Thùy Linh, niềm hy vọng mới của cầu lông Việt Nam
Nguyễn Tiến Minh từng làm rạng danh nền cầu lông Việt Nam khi xếp hạng 4 thế giới vào năm 2010. Sau hơn 1 thập kỉ, Nguyễn Thùy Linh đang là tay vợt nối tiếp những bước đi lịch sử của huyền thoại một thời…
Thời của Thùy Linh đang tới
Hơn 1 thập kỉ trở lại đây, cầu lông Việt Nam không còn đạt nhiều thành tích nổi bật tại đấu trường quốc tế. Trong quãng thời gian ấy, giới cầu lông luôn đau đáu trong việc tìm kiếm nhân tài, tìm kiếm những măng non triển vọng có đủ đam mê, nhiệt huyết và tài năng để nối dõi hành trình lịch sử mà huyền thoại Nguyễn Tiến Minh từng làm cách đây 14 năm về trước. Đó là thời điểm mà tay vợt Việt Nam còn đứng ở vị trí thứ 4 thế giới.
Thùy Linh vừa giành ngôi á quân tại giải cầu lông mở rộng ở Đức.
Thực tế ngay cả khi đã bước sang tuổi tứ tuần, Nguyễn Tiến Minh vẫn chinh phục chức vô địch Cầu lông Quốc gia. “Cây trường sinh của cầu lông Việt Nam” đã đánh bại hàng loạt những măng non triển vọng của nền cầu lông Việt Nam như Hải Đăng, Tiến Tuân, Đức Phát,… để thống trị vị trí số 1. Mừng cho Tiến Minh song cũng cảm thấy lo lắng cho sự gối đầu thế hệ đối với cầu lông nước nhà.
Phải trong khoảng 3 năm trở lại đây, sự xuất hiện của Nguyễn Thùy Linh mới đem đến niềm hy vọng thật sự cho một cái tên đủ năng lực kế cận Tiến Minh. Cô gái này đã và đang trong hành trình vươn ra biển lớn, thể hiện ý chí, nghị lực và sự khát khao đưa nền cầu lông Việt Nam áp sát top đầu thế giới. Mới đây nhất, Thùy Linh đã mang lá cờ tổ quốc tung bay tại Berlin với danh hiệu Á quân giải cầu lông Đức mở rộng 2024.
2023 có lẽ là một năm ghi nhiều cột mốc trong sự nghiệp của Thùy Linh khi cô nàng sinh năm 1997 lần đầu tiên lọt vào top 20 bảng xếp hạng BWF của Liên đoàn cầu lông thế giới. Đáng chú ý, Thùy Linh đã có cơ hội đối đầu với tất cả những đối thủ nằm trong top 10 BXH BWF. Vào tháng 11/2023 tại giải Lining China Master, tay vợt quê Phú Thọ gây chấn động khi đánh bại top 5 thế giới Carolina Marin. Những tay vợt nằm trong top 10 thế giới như Tunjung (Indonesia) và Beiwen Zhang (Mỹ) cũng bị Thùy Linh đả bại ở giải đấu đó.
Huyền thoại Nguyễn Tiến Minh từng nói rằng: "Nếu các tay vợt Việt Nam có điều kiện tập luyện, thi đấu và cọ xát với những đối thủ đẳng cấp thế giới hàng ngày thì họ sẽ tiến bộ nhanh lắm". Kể từ nửa cuối năm 2023, Thùy Linh đã du đấu tại 11 giải đấu khác nhau trong phạm vi ngoài nước. Từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến các nước châu Âu như Pháp, Phần Lan, Đức và tiếp tục cuộc hành trình đến châu Mỹ như Canada, Mỹ… Điều đó giúp cô có sự tiến bộ chóng mặt trong quãng thời gian ngắn. Việc được cọ xát với những đối thủ hàng đầu thế giới một cách liên tục giúp Thùy Linh cải thiện được những kĩ năng mềm, thể lực, thể chất cũng như sức bền.
Mới cuối năm 2022, Thùy Linh đang còn loay hoay ở top 50 thế giới, nhưng sau 1 năm kinh qua hàng loạt châu lục, tham dự hàng chục giải đấu tầm cỡ quốc tế, sự tiến bộ của Thùy Linh đã giúp cô kết thúc năm 2023 bằng vị trí thứ 20 trên bảng xếp hạng BWF. Thành tích này cũng giúp Thùy Linh là tay vợt nữ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử chạm đến cột mốc top 20 thế giới. Trước đó người đàn chị Vũ Thị Trang chỉ xếp đến hạng 34 thế giới vào tháng 6/2017. Vị trí top 20 thế giúp cũng giúp Thùy Linh đủ điều kiện tham dự hầu hết các giải đấu cấp độ cao trong hệ thống của Liên đoàn Cầu lông thế giới.
Nghị lực, ý chí hun đúc niềm đam mê cầu lông của Thùy Linh.
Sang năm 2024, Thùy Linh đón cái Tết Giáp Thìn trong sự thất vọng cùng cực khi bị loại ngay từ vòng 1 của 2 giải đấu là Ấn Độ mở rộng và Indonesia Master. Tuy nhiên thất bại này không khiến tay vợt quê Phú Thọ nản chí, cô lập tức bắt tay vào tập luyện ngay từ mùng 3 tết để chuẩn bị cho chuyến du đấu dài ngày tại châu Âu. Thuỳ Linh sẽ tham dự các hệ thống giải của BWF World Tour Super từ Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ…
Như đã biết, Nguyễn Thùy Linh đã khởi đầu tour du đấu khá thuận lợi bằng ngôi vị Á quân giải Đức mở rộng 2024. Nơi cô đã đánh bại hàng loạt những tay vợt sừng sỏ của nền cầu lông thế giới như cựu top 1 BWF Ratchanok Intanon (hạt giống số 3) và Kim Ga-eun (hạt giống số 2).
Sau giải cầu lông Đức mở rộng 2024, tay vợt nữ số 1 Việt Nam dự các giải đấu tại Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha. Đặc biệt, Nguyễn Thùy Linh đã giành suất dự giải cầu lông hàng đầu thế giới - giải toàn Anh (All England Open Badminton Championships 2024, cấp độ BWF World Tour Super 1.000). Nếu thành công ở giải đấu này, cô sẽ tích nhiều điểm trên bảng xếp hạng cá nhân, bởi giải quy tụ tất cả tay vợt nhóm đầu thế giới dự tranh.
Sự thành công trên đất Đức sẽ là điểm khởi đầu cho chuỗi hành trình gian nan sắp tới của Thùy Linh tại các giải đấu sắp tới trong tour du đấu châu Âu. Nếu như đạt được kết quả cao, Thùy Linh sẽ tích lũy được số điểm đáng kể, qua đó có lợi thế lớn trong việc xếp hạt giống và bốc thăm chia nhánh tại Olympic Tokyo.
Ý chí, nghị lực, sự quyết tâm của Thùy Linh
Hầu hết những chuyến du đấu nước ngoài, Thùy Linh luôn đi theo diện tự túc mà không có sự xuất hiện của HLV, nhằm tiết kiệm chi phí đi lại, qua đó có thể tham dự nhiều giải đấu quốc tế sau này. Không chỉ thiệt thòi về mặt chuyên môn, Thùy Linh cũng phải tự túc về ăn, ở, di chuyển và làm thủ tục giải đấu. Đây là công việc lẽ ra sẽ thuộc về đội ngũ hậu cần.
Thùy Linh được mệnh danh là “hoa khôi cầu lông” của Việt Nam.
Mặc kệ những khó khăn, Nguyễn Thuỳ Linh luôn ra sân với tinh thần máu lửa, gan lì, không e sợ trước bất kỳ đối thủ nào. Lấy đà, bật cao, rồi sau đó tung ra những cú smash hiểm hóc và uy lực. Những khoảnh khắc ấy có thể là hình ảnh đại diện cho giá trị và vẻ đẹp đích thực của người phụ nữ Việt Nam. Dù có khó khăn đến mấy, Thùy Linh vẫn luôn biết cách vươn mình và để lại dấu ấn ở những giải đấu cô đặt chân đến.
Trước những điều không như ý trong cuộc sống, cần nhìn vào vấn đề và giải quyết chứ không phải khóc lóc, than phiền hay bực tức để rồi phải suy nghĩ nhiều và mọi thứ dần tệ đi. Đó là phương châm sống của Thùy Linh. Chính ý chí vượt khó đã giúp hoa khôi 26 tuổi trở nên ngày một hoàn hảo.
Một mình vượt qua khắp 5 châu 4 biển, tham dự hàng loạt giải đấu để tìm kiếm 1 chút hào quang. Thùy Linh phải đánh đổi thời gian, công sức, tình cảm, gia đình để đạt tham vọng đưa nền cầu lông Việt Nam áp sát top đầu thế giới. Sau những trận đấu, Thùy Linh cô đơn một mình trở về khách sạn. Khi chiến thắng, hay thất bại, cô cũng chẳng có ai để tản mạn, chia sẻ. Những thành tựu mà Thùy Linh đạt được trong quãng thời gian qua đã phải trả giá bằng nước mắt, sự chịu đựng và thương đau.
“Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, đây là thành ngữ luôn song hành cùng Thùy Linh trong mọi nẻo đường, và là kim chỉ nam trong cuộc sống thường nhật của cô. Nói về mục tiêu trong năm 2024, cô nàng quê Phú Thọ chia sẻ đầy quyết tâm.
"Em có rất nhiều ước mơ, gần nhất là cố gắng cải thiện thứ hạng của mình, cố gắng vào top 15 thế giới, và sẽ có huy chương ở các kỳ đại hội, làm nhiều điều có ích cho cộng đồng. Sắp tới, em sẽ tập trung để có thể giành được tấm vé dự Olympic, cố gắng để có thể là 1 trong 12 hạt giống ở Olympic và đó là mục tiêu và sự tập trung cao độ của em trong thời gian tới", Thùy Linh chia sẻ.
Tay vợt huyền thoại Nguyễn Tiến Minh từng khẳng định mình trên bản đồ cầu lông thế giới khi xếp hạng 4 thế giới vào tháng 4/2010. Giờ đây, khi anh đã ở bên kia dốc sự nghiệp, trong khi các tay vợt nam lứa sau này chưa để lại nhiều dấu ấn, Thùy Linh lại là cái tên được nền cầu lông Việt Nam đặt rất nhiều sự kì vọng. Hy vọng, hoa khôi 26 tuổi sẽ là cái tên nối dõi hành trình lịch sử của huyền thoại Nguyễn Tiến Minh, qua đó đem nền cầu lông Việt Nam làm rạng danh khắp năm châu.
Động lực từ ông ngoại
Trên báo giới, Thùy Linh từng tâm sự chính ông ngoại là người đã truyền cho cô niềm đam mê với cầu lông. Cô tâm sự: “Hồi còn nhỏ, sau những buổi chiều đi học về, ngày nào tôi cũng xin ông ngoại để được ra sân xem mọi người đánh cầu và mượn vợt của ông để tự tâng cầu một mình. Ông ngoại còn treo phần thưởng cho tôi là một ly chè nếu tâng cầu được càng nhiều cái càng tốt. Ông là người tác động lớn để tôi theo đuổi con đường chuyên nghiệp, sau đó tôi đã dần dần xin phép ông để được đi thi đấu ở các giải thành phố, tỉnh,…
Niềm đam mê của ông ngoại cũng là đam mê của tôi. Sinh thời, mong muốn lớn nhất của ông là được thấy tôi khoác lên mình chiếc áo tuyển cầu lông Việt Nam và cống hiến cho màu cờ sắc áo tổ quốc. Đến bây giờ tôi đã làm được và sẽ luôn cố gắng để ông ở trên cao nhìn xuống có thể tự hào về đứa cháu cưng”.
Thực tế, năm lên 11 tuổi, vì quá lo lắng cho tương lai bấp bênh của Thùy Linh, mẹ của cô từng gọi cô gái này trở về quê nhà Phú Thọ để tiếp tục việc học văn hóa thay vì theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp. “Tôi đã nghỉ chơi cầu lông khoảng 2 năm ở quãng thời gian này. Mẹ chỉ muốn tôi mặc váy và dịu dàng như những đứa con gái khác chứ không phải quần đùi áo số.
Nhưng tình yêu của tôi với cầu lông khi đó rất lớn, tôi thậm chí rất nhiều lần trốn học để đi đánh cầu. Tôi biết mẹ rất buồn khi biết việc đó và mẹ mắng tôi rất nhiều lần nhưng biết làm sao được vì tôi yêu cầu lông thật sự. Một thời gian sau tôi cũng đã nhờ ông ngoại thuyết phục mẹ để được theo đuổi con đường này”, Thùy Linh cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao, tin cầu lông) Di chuyển từ Đức sang Pháp, Hoa khôi cầu lông Thùy Linh bị thất lạc đồ đạc. Tin vui cho cầu lông Việt Nam khi Thùy Linh và đồng đội có HLV tài năng người Indonesia hỗ trợ tại Olympic.