Thời đại của “Big 3”
Bây giờ là thời của “Big 3” và Federer không còn có tên trong đó.
Federer vẫn đủ sức buộc những người hâm mộ tennis thực thụ hay chỉ thi thoảng ngó qua môn thể thao này phải chờ đợi và xếp hàng nửa ngày trước khi vào sân xem anh thi đấu.
Vòng đấu 1/16 (vòng 4) ở US Open 2013, hàng ngàn người một mặt chứng tỏ họ đam mê, còn mặt khác, họ gián tiếp cho thấy sức hút phi thường của Federer.
Kể cả khi màn hình lớn đặt ngoài sân Luis Amrstrong (lấy tên của một trong những nghệ sĩ nhạc Jazz trứ danh của New York) tường thuật trực tiếp cho thấy những cú trái của Federer thường bắn lên khán đài, người ta vẫn rang chờ đợi được vào sân bởi nếu được thấy Federer bắn trái dọc dây mẫu mực thành công một lần thôi cũng mãn nguyện.
Mỗi khi Federer thi đấu, sân luôn đầy ắp khán giả
Và vì từ từ kết không có Federer, để lần đầu tiên có trận đấu giữa hai huyền thoại của tennis thế giới Nadal và Federer ở Arthur Ashe tiếp tục là giấc mơ, nên vé của trận tứ kết có Nadal (đánh vào tối thứ Tư giờ New York) giờ này vẫn chưa bán hết.
Nhưng nếu muốn xem tennis mãn nhãn của Federer từ nay phải vào bảo tàng, hay giản đơn hơn lục tìm lại những trận thời đỉnh cao của anh còn lưu giữ trên kênh youtube.
Còn trận thua trước Tommy Robredo (hạng 22 thế giới) đã chính thức khép lại một kỷ nguyên vàng son của Federer khi những thành tích mang tính biểu tượng của quyền lực đều đã đi tới hồi kết: Lần đầu tiên Federer không vào tới tứ kết US Open trong mười năm.
Và nếu móc nối với thành tích năm nào cũng vào tới ít nhất một trận chung kết Grand Slam đã dừng lại sau 12 năm liền, hay chuỗi vào tới tứ kết liên tiếp cũng ngưng lại ở con số 36 cho thấy Federer không còn ở cùng phân khúc của nhóm các tay vợt hàng đầu hiện chỉ còn lại ba người là Djokovic, Nadal và Murray.
Nadal cũng giống như Federer, thua sốc ở Wimbledon, nhưng thành tích và phong độ của Nadal kể từ sau Wimbledon cho thấy đó là một tai nạn, còn của Federer lại là sự phản ánh chân thực.
Còn Federer, trận đấu “thua mà vui” của anh với Nadal ở Cincinnati Masters và ba trận nhanh gọn ở các vòng đầu US Open hóa ra lại chỉ là sự thăng hoa ngắn ngủi (đặc biệt là ba trận sau với các tay vợt ít tên tuổi).
Federer có trở lại được không?
Federer đã không tự thua như anh nói, mà trên thực tế, Federer không đủ khả năng để chơi đôi công ở cuối sân với Tommy Robredo. Cứ lần nào Robredo nuôi được các loạt bóng bền với khoảng từ năm lần chạm vợt trở lên mà đưa được bóng đổi hướng liên tục là Federer lại mất điểm.
Thời hoàng kim nay còn đâu
Federer ở trận đấu ấy lên lưới một cách tình thế với hy vọng mong manh rằng anh có thể tạo ra vài bước ngoặt.
Nó chính là hoàn cảnh dẫn tới việc anh có hai cú trả giao bóng cắt trái để tràn lên dứt điểm nhưng bóng đều rúc lưới ở thời điểm trận đấu sắp được định đoạt.
Sức ép tâm lý cộng với thể lực suy yếu là hai vấn đề cốt tử của Federer lúc này.
Vấn đề sức ép có thể được giải tỏa khi Federer tìm lại được mạch chiến thắng và thâu tóm thêm một vài danh hiệu nữa. Nhưng để chiến thắng Federer lại phải có một nền tảng thể lực tốt hơn.
Vấn đề thể lực của Federer do tuổi tác thì ít mà do cường độ tập luyện thì nhiều. Có thể tham chiếu với Tommy Haas và Ferrer để thấy điều đó.
Haas năm nay 35 tuổi lại hồi sinh, chơi giống như cách nay hơn chục năm khi anh từng lên ngôi số 2 thế giới.
Ferrer, chỉ kém Federer một tuổi, lại chơi thiên về sức, nhưng hai năm qua mới đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp (vào chung kết Grand Slam đầu tiên, vô địch Masters 1000 đầu tiên).
Như thế, đằng sau hai vấn đề tâm lý và thể lực, thì khát vọng mới chính là cái tận cùng của nguyên nhân.
Sau khi thua Robredo, Federer lập tức phủ nhận khả năng treo vợt. Về hưu là điều Federer chưa từng nhắc tới. Anh nói mình vẫn còn đam mê và hứng thú với các giải đấu.
Nhưng nói là là không đủ. Mà phải làm. Federer có thể làm như thế. Anh có một cơ thể gần như hoàn hảo, suốt sự nghiệp đỉnh cao không dính chấn thương nào ghê gớm. Nói cách khác, cơ địa của Federer là trời phú, để ngày trước anh có thể tập với cường độ thấp mà vẫn là Vua.
Nhóm “Big 3”
Nếu như hơn chục năm trước, Agassi ở tuổi 35 vẫn vào chung kết Grand Slam được lý giải với một trong những nguyên nhân là sự cạnh tranh ngày ấy ở một diện rất rộng, nhưng lại không bằng hôm nay về sự thống trị bởi chiều sâu của Nadal, Djokovic và Murray.
Big 4 đã không còn, giờ chỉ là Big 3
Nadal đang hướng tới trận chung kết Grand Slam thứ ba liên tiếp trong ba lần anh có mặt ở US Open. Danh sách các đối thủ vốn không phải đẳng cấp, trong khi Nadal lại đang trở lại với phong độ tối ưu, trên mặt sân cứng.
Djokovic cho thấy khát vọng tiếp tục vươn lên bằng việc thử nghiệm với một cố vấn kỹ chiến thuật mới được bổ sung vào ê kíp huấn luyện. Wojtek Fibak, người cũng đang ở US Open với Djokovic, thậm chí còn từng là thày của Ivan Lendl.
Còn Ivan Lendl tiếp tục dẫn dắt Murray để đột nhiên tay vợt quê Scotland từ chỗ là người hùng của những trận đấu nhỏ trở thành tay vợt của những trận đấu và những giải đấu lớn.
Ở đây tâm lý và thể lực đóng vai trò đặc biệt quan trọng với Murray, là chỗ dựa khi nhiều trận đấu anh không tạo ra sự khác biệt về chất lượng cú quả.
Vì thế, cả ba đều có mặt ở tứ kết. Và sẽ là sốc thực sự nếu không có trận Murray và Djokovic ở bán kết, và không thấy Nadal ở trận cuối cùng.