Thùy Linh và câu chuyện buồn của Tiến Minh 2.0
Sau Tiến Minh, Thùy Linh trở thành tay vợt tiếp theo của cầu lông Việt Nam đứng trước cơ hội vươn ra thế giới. Nhưng đằng sau từng chuyến đi nước ngoài, từng trận thắng và danh hiệu là nỗi cô đơn không biết chia sẻ cùng ai. Giống như người đàn anh Tiến Minh, Thùy Linh lại một mình bước tới mục tiêu trở thành VĐV nhà nghề đúng nghĩa.
Giới hạn của "ao làng"
Tháng 12/2021, Tiến Minh lên đường sang Tây Ban Nha dự giải cầu lông vô địch thế giới. Anh dừng lại ở vòng 1 sau trận khổ chiến kéo dài 3 set với tay vợt Đan Mạch Hans-Kristian Vittinghus. Một ngày sau khi trận đấu khép lại, Tiến Minh vui vẻ nói: "Nếu các tay vợt Việt Nam có điều kiện tập với Vittinghus hàng ngày thì họ sẽ tiến bộ nhanh lắm".
Phát biểu của Tiến Minh khi ấy có thể hơi nhạy cảm và gây hiểu nhầm, nhưng nó… không sai. Ít ngày sau, cũng tại giải đấu đó, Loh Kean Yew giành chức vô địch nội dung đơn nam. Anh trở thành tay vợt Singapore đầu tiên làm được điều này. Đáp án cho sự tiến bộ thần tốc của tay vợt Đảo quốc Sư tử đến từ chuyến tập huấn tại UAE.
Tháng 9/2021, Loh được tay vợt số 1 thế giới Viktor Axelsen mời đến Dubai, UAE để tham dự một khóa huấn luyện đặc biệt. Ngoài Loh, những người được tay vợt Đan Mạch ngỏ lời còn có Brian Yang, Felix Burestedt và Mathias Thyrri. Đây đều là những VĐV đơn nam nằm trong top 50 thế giới. Không chỉ có Loh, họ đều tiến bộ vượt bậc khi tập cùng Axelsen.
Với một tay vợt giỏi, cách tốt nhất để phát triển bản thân là trau dồi, cọ xát cùng những VĐV giỏi hơn. Đó là điều Loh Kean Yew đã chứng minh. Nhưng ở Việt Nam, việc tìm một tay vợt giỏi tập cùng là điều bất khả thi với những người như Tiến Minh và Thùy Linh. Trình độ của họ quá vượt trội so với phần còn lại.
Thùy Linh thường cô đơn khi du đấu nước ngoài.
Một số câu chuyện truyền miệng ở đội tuyển cầu lông Việt Nam kể khi còn ở thời kỳ đỉnh cao, Tiến Minh đủ sức đánh với 3 tay vợt hàng đầu Việt Nam phía bên kia lưới. Đó là sức mạnh thật sự của một VĐV từng vươn đến đẳng cấp thế giới. Nhưng cũng vì thế mà Tiến Minh hay những người đàn em thế hệ sau như Thùy Linh, Đức Phát không thể tiến xa hơn.
Những đoạn phim được đội tuyển cầu lông Việt Nam chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy bạn tập của Thùy Linh thường là những tay vợt nam. Với Đức Phát, VĐV thuộc đoàn Quân đội gần như không có đối tập ngang cơ, ngoại trừ Tiến Minh. Điều đó khiến Phát phải làm quen với việc tìm các tay vợt phong trào, thậm chí là học sinh, sinh viên để tập cùng.
Việc chỉ có các "quân xanh" kém hơn mình khiến Đức Phát giậm chân tại chỗ khá lâu sau khi vượt qua Tiến Minh ở các giải quốc nội. Ở kỳ SEA Games 31 vừa qua, cũng như nhiều giải đấu quốc tế khác, Đức Phát thường bị loại từ khá sớm. Ở một số trận đấu, tay vợt từng nằm trong top 200 thế giới thậm chí thua chóng vánh đối thủ xếp dưới mình 1-200 bậc.
Xuất ngoại - kinh phí đâu?
Sau khi đăng quang trên sân nhà với chức vô địch Vietnam Open, Thùy Linh lên đường sang Australia dự giải đấu ở cấp độ thấp hơn. Tiền thưởng của Linh đâu đó xấp xỉ 15000 USD, tưởng nhỏ nhưng hoá ra là… vô cùng nhỏ bé để san lấp chi phí bỏ ra.
Giải đấu tại nước ngoài tốn bao nhiêu tiền của Thùy Linh? Cô chắc chắn sẽ không nói chính xác con số, nhưng chúng ta có thể tìm hiểu thông qua chia sẻ của những tay vợt quốc tế. Một trong số những người hiếm hoi từng lên tiếng về thu nhập của một VĐV cầu lông là Goh Jin Wei, người vừa thua Thùy Linh ở chung kết Vietnam Open. "Nhiều tay vợt như tôi ra nước ngoài thi đấu theo diện tự túc", Goh nói. Cô liệt kê chi tiết các khoản chi gồm: Tiền đăng ký thi đấu, tiền làm visa, tiền xét nghiệm COVID-19, tiền vé máy bay, tiền thuê khách sạn, tiền ăn ở hàng ngày, tiền mua thẻ điện thoại, tiền căng vợt... Tính ra trong 2 tuần du đấu, một VĐV tiêu tốn khoảng 3.000 USD. Con số có thể lớn hơn nếu chuyến đi diễn ra tại châu Âu.
"Trung bình mỗi VĐV hàng năm thi đấu 15-20 giải ở nước ngoài, như vậy các bạn có thể ước tính du đấu tốn kém bao nhiêu tiền rồi", Goh chia sẻ thêm. Nếu không có các đơn vị tài trợ hay một CLB nào thực sự vững mạnh đứng sau, VĐV buộc phải bỏ tiền túi ra để đi thi đấu, với hy vọng tiền thưởng bù vào các khoản chi.
Cũng đừng quên rằng, kế hoạch của Linh bị “đổ bể” vì quá trình làm visa vào New Zealand gặp trục trặc và chỉ khi Linh lên tiếng trên trang cá nhân, tất cả mới hiểu rằng cô xin thị thực nhập cảnh mà không có nhiều hỗ trợ hành chính từ các cơ quan quản lý thể thao. Nói cách khác, chuyến du đấu lần này, và những chuyến sau của Thùy Linh đều đứng trước nguy cơ lỗ nặng. Oái oăm ở chỗ, Linh “muốn lỗ” cũng chưa chắc đã được vì những câu chuyện như ở New Zealand hoàn toàn có thể tái diễn nếu Linh, hay nói rộng ra là những VĐV đỉnh cao ở bộ môn cá nhân, không được quan tâm đúng mực.
Một vấn đề khác của những chuyến du đấu tự túc là VĐV thường phải đi một mình, không có ai chỉ dẫn. Đó là điều người hâm mộ có thể chứng kiến ở giải Vietnam Open vừa qua, khi một số VĐV nước ngoài đến dự giải mà không có HLV đi kèm. Các tay vợt Ấn Độ khắc phục tình trạng này bằng cách luân phiên làm HLV cho nhau khi không thi đấu.
Việc VĐV thi đấu không có HLV, hay VĐV làm HLV cho nhau chỉ là giải pháp tình thế khi du đấu theo kiểu "con nhà nghèo". Họ không thể điều chỉnh chiến thuật phù hợp khi không có người đứng bên ngoài quan sát và đưa ra lời khuyên. Nhưng trong hoàn cảnh một mình ra nước ngoài thi đấu cũng thu không đủ chi, những tay vợt như Thùy Linh chỉ có thể tiếp tục cố gắng với hy vọng mọi chuyện sẽ khá hơn trong tương lai.
Tiền thưởng của cầu lông phong trào cao hơn chuyên nghiệp Năm 2012, cộng đồng người hâm mộ cầu lông từng giật mình khi biết tin một doanh nghiệp trả Tiến Minh mức lương 30 triệu/tháng để thi đấu một giải phong trào ở địa phương cho doanh nghiệp đó. Ba tháng sau, đến lượt một doanh nghiệp tổ chức giải cầu lông phong trào tại Hà Nội trao phần thưởng lên tới 8000 USD cho mỗi tay vợt vô địch. Số tiền này còn lớn hơn tiền thưởng cho VĐV quốc tế ở các giải cầu lông nhà nghề. Việc cầu lông phong trào Việt Nam có tiền thưởng lớn hơn cầu lông chuyên nghiệp là một phần nguyên nhân khiến một số VĐV không mặn mà thi đấu quốc tế. Thay vì xuất ngoại với những chuyến du đấu tốn kém và thường bị loại sớm, họ chọn cách duy trì thi đấu 2-3 giải ở quy mô quốc gia mỗi năm. Việc có thành tích ở những giải đấu này trở thành cơ sở giúp họ thi đấu cho các đội phong trào với mức tiền thưởng cao. |
Cựu số 1 Việt Nam - Nguyễn Tiến Minh ở tuổi gần 40 vẫn thi đấu bền bỉ, bất chấp các đối thủ cùng thời như Lee Chong Wei, Lin Dan đã nhiều năm treo vợt.
Nguồn: [Link nguồn]