Tiến Minh không biết tiêu tiền
Mới lĩnh thưởng 7.000 USD cho chức Vô địch Giải Mỹ mở rộng, Tiến Minh lại vừa được một CLB Ấn Độ “đấu giá” 44.000 USD cho 2 tuần dự giải VĐQG. Suốt 4 năm qua, anh chính là VĐV Việt Nam có thu nhập cao nhất và có lẽ còn giữ vị trí này vài năm tới. Tuy nhiên, tỷ phú thể thao này lại không hề biết tiêu tiền, theo đúng nghĩa đen.
Không bia rượu, thuốc lá và cả... tiêu tiền
Thật khó tin khi mọi khoản thu nhập Tiến Minh đều gửi mẹ, chỉ giữ lại một khoản nhỏ để tiêu vặt. Thu nhập đều đặn cả trăm triệu đồng mỗi tháng nhưng có khi cả 30 ngày, chàng trai Sài Thành này chỉ tốn có vài trăm ngàn đồng, hay nhiều lắm cũng khoảng 1 triệu cho nhu cầu cá nhân.
Nói hảo thủ Việt Nam không biết tiêu tiền có lẽ hoàn toàn đúng về nghĩa đen, xuất phát từ quan niệm và lối sống lành mạnh, giản dị đến mức phần nào đó bị coi là khắc khổ, lạ lẫm, nhất là so với thú ăn chơi của hàng loạt “ông sao” bóng đá hay các môn thể thao khác.
Tiến Minh không hề uống rượu bia và thuốc lá càng tuyệt đối không. Mỗi dịp đi ăn nhà hàng hay dự tiệc cùng gia đình, đồng đội ở trong và ngoài nước, đồ uống duy nhất của anh là nước lọc. Anh cũng chưa một lần biết đến quán bar, vũ trường, hay mua sắm những món đồ đắt giá.
Tiến Minh không biết tiêu tiền theo đúng nghĩa đen
Khoản đầu tư lớn nhất mà anh dành riêng cho mình chỉ là bộ dàn âm thanh và dàn máy công nghệ cao, vừa thỏa mãn sở thích vừa phục vụ cho việc giải trí, nghỉ ngơi sau những ngày tập luyện miệt mài, các giải đấu quốc tế đầy áp lực.
Có phần ngờ nghệch với chuyện tiêu tiền song rất thú vị là tuyển thủ có dáng vẻ thư sinh này lại có ý thức rất cao về chuyện thu nhập, tài chính đúng phong cách chuyên nghiệp. Sau thất bại tại Olympic 2012 mà nhiều người lo ngại anh có thể chia tay thảm đấu, tay vợt đang xếp hạng 7 thế giới này đã cam kết sẽ tiếp tục gắn bó với cầu lông Việt Nam nhiều năm nữa. Trong đó, khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng cũng là một động lực quan trọng.
Công tử nhà giàu... vượt khó
Nói đến thể thao là phải nhắc đến hàng loạt ngôi sao vượt lên từ gian nan, nghèo khổ nhưng thực sự đến tay vợt sinh năm 1983 này (về sau có thêm kỳ thủ Lê Quang Liêm) mới có một mẫu hình đầu tiên đúng nghĩa “con nhà giàu vượt khó”.
Sinh trưởng trong một gia đình cả bố mẹ đều là doanh nhân tại TPHCM, cậu út Tiến Minh đến với cầu lông từ năm 10 tuổi, một sự gắn bó tưởng ngẫu nhiên mà như một định mệnh. Từ một tay vợt thiếu hụt bài bản, thể hình và thể lực hạn chế, nhưng với niềm đam mê, ý chí cực cao, tinh thần vượt khó vượt khổ trong suốt một thời gian dài, anh đã tạo nên bước đột phá thần kỳ để gia nhập nhóm các tay vợt hàng đầu thế giới. Tiến Minh từng có hơn 2 năm liên tục đứng trong Top 10, cao nhất từng vọt lên hạng 5 và hiện tại đang giữ vị trí thứ 7.
Trong suốt 20 năm gắn bó, chàng công tử bột này hầu như không bỏ ngày tập nào, với một lịch tập 2 buổi mỗi ngày đều đặn và nặng nhọc. Ngay cả dịp Tết Nguyên đán, anh cũng chỉ nghỉ đến chiều mùng 2 lại vác vợt ra sân.Ngoài chuyện mẫu mực trong tập luyện, thi đấu, lối sống, Tiến Minh không kêu ca và chẳng bao giờ nản chí. Trước mỗi thất bại, có thể buồn đến mức ở lì trong nhà vài ngày, song sau đó anh lại vào lao rèn tập như điên. Ít ai biết, là tài năng hiếm hoi của thể thao Việt đạt tới tầm cỡ hàng đầu thế giới nhưng mức lương “cứng” mà anh nhận được từ đơn vị chủ quản TP.HCM chỉ 7 triệu đồng mỗi tháng.
Nhiều năm qua, anh không có người đối luyện xứng tầm, chuyện thuê chuyên gia ngoại liên tục bị gián đoạn và hầu như “đơn thương độc mã” tại các giải đấu quốc tế...
Không phải ngẫu nhiên mà giới chuyên môn cầu lông cho rằng phải mất vài thập kỷ nữa vẫn khó có người thứ hai như Tiến Minh.