Thể thao Việt Nam và câu chuyện "nghịch lý áp lực"
Đối với các VĐV có khả năng giành huy chương tại ASIAD, ngoài chuyên môn tốt, thì yếu tố tinh thần, tâm lý thi đấu tại sân chơi lớn như ASIAD đóng vai trò hết sức quan trọng.
1. Có một sự thật đáng buồn cho thể thao Việt Nam (TTVN) tại sân chơi lớn nhất châu lục, cứ qua một kỳ ASIAD, bắt đầu từ Busan (Hàn Quốc) 2002 đến nay, thành tích của đoàn TTVN lại giảm dần.
Nếu như năm 2002, Việt Nam giành thành tích tốt nhất qua kỳ ASIAD với 4 HCV, 7 HCB và 7 HCĐ thì ở Doha (Qatar) 2006 và Quảng Châu (Trung Quốc) 2010, thành tích này lần lượt giảm xuống còn (3, 13, 7) và (1, 17, 15). Và tại Incheon 2014, nhiều nhà chuyên môn lại lo ngại, con số này thêm một nữa giảm hay không ?
Năm 2002, sau khi TTVN giành tới 4 HCV thì lập tức chỉ tiêu tại Doha 4 năm sau đó được đẩy lên cao hơn con số này, nhưng chung cuộc thành tích giành được chỉ là 3 HCV. Sau đó, chỉ tiêu này tại Quảng Châu 2010 từ 4 – 6 HCV nhưng khi kết thúc đại hội chỉ giành 1 HCV.
Điều dễ dàng nhận thấy ở đây là chỉ tiêu cứ tăng thì thành tích lại giảm qua từng năm, và một trong những nguyên chính là việc các nhà làm TTVN đã quá đặt nặng chỉ tiêu mà chưa đánh giá đúng trình độ và khả năng của các VĐV.
Đoàn TTVN xuất quân tham dự ASIAD 17. Ảnh Quang Thắng
Đối với các VĐV có khả năng giành huy chương tại ASIAD, ngoài chuyên môn tốt, thì yếu tố tinh thần, tâm lý thi đấu tại sân chơi lớn như ASIAD đóng vai trò hết sức quan trọng.
Năm 2010, TTVN đón “cơn mưa bạc” lớn nhất từ trước tới nay khi giành tới 17 HCB. Rõ ràng, xét về lý thuyết, các VĐV có thể giành tối đa 17 HCV thay vì 17 HCB. Cũng có thể nói, chúng ta có đến 17 cơ hội để có được thành tích tốt nhất nhưng trong số cơ hội ấy, các VĐV Việt Nam đã không thể thành công dù chỉ một lần.
Tuy vậy, trong số 17 cơ hội, đã có lúc các VĐV đã nắm chắc HCV trong tay nhưng lại đánh mất một cách đáng tiếc mà nguyên nhân chính không phải do yếu tố chuyên môn. Nói để thấy, các VĐV Việt Nam hoàn toàn chưa sẵn sàng về tâm lý, hay nói đúng ra là công tác tư tưởng trong các trận đánh lớn.
2. Tại Incheon 2014, Thạch Kim Tuấn (cử tạ) và Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) là 2 VĐV được kỳ vọng sẽ mang “vàng” về cho TTVN, và tất nhiên một khi được kỳ vọng lớn như vậy thì áp lực dành cho 2 VĐV này cũng cũng cao hơn những VĐV khác.
Trước thềm ASIAD 2014, HLV Huỳnh Hữu Chí đã “rước” Tuấn về nhà mình để tiện chăm sóc cho cậu học tốt nhất về ăn, uống, ngủ, nghỉ, sinh hoạt và luyện tập. Đến làng VĐV tại Incheon, ông cũng xin ở chung phòng với Tuấn để chăm sóc cho Tuấn trước giờ xung trận.
Rõ ràng, trước áp lực được kỳ vọng quá lớn, thầy trò ông Chí đang làm tất cả cho mục tiêu “vàng”. Về phần Ánh Viên được chọn là VĐV trọng điểm cho ASIAD 2014 bằng những chuyến tập huấn tại Mỹ từ năm 2012.
Từ đó đến nay, Viên tiến bộ không ngừng nhưng cũng áp lực cũng tăng dần theo thời gian, nhất là khi sân chơi mục tiêu của sự chuẩn bị hơn 2 năm qua sắp khởi tranh.
Lực sỹ Thạch Kim Tuấn thoải mái trước giờ nhập cuộc. Ảnh Quang Thắng
Tuấn và Viên là 2 trong số VĐV trẻ nhất của đoàn TTVN nhưng cả 2 phải chịu áp lực lớn nhất tại ASIAD lần này. Điều này đòi hỏi một công tác tư tưởng thật hiệu quả từ những lãnh đạo, nhà chuyên môn, HLV và người hâm mộ.
Hãy để cho Viên xuống nước, Tuấn lên sàn đấu, cũng như các VĐV bước ra thi đấu với tâm lý thoải mái nhất, quên đi áp lực của mục tiêu mà hãy thi đấu hết khả năng, bung hết sức mình những dồn nén trong thời gian qua.
Hãy thể hiện hết mình và thành quả sẽ đến. Hãy cứ tin như vậy, chúc các VĐV Việt Nam thi đấu thành công!
|
|
|
|