Thể thao Việt Nam và một Olympic không huy chương
So với Olympic Rio 2016 thì việc thể thao Việt Nam không gặt hái được huy chương nào ở Olympic Tokyo là hụt hẫng lớn.
Tính từ lần đầu thể thao Việt Nam (VN) dự Olympic Moscow 1980 đến nay thì đây là lần VN có lượng VĐV đông thứ tư trong lịch sử (sau Olympic Moscow 1980, 31 VĐV; Olympic Bắc Kinh 2008, 21 VĐV; Olympic Rio 2016, 23 VĐV) và bằng với Olympic London 2012, 18 VĐV.
Tay cung trẻ Nguyệt Ánh nếu tiếp tục được đầu tư đúng và có chiến lược hẳn hoi sẽ là niềm hy vọng tại Olympic 2024. Ảnh: GETTY IMAGES
Thạch Kim Tuấn, một trong những niềm hy vọng lại trắng tay ở Olympic Tokyo. Ảnh: AFP
41 năm, 10 kỳ Olympic và 5 chiếc huy chương
Trong lịch sử 10 lần dự Olympic thì chỉ có bốn lần thể thao VN có huy chương. Đầu tiên là HCB Olympic Sydney của Hiếu Ngân ở môn taekwondo. Tám năm sau tại Bắc Kinh 2008, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn mang về HCB môn cử tạ. Đến London 2012, khi đoàn VN tưởng không có huy chương thì mãi sau đó VĐV cử tạ Trần Lê Quốc Toàn được đôn từ hạng tư nội dung 56 kg lên vị trí thứ ba, thế chỗ VĐV của Azerbaijan bị tước huy chương vì doping. Gần nhất là Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh mang về một HCV và một HCB môn bắn súng.
Chính hai chiếc huy chương của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016 đã khiến thể thao VN tại thế vận hội năm đấy vượt lên không dưới 100 đoàn thể thao và nằm trong tốp anh cả của Đông Nam Á. Đó cũng là Olympic mà thể thao VN báo công với những kỳ tích rất hoành tráng, còn tay súng Hoàng Xuân Vinh thì ôm hầu hết những giải thưởng cuối năm của thể thao VN…
Đó là một kết quả hợp lý về mặt thành tích thu hoạch được nhưng dưới góc độ của những nhà làm chuyên môn thì nhiều người lại cho rằng đột biến lớn ở Olympic Rio của tay súng Hoàng Xuân Vinh đã làm thay đổi tất cả diện mạo của ngành thể thao. Thậm chí, trong dự báo thành tích trước Olympic Rio, Hoàng Xuân Vinh còn bị xếp sau nhiều VĐV với suy nghĩ Rio 2016 là Olympic cuối của Xuân Vinh.
Những nhà làm chuyên môn đến giờ vẫn cho rằng hiện tượng Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016 là đột biến khó giải vì trong tập luyện lẫn “thi thử”, Hoàng Xuân Vinh chưa bao giờ nằm trong top 3 ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nam.
Năm năm sau thì Hoàng Xuân Vinh đến Olympic Tokyo bằng suất mời từ Liên đoàn Bắn súng Thế giới và đó cũng là Olympic cuối cùng của Hoàng Xuân Vinh. Anh tham dự khi đã có kế hoạch chuyển sang công tác huấn luyện.
Trở lại với năm huy chương mà lịch sử Olympic của thể thao VN đạt được thì có hai huy chương được dự báo trước một cách khá mạnh mẽ là huy chương taekwondo tại Sydney 2000 và cử tạ của Hoàng Anh Tuấn ở Bắc Kinh 2008. Cũng cần nói thêm là tại Sydney 2000, khi đó HLV trưởng đội taekwondo VN - ông Trương Ngọc Để dám hứa có huy chương và là huy chương Olympic đầu tiên của VN, dù ông không khẳng định là rơi vào Hiếu Ngân bởi thời điểm đấy Hàn Quốc rất mạnh và hạng cân nào tránh được Hàn Quốc thì hạng cân đó có hy vọng.
Với Hoàng Anh Tuấn thì khi tập huấn nước ngoài với mức tạ Tuấn cử thành công, ban huấn luyện đã nhẩm tính được huy chương bởi cập nhật thành tích các đối thủ không khó.
Những thành tích kém xa ở nhà và những kỳ vọng gãy đổ
Còn tại Olympic Tokyo, những nhà làm thể thao chỉ đặt ra hy vọng vượt qua chính mình của các VĐV và nếu qua được mình cùng sự đột biến thì có cơ hội vào tốp huy chương trong một ngày đẹp trời.
Trong thể thao đỉnh cao, bốn bước quan trọng là phát hiện, đào tạo, tích lũy (thi đấu) và dự báo thì tại Olympic này, phần tích lũy và dự báo đều không thành. Có thể kể đến những nguyên nhân khách quan do dịch bệnh, hầu hết 18 VĐV đều tập chay, không tập huấn, không thi đấu nhưng việc có VĐV dự Olympic lần hai, lần ba rồi mà vẫn cho rằng do tâm lý nên thành tích kém xa so với chính mình thì khó chấp nhận.
Điểm sáng trong số 18 VĐV dự Olympic Tokyo là lão tướng Nguyễn Tiến Minh được ca ngợi như một chiến binh bởi sự bền bỉ và là tấm gương cho thế hệ trẻ; là cung thủ trẻ Ánh Nguyệt lần đầu ra đấu trường lớn và chỉ chịu thua sít sao tay cung chủ nhà ở loạt “mũi tên vàng” sau khi so kè bằng điểm ở loạt đấu chính; là chiến thắng đầu tiên sau 33 năm chờ đợi của boxing VN của Nguyễn Văn Đương; là hai chiến thắng của tay vợt Nguyễn Thùy Linh và chỉ chịu gác vợt trước số một thế giới; là nỗ lực của cô gái Mường Quách Thị Lan và tay bơi Nguyễn Huy Hoàng…
Cũng có những đòi hỏi cao hơn khi tiếc nuối ở môn cử tạ mà cả Thạch Kim Tuấn lẫn Hoàng Thị Duyên được kỳ vọng nhất nhưng cả hai đều không đạt được với mức tạ như ở nhà.
Những nhà thể thao VN hiểu rất rõ việc một Olympic không huy chương nhưng với nhiều giới, trong đó có cả nhà tài trợ lẫn người hâm mộ thì rất sốt ruột khi nhìn Indonesia, Thái Lan, Philippines lấy vàng. Hay chí ít cũng là Malaysia một HCB và một HCĐ. Những đoàn mà tại SEA Games có khi phải nhìn lên bảng huy chương của thể thao VN.
Sau khi Quách Thị Lan kết thúc nội dung 400 m rào ở loạt chạy bán kết, thể thao VN đã chính thức chia tay với Olympic Tokyo. Sẽ là một bản tổng kết rất dài và chi tiết nhưng hy vọng đó sẽ là một bản tổng kết khách quan và dám nhìn vào những yếu kém của mình trong chiến lược và định hướng khác với bản tổng kết Olympic Rio 2016.
Xin được trích lời của nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao VN Nguyễn Hồng Minh: “Không ai trách các VĐV, họ đã nỗ lực hơn 100%. Đặc biệt với Hoàng Thị Duyên, khi VĐV này đến Tokyo cùng hành trang là đợt cách ly cả tháng trời, thiếu thốn cả về dinh dưỡng lẫn điều kiện tập luyện. Chúng ta tham gia Olympic từ năm 1980 ở Moscow, 41 năm trôi qua là một thời kỳ rất dài, gần nửa thế kỷ rồi nhưng chúng ta vẫn chưa thay đổi cách làm, chưa xác định rõ cụ thể mục tiêu”.•
(Tin thể thao, tin đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo) Đoàn thể thao Việt Nam đã không thể giành được huy chương nào...
Nguồn: [Link nguồn]