Thợ sửa điện tử Lê Văn Công & động lực để phá kỷ lục TG

Vượt lên trên sự mặc cảm, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, vận động viên (VĐV) khuyết tật Lê Văn Công (năm nay 30 tuổi) đã “đơn thân độc mã” vào TP HCM lập nghiệp để rồi trở thành một tài năng thể thao khiến nhiều người phải “nghiêng mình” khi phá kỷ lục thế giới tại ASIAN Para Games 2.

Video về VĐV khuyết tật Lê Văn Công:

* “Bố! Mang huy chương vàng về cho con nha!”

Đó luôn là câu mở đầu trong mỗi cuộc điện thoại mà cậu bé Tuấn Anh (4 tuổi) – con trai của VĐV Lê Văn Công nói với bố mình mỗi khi anh Công gọi điện thoại về nhà trong khi đi tập huấn, hay thi đấu.

Bị chứng teo tóp chân từ nhỏ do mẹ bị sốt xuất huyết khi mang thai, Lê Văn Công ở miền quê Hà Tĩnh trong sự mặc cảm, suốt ngày chỉ ở trong nhà không dám đi đâu.

Là con thứ 2 trong gia đình có 5 anh em, ý thức được trách nhiệm bản thân nhưng không thể làm nông như bao người khác, năm 20 tuổi, Công một mình vào Sài Gòn để học kỹ thuật điện tử tại một trường dạy nghề cho người khuyết tật.

Thợ sửa điện tử Lê Văn Công & động lực để phá kỷ lục TG - 1

Anh Công bên vô số những huy chương đã đạt được.

“Lúc đó hành trang tôi có ít tiền, tiền xe vào Nam, mua sách vở cũng gần hết, tôi vừa học vừa xin làm thêm ở các xưởng mộc gần trường để chi trả cho cuộc sống”, anh Công cho biết.

Ra trường, Lê Văn Công tiếp tục học thêm khóa chỉnh sửa hình ảnh trên vi tính ở CLB khuyết tật trẻ vừa nhận các văn bản về đánh máy kiếm thêm với mức thu nhập 200 đồng cho một trang (2 mặt) giấy đánh được.

“Lúc đầu tôi cũng xin làm qua đủ nghề, nhưng nhiều người họ nhìn mình rồi lắc đầu. Mình biết năng lực của mình có thể làm tốt hơn nhiều người, nhưng họ thấy khuyết tật nên họ chê, cũng không trách họ được. May lúc sau có anh bạn mở xưởng sửa chữa, lắp ráp điện tử rủ mình vào làm, tôi đã gắn bó luôn tới giờ”, anh Công chia sẻ thêm.

Đến năm 2008, anh Công lập gia đình. Vợ anh – chị Út Tám kể lại: “Lúc đó thấy anh hiền lành, chất phác, thật thà nên thương. Lúc đầu gia đình tôi cấm dữ lắm, nhưng thấy con gái quyết quá nên cho ưng. Giờ thấy anh tốt, nuôi được vợ con, gia đình tôi thương anh còn hơn tôi nữa”

Ngày anh đoạt chiếc HLV ASIAN Para Games 2 và phá luôn kỷ lục thế giới với mức tạ 181,5 kg (hạng cân 49 kg), cả xóm quây quần bên chiếc tivi cũ kỹ ở nhà anh Công xem, rồi hò hét ầm ĩ với thành tích của anh. Tuấn Anh đi đâu cũng hãnh diện khoe: “Bố con đạt HCV rồi nè”.

Anh Công tâm sự: “Chính lời nói của con trai là niềm động lực rất lớn cho tôi. Mỗi lúc gọi về, con tôi cứ kêu tôi phải lấy HCV về cho nó, rồi sau đó là về chơi với con. Tôi cảm động lắm”.

* Suýt trở thành VĐV điền kinh

Được HLV Nguyễn Hồng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Tân Bình (TP HCM), phát hiện trong một đợt “tuyển quân” cho thể thao người khuyết tật, Lê Văn Công nhanh chóng được ông Phúc nhận ra những tố chất của một VĐV nhiều tiềm năng.

“Người bình thường muốn thi đấu khá phải có nền tảng ít nhất 2 năm, vậy mà Công chỉ cần một nửa thời gian đó đã có thể ra thi đấu và giành luôn HCB ở giải toàn quốc tổ chức tại Hà Nội năm 2005. Hồi đó Công được chọn vào đội điền kinh, nhưng tôi thấy em có niềm yêu thích với môn cử tạ nên xin qua môn này tập”, ông Phúc nhớ lại.

Nhắc đến thành tích của Lê Văn Công, ngay chính HLV Phúc là người theo sát anh cũng phải tính nhẩm một chút mới kể ra được. Sau chiếc HLB toàn quốc năm 2005, Công tiếp tục theo con đường học hành, đến 2007 anh lấy HCV giải châu Á và HCB giải vô địch cử tạ mở rộng thế giới. Tại Para Games năm 2009, Công bước lên bục cao nhất và lập kỷ lục với thành tích 165 kg. Trong khoảng thời gian đó, Công còn có thêm một số thành tích khác tiêu biểu là chiếc HCB giải cử tạ vô địch thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phong ([Tên nguồn])
Lực sỹ Lê Văn Công giành HCV Paralympic Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN