Tổ chức SEA Games 31 tại Hà Nội sẽ tiết kiệm
Lãnh đạo Tổng cục TDTT khẳng định, Đại hội thể thao Đông Nam Á nếu tổ chức tại Hà Nội sẽ tiết kiệm được chi phí, giãn sức dân trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn.
Tiết kiệm hơn do có sẵn cơ sở vật chất
Ngày 3/7, Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ VH-TT&DL được tổ chức tại Hà Nội. Báo cáo về công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 diễn ra năm 2021, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT đang xây dựng đề án đăng cai SEA Games 31 tại Việt Nam.
Để xây một khu liên hợp thể thao tại TPHCM như sân Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước cần khoảng 100 triệu USD. Ảnh: VSI
“Bộ VH-TT&DL vẫn đang xây dựng song song 2 đề án. Nhưng tổ chức tại Hà Nội sẽ tiết kiệm hơn do nơi đây đã có sẵn cơ sở vật chất. Nếu tổ chức tại TPHCM, chúng ta sẽ phải xây thêm nhiều sân vận động đáp ứng được tiêu chuẩn, rồi trường bắn…”. |
Theo ông Vương Bích Thắng, dự kiến SEA Games 31 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Lý do, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, SEA Games 31 sẽ không xây mới cơ sở vật chất mà tận dụng các công trình hiện có để tiết kiệm chi phí.
Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm bởi số tiền tổ chức SEA Games dự kiến có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngay khi có thông tin Việt Nam được Liên đoàn thể thao Đông Nam Á “ướm” đăng cai SEA Games 31, một số ý kiến đã muốn “kéo” về TPHCM, bất chấp việc tổ chức tại đây có thể khiến chi phí đội lên nhiều lần.
“Hiện tại chúng tôi chưa chốt sẽ tổ chức SEA Games 2021 tại Hà Nội hay TPHCM. Bộ VH-TT&DL vẫn đang xây dựng song song 2 đề án. Nhưng tổ chức tại Hà Nội sẽ tiết kiệm hơn do nơi đây đã có sẵn cơ sở vật chất.
Nếu tổ chức tại TPHCM, chúng ta sẽ phải xây thêm nhiều sân vận động đáp ứng được tiêu chuẩn, rồi trường bắn…”-ông Vương Bích Thắng cho biết. Cũng theo ông Vương Bích Thắng, dự kiến vào cuối tháng 7 này đề án đăng cai SEA Games 31 sẽ được hoàn thiện để trình Bộ VH-TT&DL. Bộ VH-TT&DL sau đó sẽ xin ý kiến các bộ, ngành liên quan rồi trình Chính phủ trước khi xin ý kiến Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết, tại cuộc họp Liên đoàn thể thao Đông Nam Á vào tháng 4/2016, Việt Nam sẽ chính thức có ý kiến về việc đăng cai SEA Games 31, nếu được Bộ Chính trị thông qua.
Ông Hoàng Tuấn Anh khẳng định đăng cai SEA Games là trách nhiệm của Việt Nam với bạn bè trong khu vực. Nếu Việt Nam đăng cai SEA Games 31 thì ngành thể thao sẽ nỗ lực để tổ chức thành công, để lại ấn tượng đẹp với bạn bè quốc tế.
Dự toán thấp để kéo SEA Games?
Trao đổi với Tiền Phong, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) Nguyễn Hồng Minh từng cho rằng, nếu để tiết kiệm thì tổ chức SEA Games 31 tại Hà Nội là phương án tốt nhất.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, chi phí tổ chức SEA Games 31 tại TPHCM theo ước tính của một số người vào khoảng 100 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng) là không khả thi. Ông Minh dẫn chứng là Việt Nam từng đăng cai SEA Games 22, con số phải bỏ ra khi đó lên tới 5.000 tỷ đồng.
Đối với việc tổ chức SEA Games 31 tại TPHCM, ông Minh cho rằng chỉ riêng việc xây dựng một sân vận động tiêu chuẩn như Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình và Khu liên hợp thể thao dưới nước, số tiền bỏ ra đã có thể lên tới 100 triệu USD.
Chia sẻ với Tiền Phong, một quan chức Ủy ban Olympic Việt Nam (đề nghị không nêu tên) thể hiện sự ngạc nhiên khi nhắc lại việc Việt Nam từng phản đối quyết liệt việc đăng cai ASIAD 18 với lý do tốn tiền dân (chi phí dự kiến khoảng 150 triệu USD), nhưng lại tỏ ra dễ dãi đối với con số dự toán 100 triệu USD đăng cai SEA Games 31, sự kiện thể thao chỉ mang tính khu vực.
“Tôi không muốn đặt vấn đề có chuyện tranh giành lợi ích ở đây hay không, nhưng khi đã nói là giữ sức dân thì quan điểm, quyết định đưa ra cần nhất quán”-quan chức trên cho biết.
Một số ý kiến khác trong ngành thể thao cho rằng, việc đưa ra con số dự toán 100 triệu USD nói trên chỉ nhằm để đưa SEA Games 31 về TPHCM.