Thể thao Việt Nam vật vã tìm suất dự Olympic 2016

Cách đây 4 năm, thể thao Việt Nam (TTVN) giành được 18 suất chính thức dự Olympic London 2012, nhưng chung cuộc không thể giành nổi 1 tấm huy chương. Đó bị coi là thất bại của thể thao nước nhà. Và liệu tới Olympic 2016 diễn ra ở Brazil, mọi chuyện có thay đổi?

Càng nhiều suất càng tốt

Kết thúc SEA Games 2015 với thành công rực rỡ, ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã khẳng định: “Việc các môn thể thao Olympic giành nhiều huy chương cho TTVN tại Singapore là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng đây là lúc chúng ta phải biết quên SEA Games đi để tập trung hướng tới mục tiêu giành suất dự Olympic 2016”.

Thể thao Việt Nam vật vã tìm suất dự Olympic 2016 - 1

Lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn được kỳ vọng sẽ giành huy chương Olympic 2016 cho TTVN. Ảnh: I.T

Theo thông tin từ Tổng cục TDTT, ước tính có khoảng 20-23 vận động viên (VĐV) thuộc nhiều môn đang được đầu tư trọng điểm, hướng tới đoạt suất chính thức dự Olympic 2016. Trong số này, tuyển thủ thuộc nhóm 5 môn hàng đầu là bơi lội, điền kinh, cử tạ, thể dục dụng cụ (TDDC), bắn súng vẫn được ưu tiên trên hết. Đây cũng là nhóm môn có thể giành huy chương.

Trao đổi với NTNN, HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung của đội bắn súng cho biết: “Chúng tôi đã giành được 2 suất Olympic 2016 (Xuân Vinh, Quốc Cường). Mục tiêu của đội trong thời gian tới là tiếp tục tạo điều kiện cho VĐV tham dự các đợt đấu vòng loại khác nhau. Càng giành được nhiều suất Olympic càng cho thấy nỗ lực của VĐV cũng như bắn súng Việt Nam trên đấu trường quốc tế”.

Trong khi bắn súng đã yên tâm có đại diện thì hai môn cử tạ và TDDC hiện vẫn chưa có “vé” tới Brazil. Cử tạ có VĐV số 1 Thạch Kim Tuấn (56kg), hiện vẫn tập tại TP.HCM. Nếu không có gì thay đổi, trước khi đi Mỹ dự giải vô địch thế giới 2015 vào tháng 11 (có ý nghĩa tranh vé dự Olympic), Tuấn và một số đồng đội sẽ tới Hungary tập huấn. Mục tiêu của cử tạ là giành 3-4 suất dự Thế vận hội.

Với TDDC, niềm tin được đặt vào Phan Thị Hà Thanh, Đinh Phương Thành và Phước Hưng: “Tới đây, tôi sẽ dự giải vô địch châu Á 2015 rồi tiếp theo là vòng loại Olympic. Đây có thể là kỳ Olympic cuối cùng trong sự nghiệp của tôi nên tôi đang dồn hết tâm lực để tập luyện, thi đấu” - Hà Thanh nói.

Chờ một tấm huy chương

Hiện tại, điền kinh cũng đã có 1 suất chính thức dự Olympic của Nguyễn Thị Huyền. Trong khoảng 1 tháng tới, Huyền sẽ được đưa sang Nga tập luyện ngắn hạn. Ngoài Huyền, điền kinh hứa hẹn sẽ có thêm suất dự Olympic của Quách Thị Lan và Quách Công Lịch. Trường hợp của VĐV đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc cũng mong có chuẩn nhưng giới chuyên môn dự báo là rất khó.

Ở môn bơi, “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên đã đoạt chuẩn dự Olympic và được đặt niềm tin giành huy chương. Ngoài Viên, những tuyển thủ như Quang Nhật, Duy Khôi, Quý Phước mới chỉ đạt chuẩn B Olympic và chưa chắc chắn có mặt tại xứ sở Samba. Lãnh đạo Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam cho biết, trong thời gian tới sẽ đăng ký một số giải thi đấu có tính chuẩn Olympic để VĐV cải thiện thành tích.

Một số môn còn lại như đấu kiếm, judo, cầu lông… chúng ta chỉ trông chờ vào việc VĐV tích điểm và đạt thứ hạng vừa đủ để nhận suất chính thức. Các môn rowing, taekwondo, boxing… cũng mong tìm được suất chính thức, nhưng ở các môn này, VĐV hầu hết phải phân định thắng-thua bằng đối kháng trực tiếp nên khả năng hoàn thành mục tiêu rất gian nan.

Nhưng trên hết, ngay cả khi hoàn thành mục tiêu về số suất dự Olympic, điều người hâm mộ kỳ vọng là 1 tấm huy chương cũng trở nên xa vời. Cần nhớ, trong lịch sử, TTVN mới chỉ có 2 tấm HCB Olympic 2000 (nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân) và Olympic 2008 (lực sĩ Hoàng Anh Tuấn).

Năm 2012, TTVN có 18 suất chính thức dự Olympic tới từ 11 môn. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta không có VĐV nào dự Thế vận hội bằng suất mời có ý nghĩa động viên các nước đang phát triển. Năm nay, TTVN cũng đặt mục tiêu ít nhất phải có đủ 18 suất như vậy dự Olympic 2016.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Việt (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN