Thư SEA Games: Phát triển bền vững!
Liệu có một SEA Games thực sự bền vững trong tương lai?
Trong lần thăm Trung tâm Báo chí SEA Games tại Nay Pyi Taw, hay nói đúng hơn là thăm các nhà báo Thái Lan đang tác nghiệp tại đại hội, Phó thủ tướng Thái Lan Yukol Limlamthong có một phát biểu đáng chú ý: “Thành tích những môn thể thao ngoài hệ thống Olympic có thể tốt cho một vài nước, nhưng để phát triển được nền thể thao khu vực, chúng ta phải tập trung nhiều vào những môn thể thao Olympic”.
Ông Lilamthong không phải là người đầu tiên đưa ra quan điểm này, và trên lý thuyết hầu như không ai phản bác quan điểm này. Cách nay vài tuần, một quan chức cấp cao của thể thao Singapore cũng nói y như vậy, và đoan chắc rằng “Singapore sẽ chỉ tập trung vào các môn thể thao Olympic khi đăng cai SEA Games vào năm 2015”. Nghe mà mừng!
Nhưng sau đó thì sao? Tin mới đây nhất cũng từ Ủy ban Olympic Singapore cho biết, đến SEA Games 28 nước này sẽ chỉ tổ chức thi đấu 30 môn. Đó là điều dễ được chấp nhận bởi Singapore đất chật mà lại ít dân nên quy mô như thế cũng là vừa phải. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số 30 môn đó, có đến 10 môn mới (không được tổ chức ở SEA Games 27), và có đến 15 môn trong chương trình thi đấu ở SEA Games lần này sẽ “mất dạng” ở SEA Games lần sau.
Đoàn Việt Nam tại lễ khai mạc. Ảnh: Nam Hải
Trượt nước, bóng mềm, squash, bowling… sẽ là những môn có mặt ở SEA Games 28 trong khi bóng chuyền, vật, chèo thuyền… nằm trong số những môn không có vào kỳ sau… Hai năm cho một chu kỳ SEA Games đã là quá ngắn, và 2 năm cho việc đào tạo những VĐV đủ khả năng tranh tài một cách không xấu hổ cũng đã là khó, nói gì đến việc tranh chấp huy chương. Thêm nữa, đầu tư xây dựng lực lượng và trang thiết bị có phải là điều nên làm hay không, bởi biết đâu đến kỳ SEA Games kế đó thì môn này lại bị xóa sổ? Do vậy, nhiều nước không cử VĐV dự các môn này là điều rất dễ xảy ra.
Tôi chợt nghĩ, việc đề ra chương trình thi đấu ở SEA Games thật quá dễ. Chả bù với Olympic. Muốn được đưa vào chương trình thi đấu Olympic, bất cứ môn nào cũng phải đạt những tiêu chí khắt khe và phải rất nhiều lần “nâng lên đặt xuống”, IOC mới quyết định đưa môn này hay môn khác vào chương trình thi đấu, và để đi đến quyết định đó cần phải nhiều năm. Bởi vậy mà dù tốn công sức và tiền của, môn wushu cũng chỉ được đưa vào danh sách các môn biểu diễn tại Olympic Bắc Kinh 2008 rồi mất dạng tại Olympic London 2012. Thế mà chỉ cần một câu “Nước chủ nhà muốn thế” thì số môn thi đấu ở SEA Games thay đổi ngay.
Bây giờ, ai cũng nói đến khái niệm “bền vững”. Thế nhưng, bền vững có lẽ đã trở thành điều xa xỉ với thể thao Đông Nam Á. Chỉ vì “chúng tôi không có VĐV đủ sức tranh tài” mà Myanmar loại môn quần vợt khỏi SEA Games 27 và thế bằng môn chilone, rồi cũng vì lý do đó mà Singapore muốn loại bóng chuyền khỏi SEA Games 28 để thay bằng bóng mềm. Quần vợt và bóng chuyền đều là 2 môn được hâm mộ bậc nhất ở các kỳ Olympic, và phải chăng, mình không “ăn” được thì chẳng muốn ai “ăn”? Như vậy, thể thao khu vực làm sao có thể phát triển được như mong muốn của ông Yukol Limlamthong?
Nhân khi có mặt tại Trung tâm Báo chí, tôi đã làm một cuộc thăm dò bỏ túi với nhà báo các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia về quan điểm của ông Yukol Limlamthong, và kết quả cho ra thật bất ngờ: hơn 70% nhà báo mà tôi hỏi cho rằng “đó là điều không thể thay đổi trong tương lai gần”. Irawaty Wardany của tờ Jakarta Post lý giải: “Tôi muốn, anh muốn nhưng chính phủ các nước không muốn. Họ không thể ra một đống tiền để tổ chức SEA Games rồi nhìn nước khác lấy ngôi đầu bảng của mình. Dễ hiểu mà!”. Nhà báo này không phải là không có lý. Vậy thì, hãy cùng chia phiên mà “tự sướng” với nhau…