Thư SEA Games: Đóng cửa chơi với nhau, hay...?
Bao nhiêu huy chương không quan trọng, vấn đề là môn nào mới đáng nói.
Việt Nam đã kết thúc SEA Games 27 với 73 HCV, vượt chỉ tiêu đặt ra trước khi sang Myanmar. Riêng tôi lại không xem số huy chương, thậm chí huy chương vàng, là thước đo sự phát triển của nền thể thao một nước. Vấn đề là huy chương ở môn nào, đó là điều tôi cho là quan trọng hơn.
Lâm Quang Nhật Ảnh: GIANG LÊ
Hãy thử nhìn sang Thái Lan. Đã có lúc nước này còn tranh giành huy chương SEA Games với Indonesia, nước mạnh ngang ngửa với Thái Lan lúc đó, bằng mọi cách. Tôi còn nhớ tại SEA Games 18 ở Chiang Mai năm 1995, nước chủ nhà ăn gian “đủ mọi kiểu” và đè Indonesia “dẹp lép”. Tôi không còn nhớ lúc đó Thái Lan đoạt được bao nhiêu vàng, chỉ nhớ rằng “khủng khiếp” lắm.
Đến kỳ SEA Games 2 năm sau, tại Jakarta năm 1997, nước chủ nhà lại giở chiêu này để đè đoàn Thái Lan cũng theo cách mình đã phải chịu 2 năm trước. Rốt cuộc thì sao? Khi thì xứ Chùa Vàng hơn, khi thì xứ Vạn đảo hơn nhưng khi bước ra khỏi khu vực Đông Nam Á thì 2 cường quốc thể thao khu vực lại trở thành những chú dế “ốc tiêu” nhỏ bé mà thôi.
Thái Lan đã sớm nhận thấy chỉ “ăn thua” với các nước trong vùng thì mãi mãi chỉ mang thân phận của một chú dế ốc tiêu mà thôi, mong gì cất lên được tiếng “réc, réc” khiến người ta phải để ý. Cơ may đã đến khi Thái Lan đăng cai Asian Games 1998 và để xứng đáng với vị thế của nước chủ nhà, ngoài cơ sở vật chất và kỹ năng tổ chức còn rất cần đến lực lượng VĐV đông đảo và tinh nhuệ.
Đó chính là thời điểm thể thao Thái Lan cất cánh khi đã có đủ 2 yếu tố lực lượng và cơ sở vật chất. Và bây giờ, người ta nhắc đến thể thao Thái Lan không phải vì muay mà vì những môn chính thống trong chương trình Olympic. Chẳng phải bây giờ chuyện Thái Lan có huy chương Olympic, thậm chí huy chương vàng, đã trở thành chuyện lần nào cũng có đó sao. Boxing và cử tạ là 2 môn sở trường của Thái Lan nhưng bây giờ người Thái đã thêm những chiếc huy chương Olympic ở môn taekwondo. Rồi mới đây, người Thái đã sản sinh ra một nhà vô địch thế giới môn cầu lông, lấy chức vô địch ngay trên sân nhà của người Trung Quốc. Cầu lông cũng là một môn tại Olympic. Bóng chuyền nữ Thái Lan cũng là đội từng vô địch châu Á.
Bây giờ môn muay ngoài việc phục vụ cho các giải khu vực đã trở thành một công cụ đắc lực cho việc phát triển công nghiệp du lịch của xứ Chùa Vàng. Bởi dù khai sinh ra môn thể thao này, người Thái biết chắc rằng sẽ còn lâu, lâu lắm môn muay mới sánh bước cùng boxing và taekwondo tại Olympic.
Trong khi đó, thể thao Indonesia thì sao? Từ sau khi thế thống trị môn cầu lông lọt vào tay người Trung Quốc thì coi như xứ Vạn đảo không còn gì đáng nói trên đấu trường Olympic. Ngay cả ở Asian Games, thể thao Indonesia cũng chẳng tạo được dấu ấn sâu đậm nào. Thế là đất nước đông dân nhất Đông Nam Á đành chỉ biết vui bằng SEA Games, nhưng như thế thì biết đến bao giờ mới có thể ngẩng mặt với đời?
Nói dông nói dài chẳng qua là để nói đến chuyện đầu tư thế nào và tại đâu để bên ngoài còn biết đến thể thao Việt Nam. Đóng cửa chơi với nhau thì chọn cầu mây, pencak silat, muay… còn muốn bước vào thế giới rộng mở bên ngoài thì chọn bơi, điền kinh, taekwondo, cầu lông… Con người không phải là không có. Nguyễn Thị Ánh Viên, Lâm Quang Nhật, Hoàng Quý Phước, Phạm Thị Thu Hiền vừa lập thành tích cực kỳ ấn tượng. Liệu những người còn rất trẻ này có thể bước ra biển rộng hay không là còn tùy cách đầu tư của chúng ta…