Tiêu sư với giang hồ: Dòng nước lạ trong biển học võ thuật
Tiêu sư phải thành thạo công phu võ nghệ trên đất và công phu dưới nước, tinh thông quyền cước, khí giới, thuật cưỡi ngựa, chèo thuyền, giỏi dùng ám khí… để hoàn thành nhiệm vụ cũng như bảo vệ tính mạng của mình.
Thời nào cũng vậy, tự cổ chí kim trong xã hội luôn có những người du đãng thành tật, cũng có những người do cuộc sống o ép, lao vào con đường trộm cắp, cướp bóc tạo nên sự nhức nhối trong xã hội.
Từ đời Hán, Đường do chiến tranh, loạn lạc liên miên nên bách tính lâm vào cảnh lầm than, nheo nhóc, trong xã hội nhan nhản trộm cướp, những kẻ du thủ du thực hay những kẻ từng gây án, trốn truy nã của chính quyền tụ tập, kéo bè đảng ở những địa thế núi non, rừng rú hiểm trở tổ chức cướp bóc của dân lành cũng như các nhà buôn.
Lẽ dĩ nhiên, những người cần vận chuyển hàng hoá, của cải từ vùng này đến vùng khác phải thuê người biết võ nghệ bảo vệ.
Hầu hết những tiểu thuyết nổi tiếng nói về võ lâm giang hồ của Trung Hoa đều được dựng thành phim với sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng
Ban đầu, một số người biết võ trú trong quán trọ đợi khách thương đến thuê mướn, đó là sự mở đầu cho nghề bảo tiêu. Về sau việc buôn bán ngày càng thịnh vượng dần hình thành những thương hội, nghiệp đoàn đi theo những chuyến hàng lớn, đông người nhằm dễ bảo vệ lẫn nhau, việc thuê mướn bảo tiêu ngày càng nhiều, càng cần kíp.
Từ đó Bảo tiêu cục ra đời, thu nhận nhiều võ sư về làm việc dưới sự quản lý, sắp đặt công việc của một Tổng Tiêu đầu. Mỗi Tiêu cục có tên hiệu (tiêu hiệu), cờ hiệu (tiêu kỳ), sắm sửa xe kiệu dùng chở đồ vật (xa tiêu), hoạt động bảo vệ hàng hoá rất chuyên nghiệp.
Tiêu sư (hay phiêu sư) là cách gọi một tầng lớp người trong xã hội phong kiến Trung Hoa làm nghề áp tải, bảo vệ hàng hoá cho các nhà buôn đường dài trên khắp các tuyến đường bộ, đường biển. Khi nhận lời tham gia áp tải hàng, đồng nghĩa với việc các tiêu sư đã đặt tính mạng mình vào đó. |
Đa số các tiêu sư đều là đệ tử của một võ sư có danh tiếng đứng ra mở Tiêu cục, như vậy để họ đoàn kết gắn bó hơn, trách nhiệm với công việc hơn thông qua những nội quy ngặt nghèo của sư môn.
Tiêu sư trong Tiêu cục nói chung phải thành thạo công phu võ nghệ trên đất và công phu dưới nước, tinh thông quyền cước, khí giới, thuật cưỡi ngựa, chèo thuyền, giỏi dùng ám khí… để hoàn thành nhiệm vụ cũng như bảo vệ tính mạng của mình. Một điều đặc biệt quan trọng là tiêu sư phải thông thạo quy củ trên giang hồ, nếu không sẽ bị phiền hà ngay. Bôn tẩu trên giang hồ, đi lại ăn ở, từ lời nói đến cử chỉ phải theo đúng luật ngầm của giang hồ.
Ví như đến bến thuyền lạ, vùng đất lạ bái kiến bất cứ “đại gia” nào đó của địa phương, trước hết phải nói một tràng tiếng lóng giang hồ, tay cầm danh thiếp tên đại gia theo thức “hải để lạo nguyệt” (đáy biển mò trăng). Đối phương cũng dùng tiếng lóng đáp lại, quyền phải đặt trên cánh tay trái, trong vào đó có thể biết được địa vị thấp cao ra sao.
Người trong võ lâm giang hồ sùng bái nghĩa khí, chỉ quen cướp của người giàu
Sự sản sinh và phát triển của tiếng lóng có quan hệ chặt chẽ với bang hội, Tiêu cục, nhất là giai đoạn đời Minh-Thanh nối nhau, Tiêu cục mọc ra như rừng, bang hội nở rộ như nấm thì tiếng lóng phát triển càng rộng, càng nhanh và đa dạng. Các bang hội khác nhau muốn để tiện liên lạc với nhau cũng tự hình thành nên những hệ tiếng lóng riêng nhằm bảo mật các giao dịch.
Người trong võ lâm giang hồ sùng bái nghĩa khí, chỉ quen cướp của người giàu chia cho người nghèo vốn không hiềm oán gì với các tiêu sư, trước khi hai bên phát sinh xung đột trước hết hãy tuôn ra một tràng tiếng lóng, sau đó làm lễ chào “anh hùng trọng anh hùng” nhằm dò xem đối phương là đệ tử môn phái nào? Tiêu cục nào?...
Sau những lần chạm trán như vậy, tiêu sư cũng thường có phần lễ mọn biếu các hảo hán để họ hành hiệp trượng nghĩa, lẽ tất nhiên các hảo hán đa tạ thịnh tình và hứa sẽ đáp trả khi có dịp. Điều đó tạo nên nét đẹp mã thượng của những người trong giang hồ.
Tiêu sư và giang hồ qua đó có mối quan hệ đặc biệt. Khi các tiêu sư và khách hành hiệp giang hồ hay các cao thủ tại địa phương mà đoàn bảo tiêu đi qua, họ cũng thường trao đổi quy ước, giao lưu võ thuật, tạo nên sự hoà trộn nhiều màu sắc cho nền võ thuật nói chung. Chính mối quan hệ này đã hình thành nên một thứ “Văn hoá tiêu sư” như dòng nước lạ trong biển học võ thuật.