nó gần giống với cách đánh tốc hành của Federer trước kia, khi anh serve và dứt điểm cực nhanh ở lần chạm bóng tiếp theo, và cách chơi của Nadal hiện nay được John McEnroe cũng như Brad Gilbert (tác giả cuốn "Thắng xấu trong tennis") coi là chuẩn mực. Nadal xử lý bóng ngắn, bóng thấp ở trong sân cực tốt nhờ độ xoáy của cú thuận tay để xây dựng nên từng đường bóng dứt điểm.

Top 3 và khoảng trống Federer - 3 

Gasquet hay Wawrinka chưa tiệm cận được với top đầu

25 tuổi... vẫn trẻ?

Khi Federer vô địch Grand Slam đầu tiên (Wimby 2003), anh 22 tuổi. Khi Djokovic vô địch Australian Open 2008, anh mới 21 tuổi. Nadal thậm chí còn sớm hơn: Vô địch Roland Garros khi mới 19.

Tennis hôm nay không còn những tài năng trẻ đủ sức làm như thế nữa. Khi Lukas Rosol tạo nên cơn địa chấn hạ Nadal ở Wimby 2012, có người tự hỏi: Một nhà vô địch tương lai đây chăng? Không, Rosol khi đó đã 27 rồi. Và cũng chỉ được một trận.

Điều tương tự xảy ra với hiện tượng Darcis (Bỉ), cũng hạ Nadal ở Wimby năm nay, vẻ ngoài nhìn trẻ, nhưng chẳng ai kỳ vọng vào người đã 29 tuổi!

Rồi Stakhovsky, kẻ hạ gục Federer cùng giải đấu, cũng 27 tuổi. Tay vợt người Ukraina đã từng được coi là tiềm năng thật, khi từng vào tới chung kết US Open 2004 với Murray ở nội dung trẻ (từ 18 tuổi trở xuống). Nhưng tám năm tiếp theo anh trở nên tầm thường.

Nói tới thế hệ trẻ tiềm năng của tennis ngày nay có Milos Raonic, Dimitrov và Janowicz. Nhưng người trẻ nhất cũng sinh năm 1991 (Dimitrov), còn lại sinh năm 1990.

Top 3 và khoảng trống Federer - 4

Những tài năng trẻ chưa có nhiều sự đột phá

Cả ba đều chưa đạt tới đẳng cấp thực sự của một tay vợt trong top 10. Dù Raonic mới đạt tới cột mốc đó hồi tháng trước, nhưng anh chưa bao giờ đi xa hơn vòng 4 Grand Slam.

Janowicz có thừa sức khỏe, mà thiếu đầu óc, chỉ biết cậy vào hai cú giao bóng và thuận tay.

Dimitrov có sự toàn diện về kỹ chiến thuật nhưng lại đặc biệt hạn chế về thể lực, đó là chưa kể tới việc để chuyện bên ngoài sân cỏ chi phối quá sớm và quá nhiều.  

Hụt hẫng Top 3

Top 4 là sự chuẩn mực nếu nhìn từ các kết quả bốc thăm lẫn kết quả thực tế ở các giải Grand Slam. Họ được chia đều vào hai nhánh, để rồi thường như kỳ vọng, bốn tay vợt đỉnh cao vào tới bán kết.

Top 3 sẽ khiến cho cuộc đấu nhiều khi mang tính may rủi (ít nhất là lý thuyết). Như hiện nay, nhánh bốc thăm nào có số 4 Ferrer đều được coi là may mắn. Còn Nadal hoặc Djokvic có Murray đón chờ ở bán kết là thử thách (thậm chí cả từ khía cạnh thể lực nếu phải đánh bán kết năm set).

Không còn Federer trong top 4 là tiếc nuối. Chưa có ai lấp vào chỗ trống ấy là nỗi đau!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN