Thư SEA Games: Vượt qua chính mình là chưa đủ
Có một nghịch lý của Thể thao Việt Nam tại SEA Games.
Chuyên gia lão làng Nguyễn Hồng Minh cho rằng Ánh Viên là một “hiện tượng kỳ thú” của thể thao Việt Nam. Đúng vậy, cô gái 17 tuổi này đã làm nên lịch sử khi trở thành tay bơi nữ đầu tiên của Việt Nam đoạt 2 HCV, phá kỷ lục đại hội ngay trong ngày đầu thi đấu. Nhưng những ngày thi đấu kế đó thì thì vấn đề không thể chỉ đơn giản là “vượt qua chính mình” mà còn phải “vượt qua đối thủ”. Hầu hết những nội dung thi đấu của mình, Ánh Viên đều vượt qua thành tích của chính mình, nhưng vượt qua đối thủ thì chưa. Ta tiến thì đối thủ cũng tiến và có khi họ tiến với tốc độ nhanh hơn ta.
“Tôi không ngờ là Fauzi tiến nhanh đến vậy”, câu nói của Hoàng Quý Phước sau khi thua VĐV người Indonesia ở nội dung 100 mét tự do đã phản ánh rất chính xác điều đó.
Nói Ánh Viên thành công sau 4 ngày thi đấu cũng đúng mà nói là thất bại cũng không sai. Còn có thể đòi hỏi gì hơn nơi một VĐV mới 17 tuổi mà hễ xuống nước là có huy chương? Tuy nhiên, với những người khắt khe hơn, việc Ánh Viên không đoạt được thêm HCV nào sau ngày đầu bùng nổ cũng đáng được xem là thất bại. Hoặc ít nhất, đó cũng là điều cần sớm rút kinh nghiệm cho những nội dung thi đấu còn lại.
Hoàng Quý Phước trải qua kỳ SEA Games buồn
Tuy nhiên, điều tôi “khoái” nhất là phát biểu của HLV Đặng Anh Tuấn sau ngày thi đấu thứ nhì của môn bơi, ngày mà không ít nhà báo cho là đáng thất vọng với Ánh Viên. Ông Tuấn cho rằng, huy chương màu gì không phải điều BHL xem là tuyệt đối quan trọng, mà quan trọng là “cách thể hiện và chỉ số chuyên môn cụ thể”. Đó chính là thái độ của một HLV chuyên nghiệp, dù thắng hay thua cũng luôn biết hướng đến tương lai.
Bơi khác hẳn karate hay thể hình ở chỗ cảm tính không ảnh hưởng đến chuyện phân định thắng thua. Thế thì tại sao, vẫn có chuyện Ánh Viên mất vàng ở nội dung 100 mét ngửa? Đó lại là một chuyện khác.
Một người am hiểu chuyên môn đã nói với tôi “khó mà kiện cáo thành công”, khi đoàn Việt Nam khiếu nại Li Tao phạm quy khi thi đấu. Lý do là nhiều các quan chức trong tiểu ban kỹ thuật môn bơi đều là người Singapore và rất có ảnh hưởng trong Liên đoàn Bơi lội Đông Nam Á. Do vậy, chẳng phải là bất ngờ khi họ chẳng màng xem xét khiếu nại của đoàn Việt Nam và cũng chẳng cần mất thì giờ để xem băng ghi hình mà ông Tuấn đưa ra như một bằng chứng. “Nếu có một người Việt Nam trong Liên đoàn Bơi lội Đông Nam Á thì Ánh Viên còn có cơ may”, chuyên gia này nói.
Chuyện các quan chức thể thao Việt Nam được bầu vào BCH các liên đoàn quốc tế là điều đã được nhắc đến rất nhiều từ thời điểm thể thao Việt Nam bắt đầu hội nhập, đặc biệt là từ khi Việt Nam đăng cai SEA Games 2003 rất thành công. Nhưng đến nay, số người có tên trong các liên đoàn thể thao châu Á cũng như Đông Nam Á vẫn là không đáng kể, dẫn đến tiếng nói của Việt Nam trở nên yếu ớt mỗi khi có tranh cãi. Trường hợp Ánh Viên là dẫn chứng cụ thể mới nhất.
Liệu có cách nào để cải thiện tình trạng này? Theo tôi là rất khó. Để bênh vực VĐV của mình, quan chức ấy không chỉ rành rẽ về luật lệ mà còn phải biết biện luận thật suôn sẻ và rành mạch bằng ngoại ngữ. Liệu lúc này có bao nhiêu quan chức người Việt hội đủ 2 tiêu chí ấy? Trong khi quan chức các liên đoàn luôn yêu cầu các HLV, VĐV phải nâng cao trình độ cũng như tâm lý thi đấu thì chính họ có thể nói là không hề quan tâm đến việc nâng cao trình độ quản lý của mình.
Như thế có phải là nghịch lý?