Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 31 (*): Thể thao phái đẹp lên ngôi

Thể thao Việt Nam không ít lần ghi nhận vai trò quan trọng của các VĐV nữ, trội hơn về cả số lượng tham dự đồng thời cũng mang về nhiều thành tích hơn so với các đồng nghiệp nam ở các kỳ đại hội thể thao quốc tế, trong đó mới nhất là tại SEA Games 31

  

"Nhập cuộc" chậm hơn bóng đá nam nhiều thập niên, thế nhưng đội tuyển nữ quốc gia cho đến nay vẫn là một hiện tượng đặc biệt của thể thao Việt Nam. Bóng đá nam phải chờ đợi tròn 60 năm mới có lần đăng quang thứ nhì ở SEA Games và mới đây xuất sắc bảo vệ thành công ngôi vị số 1 Đông Nam Á.

Trong lúc đó, các đồng nghiệp nữ đã kịp mang về đến ngôi vô địch thứ 7 kể từ khi tái hội nhập cách đây hơn 20 năm. Bắt kịp rồi vượt qua kình địch Thái Lan để giữ kỷ lục về số lần thống trị sân cỏ Đông Nam Á không phải là điều mà bộ môn nào cũng có thể làm được.

Bóng đá nữ mang về thành tích "vô tiền khoáng hậu" thì điền kinh cũng có lần thứ ba liên tiếp phá thế độc tôn của người Thái kéo dài suốt nhiều thập kỷ. Trong tổng số 22 HCV mà môn thể thao "nữ hoàng" mang về cho thể thao Việt Nam, phần đóng góp của các cô gái lên đến con số 14 và kèm theo đó là 2 kỷ lục đại hội mới.

Kỳ SEA Games thứ nhì liên tiếp, Nguyễn Thị Oanh giành được cú hat-trick "vàng" các cự ly 1.500 m, 5.000 m và 3.000 m nữ vượt chướng ngại vật, đồng thời cũng liên tiếp thành công trong việc xô đổ kỷ lục của đại hội ở nội dung gian khổ 3.000 m nữ vượt chướng ngại vật. Kỳ tích này giúp cô tuyển thủ nhỏ nhắn quê Bắc Giang giành luôn danh hiệu "Nữ vận động viên xuất sắc nhất SEA Games 31" đồng thời được đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Cũng từ bóng tối bước ra ánh sáng chói lòa ở SEA Games 31 là câu chuyện của Nguyễn Thị Hương, nữ tuyển thủ quê vùng trung du Vĩnh Phúc nhưng lại thành danh trên đường đua của môn… canoeing/kayak. Tay chèo 21 tuổi này chính là một trong những VĐV giàu thành tích nhất của SEA Games 31 với 3 HCV cá nhân và 2 HCV đồng đội, xứng đáng được đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Nguyễn Thị Thật bảo vệ ngôi vô địch tại SEA Games 31. (Ảnh: HUỲNH THUẬN)

Nguyễn Thị Thật bảo vệ ngôi vô địch tại SEA Games 31. (Ảnh: HUỲNH THUẬN)

Vô số hình ảnh, câu chuyện cảm động về cuộc tranh tài của các nữ VĐV thể thao, những người có vinh dự 109 lần được hát quốc ca, ngắm nhìn đầy tự hào quốc kỳ Việt Nam tung bay trên bầu trời quê hương. Người giành tấm HCV đầu tiên cho đoàn thể thao chủ nhà, nữ võ sĩ kurash Tô Thị Trang, gần như bay về… bệnh viện để khoe chiến tích của mình với người cha đang trong cảnh thập tử nhất sinh.

Nữ lực sĩ thể hình Đinh Kim Loan sau những lần đăng quang ngôi vô địch ở các giải thế giới, châu Á gần như rơi nước mắt với lần đầu giành chiến thắng ở sàn đấu khu vực, nơi tấm HCV nhỏ nhoi và quý giá của cô góp công quan trọng để thể thao Việt Nam xô đổ kỷ lục hơn 60 năm lịch sử của SEA Games.

VĐV Phạm Thị Hồng Lệ sau màn "thở bình ôxy" độc nhất vô nhị tại đường đua marathon SEA Games 2019 nay trở thành nhà vô địch cự ly 10.000 m với quyết tâm đổi màu huy chương; "chiến binh thép" Nguyễn Linh Na giành HCV 7 môn phối hợp cho điền kinh Việt Nam sau 19 năm; kỳ thủ Lê Thị Kim Loan trở thành nhà vô địch cờ tướng đầu tiên trong lịch sử SEA Games dù chưa bao giờ tham dự bất cứ giải đấu quốc tế nào; Phạm Lê Thảo Nguyên cùng Nguyễn Ngọc Trường Sơn có màn "song kiếm hợp bích" để trở thành đôi vợ chồng đại kiện tướng quốc tế đầu tiên cùng lên ngôi vô địch cờ vua tiêu chuẩn tại một giải đấu lớn.

Không thể không nhắc đến những thành tích rất đặc biệt, như các nữ tuyển thủ môn rowing xuất sắc giành trọn bộ 8 HCV; bộ ba Trần Thị Linh, Vương Thị Vỹ và Nguyễn Thị Tâm mang về 3/3 tấm HCV môn quyền Anh; 2 nữ vũ công xinh đẹp Đặng Thu Hương và Phạm Hồng Anh chia sẻ 5/5 bộ HCV với các bạn nhảy nam môn khiêu vũ thể thao; bộ đôi Thái Thị Hồng Thoa/ Trần Lê Lan Anh mang tấm HCV bi sắt duy nhất về cho Hậu Giang, địa phương mới nhất sau TP HCM, Hà Nội, Sóc Trăng, Nghệ An phát triển môn thể thao du nhập từ Pháp.

Không chỉ kiên trì khổ luyện, nỗ lực không ngừng để vượt qua mọi khó khăn, rất nhiều mồ hôi và nước mắt của các nữ VĐV đã rơi xuống, kể cả lắng lại nỗi đau thể chất vì chấn thương trong tập luyện lẫn nỗi đau tinh thần vì mất đi người thân yêu trong gia đình trong những ngày diễn ra đại hội.

Những tấm huy chương có lẽ chỉ có thể xoa dịu đi phần nào nỗi đau ấy nhưng vượt lên tất cả, mọi nữ VĐV xứng đáng được nhắc đến về một giai đoạn vinh quang của thể thao nước nhà.

Nguồn: [Link nguồn]

Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 31: Quần vợt Việt Nam: Thăng tiến hay sa sút?

Đội tuyển quần vợt Việt Nam bổ sung lực lượng hùng hậu tham dự SEA Games 31, nhưng không thể hoàn thành mục tiêu đoạt ít nhất 2 tấm huy chương vàng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Tùng ([Tên nguồn])
SEA Games 32 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN