Tiến Minh: Chuyện bây giờ mới… kể (Bài 2)
Đam mê với nghề và vẫn đang duy trì phong độ để đứng trong top 10 thế giới ở môn thi Olympic như cầu lông, Nguyễn Tiến Minh đã nhiều lần trải qua những giây phút khó nói.
Sợ đi thi đấu vì cô đơn
Tiến Minh đã lý giải rằng có lẽ do lâu nay anh chỉ đi thi đấu một mình, không có giới truyền thông đồng hành, theo dõi, không có người bám sát để nói đúng quá trình thi đấu, nói đúng chuyên môn những trận thua, nên dư luận không hiểu và có cái nhìn khắt khe, chưa đúng về anh.
Tay vợt đang đứng thứ 6 thế giới nói, bây giờ anh sợ cái cảm giác đi thi đấu. “Đi thi đấu thì tôi dọn hành lý, rồi gọi taxi ra sân bay, ra đó làm thủ tục, rồi ngồi đợi, nghe nhạc, xem phim, rồi lên máy bay bay 5,6 tiếng, có khi mười mấy tiếng, lại nghe nhạc, xem phim. Đến nơi, lên xe buýt về khách sạn cũng chỉ biết nghe nhạc. Nhận phòng, tắm rửa, nằm nghỉ ngơi chút, đi ăn, quay lên phòng nằm nghỉ, rồi đi tập, rồi đi ăn, rồi về phòng ngủ. Đến ngày thi đấu thì ra sân, đấu xong lại quay về phòng nghỉ, chờ đấu tiếp. Và tất cả cũng chỉ một mình tôi. Nó cứ như thế, lặp đi, lặp lại suốt 10 năm nay. Nên tôi sợ lắm, vì cô đơn quá. Nhìn sang các đoàn bạn, họ đi 4,5 người, nào VĐV, HLV, cười nói rôm rả, đùa giỡn vui vẻ. Tôi thấy chạnh lòng và buồn. Nhưng cũng phải cố gắng, đó là công việc, là trách nhiệm mà mình đang gánh vác”, Tiến Minh tâm sự.
Tiến Minh cô đơn khi đi thi đấu
Và cô đơn cả trong cuộc sống
Nghe Tiến Minh tâm sự về cuộc sống ngoài sân cầu, tôi cảm nhận được sự cô đơn, tẻ nhạt trong cuộc sống của anh. Một tay vợt đẳng cấp thế giới, nhưng cái thế giới thực tại mà anh đối diện hàng ngày, lại là một thế giới dường như hiu quạnh, buồn chán.
Minh nói anh không có nhiều bạn thân, bạn thông thường thì nhiều nhưng giờ cũng chẳng thấy ai kiếm mình. Anh kể, ngày trước, bạn bè học chung trường rất nhiều, rồi những cuộc hẹn họp mặt, đám cưới, đám hỏi, thôi nôi, rồi lễ, tết….toàn rơi vào thời điểm anh đi thi đấu, tập huấn. Thế là bạn bè ngày càng thưa thớt dần, đến lúc chẳng còn ai rủ rê gì nữa. Có những lúc ở nhà, bạn bè kêu réo đi ăn này, ăn kia, khi Bình Thạnh, lúc quận 1…., nhưng đi tập cả ngày về quá mệt lại phải chạy xe đi quá xa. Rồi lại nghĩ đến buổi tập ngày mai, Minh lại thôi và từ chối. Dần dần cũng chẳng còn ai rủ.
Bạn gái lại càng là một “đề tài” khó nuốt đối với anh, bởi đi thi đấu quá nhiều áp lực, bị stress, đi tập luyện cả ngày mệt mỏi, lúc gặp nhau nhiều, nảy sinh những bất đồng, gây gổ…lại càng stress hơn. Thế nên không có đôi khi lại hay hơn. Vì thế mà giờ đây, anh vẫn một mình.
Người bạn thân của Tiến Minh sau buổi tập là chiếc máy vi tính
“Bạn thân” của Minh chỉ còn lại chiếc máy tính bàn với cấu hình khủng do anh tự lắp, dùng để xem phim, nghe nhạc, lên mạng xem tin tức. Rồi chiếc ipad và chiếc ti vi. Với Minh thế là đủ. Chuyện thi đấu và tập luyện đã ngốn hết thời gian vui chơi, giải trí của anh nên cái nhu cầu đó gần như chỉ còn là phụ. Minh tặc lưỡi: “Tôi không cảm nhận được tuổi trẻ vui chơi của mình trôi qua như thế nào như những người bạn cùng lứa, bởi tôi không có nó. Tôi chỉ biết thi đấu, tập luyện và về nhà. Vinh quang luôn phải trả giá rất đắt”.
Đôi khi, Minh thèm một món ăn ngon ngoài đường phố, nhưng anh đành nhẫn nhịn cho qua vì anh luôn phải tuân thủ đúng thực đơn dinh dưỡng được gia đình chuẩn bị sẵn ở nhà. Vì ăn ở ngoài, chẳng may thức ăn không tốt, bị đau bụng lại ảnh hưởng đến sức khỏe, đến việc tập luyện mà giải đấu thì liên tục không ngừng. Một điều may mắn cho Minh là từ trước đến giờ, anh chưa phải đi bệnh viện hay uống thuốc nhiều, nhưng sự thật là do chính bản thân anh luôn đặt cơ thể mình trong trạng thái tốt nhất từ ăn uống đến nghỉ ngơi, sinh hoạt.
Với Minh, những thành tích trong thi đấu là nguồn động viên lớn và là mục tiêu mà anh lấy đó làm niềm vui cuộc sống. Thỉnh thoảng, khi thấy những thông tin trên báo chí quốc tế về những đồng nghiệp của mình vừa đoạt huy chương ở một giải đấu nào đó, được thưởng rất lớn, hay được đích thân nguyên thủ quốc gia, hoàng thân….ra tận sân bay chào đón, mời vào hoàng cung tuyên dương, anh lại chạnh lòng. Nhưng chỉ sau đó không lâu, Minh lại tặc lưỡi cho qua và tiếp tục nghĩ đến những thành tích mới cho cầu lông nước nhà bởi với anh “thi đấu là trách nhiệm với đất nước, mọi người trân trọng những thành tích của mình là được”.
Cột mốc 2 năm nữa sẽ giải nghệ và trở thành HLV
Minh không hề giấu giếm suy nghĩ về việc giải nghệ của mình. Anh thẳng thắn: “Tôi vừa ký hợp đồng với Kawasaki với thời hạn 2 năm nên tôi sẽ cố gắng hoàn thành bản hợp đồng này xong, rồi tôi sẽ giải nghệ. Tuổi cũng không còn nhỏ, tôi phải xác định hướng đi cho tương lai của mình. Tôi phải dành dụm, tích lũy vốn liếng để sau này còn sống được giữa đất Sài Gòn này chứ”.
Bộ sưu tập huy chương trong sự nghiệp của Tiến Minh
Minh nói, anh mơ ước mua được một ngôi nhà riêng và lo được cho vợ, con sau này chính bằng cái nghề đi dạy cầu lông của mình. Anh không cần giàu có quá, chỉ cần đủ sống, miễn tinh thần được thoải mái. Ngay cả việc kinh doanh của gia đình anh cũng không muốn tiếp nối. “Tôi không thích kinh doanh buôn bán. Cạnh tranh, suy nghĩ nhiều rất mệt đầu, nhìn anh Hai tôi bạc hết tóc thì tôi cũng hiểu kinh doanh gian nan thế nào. Cả tuổi trẻ của tôi đã stress lắm rồi, áp lực lắm rồi, nên về sau này tôi muốn được thanh thản, sống bình yên với nghề đi dạy cầu lông là được. Nếu có, thì mở một cửa hàng bán đồ thể thao là đủ”.
Buổi trò chuyện của chúng tôi tạm dừng khi một nhân viên giao vé máy bay đến gặp Minh. Chiếc vé đó là cho chuyến thi đấu của anh đã có sẵn trong lịch. Tôi hẹn Minh một cuộc gặp khác khi trở về.
Minh đang trong vòng quay của các giải đấu anh tham dự năm 2013. Mọi kế hoạch của tương lai, anh tạm thời gác lại. Lúc này, Tiến Minh tiếp tục bay, thi đấu và gặt hái thành tích cho bản thân và đất nước trong 720 ngày còn lại.
* Tâm sự sau những pha cầu, Tiến Minh tiếp tục chia sẻ rất nhiều về chuyện nghề, chuyện đời. Đón xem Tiến Minh: Chuyện bây giờ mới… kể (Bài 3) vào lúc 7h sáng 3/10.