Tình cờ và bất ngờ

Cho đến thời điểm này, có thể hai chiếc huy chương vàng được coi là bất ngờ của SEA Games thuộc về kình ngư nhỏ tuổi Lâm Quang Nhật và cô gái Phạm Thị Bình ở môn điền kinh. Sự tình cờ ấy khiến nhiều người bất ngờ về chuyện đầu tư của ngành thể thao Việt Nam.

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, niềm tự hào của môn bơi lội của thể thao Việt Nam đã thừa nhận: “Về số huy chương thì có thể coi là thành công nhưng nếu tính về thông số kỹ thuật, em và các thầy không nghĩ đây là thành công. Bởi lẽ, các thông số tập luyện của em tốt hơn”. Viên nói vậy cũng đúng bởi sau “cái tích” Ánh Viên ăn 50 con tôm và 1kg thịt bò mỗi bữa ăn trong kỳ tập huấn ở Florida – Mỹ, nhiều người mới biết, đến thời điểm này chỉ có Ánh Viên là được đầu tư tốt đến vậy. Những vận động viên khác dù ở các môn Olympic, đều không được hưởng sự đầu tư như Ánh Viên. Có buồn không khi đa phần những chiếc huy chương vàng ấy đều xuất phát từ những nỗ lực tự thân, bất ngờ ngay trong chính suy nghĩ của lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam.

Quay trở lại với môn điền kinh, dù hôm qua điền kinh giành thêm năm huy chương vàng nhưng với sự thất bại của các nhà đương kim vô địch ở các cự ly khác, điền kinh đã không thể hoàn thành chỉ tiêu có từ 10 – 12 huy chương vàng.

Tình cờ và bất ngờ - 1

Lâm Quang Nhật (đeo kính) được xem là một bất ngờ của thể thao Việt Nam. Ảnh: Lê Hà

Theo ông Lâm Quang Thành, trưởng đoàn thể thao Việt Nam – cho hay: “Thất bại của điền kinh là do công tác dự báo của chúng ta chỉ chú trọng đến Thái Lan”. Kỳ thật ngoài chuyện dòm ngó đối thủ, dường như chuyện đầu tư cho các vận động viên của ta rất kém.

Cụ thể, cô gái Phạm Thị Bình, người giải hạn cho điền kinh Việt Nam, tưởng đã là phế nhân khi cô bị bệnh tim và loay hoay không có kinh phí mổ. Mãi đến khi có những người hảo tâm giúp sức, cô mới được phẫu thuật và chuyên cần tập luyện trở lại với đôi chân trần hàng ngày dưới sức nóng của mặt đường.

Vũ Thị Hương, người được coi là niềm kiêu hãnh của điền kinh Việt Nam cũng vừa trở lại sau ca mổ u nang tử cung cách đây vài tháng (báo SGTT đã đăng tháng 7.2013). Vì đam mê, lòng nhiệt tình Hương đã tập luyện lại chỉ một tháng sau khi ca mổ hoàn thành. Vẫn biết, đó là chủ ý của Hương. Vẫn biết, đó là sự hy sinh của cô gái vàng môn điền kinh và thành tích của cô đáng được trân trọng đến dường nào. Theo lời Hương tâm sự, chỉ có gia đình cô là xót con mà cản thôi. Vũ Thị Hương vẫn được điền tên vào danh sách đoàn thể thao Việt Nam bởi người ta biết, cô có thể chạy và chạy tốt mà thôi.

Và cái tên nổi trội nhất ở môn bơi không phải là Ánh Viên, cũng không phải là Quý Phước. Tất nhiên, những thành công của họ vẫn rất đáng trân trọng. Nhưng, Ánh Viên hay Quý Phước đã được đầu tư từ trước, còn Lâm Quang Nhật, kình ngư 16 tuổi đoạt huy chương vàng 1.500m lại là sự bất ngờ hoàn toàn. Thậm chí, nhiều người trong đoàn thể thao còn bán tín bán nghi khi đọc tên và hỏi: “Có phải con ông Lâm Quang Thành trưởng đoàn hay không?”

Cậu bé ấy không có tôm, cũng chẳng có thịt bò trong mỗi bữa ăn. Nhật đến với huy chương vàng SEA Games môn bơi lội chỉ nhờ sự đam mê và sự nhẫn nại của người thân trong gia đình hàng ngày đưa cậu đến hồ để tập. Lâm Quang Nhật không nằm trong tính toán có huy chương của các quan chức ngành thể thao bởi kỳ thật, họ chỉ coi việc đưa Nhật đi thi như một cơ hội cọ xát. Chỉ là tình cờ có huy chương, hỏi thử có bất ngờ với cách quản lý hay không?

Ngành thể thao nếu chỉ trông đợi vào sự tình cờ thì... bất ngờ thật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thảo Du (sgtt.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN