Thể thao Việt Nam năm 2021: Những mảng màu sáng - tối

Sự kiện: Muôn màu thể thao

Thể thao Việt Nam thực sự lao đao trong năm 2021 dù vẫn còn đó những tín hiệu lạc quan làm bừng sáng bức tranh tổng thể

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến thể thao cũng lâm vào cảnh bi đát không kém mọi lĩnh vực khác của cuộc sống. Ngoài SEA Games 31 phải dời thời điểm đăng cai sang tận mùa hè 2022, hàng loạt sự kiện thể thao quốc nội khác không hủy bỏ giữa chừng thì cũng bị "đẩy" đến tận cuối năm, tổ chức gấp rút với phương châm "vượt khó an toàn về đích" nhằm đánh giá phong độ VĐV và kiểm tra chất lượng đào tạo, tập luyện sau hàng tháng trời bị "đóng băng".

Bài học đắt giá

Được người hâm mộ đặc biệt quan tâm nhưng V-League 2021 phải dừng lại giữa mùa vì đại dịch. Giải đấu quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam không đi đến tận cùng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của các cầu thủ và các đội bóng. Có CLB phải tạm ngừng hoạt động, nhiều nơi cắt giảm lương, thưởng khiến cầu thủ phải đi làm nhiều nghề ngoài chuyên môn để kiếm sống.

Cơ hội thi đấu cọ xát từ sân chơi quốc nội đột ngột bị ngắt ngang cũng tác động không nhỏ đến chất lượng chung của đội tuyển quốc gia. Việc "Những chiến binh Rồng vàng" thất bại liên tiếp tại vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á và nhất là trở thành "cựu vương" ở đấu trường AFF Cup chính là bài học đắt giá dành cho bóng đá Việt Nam.

Điền kinh Việt Nam đại diện khu vực Đông Nam Á đua tài ở Olympic Tokyo 2020. Ảnh: REUTERS

Điền kinh Việt Nam đại diện khu vực Đông Nam Á đua tài ở Olympic Tokyo 2020. Ảnh: REUTERS

Thích nghi và trưởng thành từ trong gian khó không phải là chuyện ngày một ngày hai đối với bất kỳ môn thể thao nào cũng như với mọi nền thể thao dù hùng mạnh đến đâu. Bóng đá nam thất bại, thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic Tokyo… đã đặt ra nhiều vấn đề cho đội ngũ những nhà quản lý bên cạnh việc mang lại nhiều bài học kinh nghiệm rất có giá trị.

Điểm sáng hiếm hoi

Việc lần đầu tiên góp mặt tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á được đánh giá là bước tiến đáng ghi nhận trong lịch sử bóng đá nước nhà. Tuy cơ hội tham dự World Cup của đội tuyển Việt Nam là bất khả thi khi phải chạm trán cùng hàng loạt đối thủ cực mạnh nhưng rõ ràng đoàn quân của HLV Park Hang-seo đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ với bạn bè khu vực bên cạnh việc xây dựng nên mô hình mẫu cho tương lai.

Cùng với bóng đá nam sân cỏ 11 người, đội tuyển futsal nam quốc gia cũng tạo nên điểm sáng với lần thứ nhì liên tiếp góp mặt ở World Cup và vào đến vòng 16. Đội tuyển nữ quốc gia tiếp tục khẳng định vị thế của một ê-kip hàng đầu khi giành vé tham dự VCK Asian Cup 2022.

Tại Olympic Tokyo 2020, đoàn thể thao Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào các bộ môn thế mạnh như cử tạ, bắn súng... nhưng kết cục không như mong muốn khi lực lượng tuyển thủ thiếu thời gian trui rèn trước ngưỡng cửa sân chơi lớn. Điểm sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam ở kỳ đại hội trên đất Nhật Bản là việc Quách Thị Lan trở thành tuyển thủ điền kinh Việt Nam đầu tiên vào bán kết Olympic ở nội dung 400 m rào nữ.

Cờ vua trẻ "trình làng" 2 nhà á quân thế giới Nguyễn Hồng Nhung (U16 nữ) và Bạch Ngọc Thùy Dương (U18 nữ) cùng hàng loạt nhà vô địch trẻ khu vực Đông Á và châu Á.

Quyền anh chuyên nghiệp lần đầu có nhà vô địch của Tổ chức WBO - Nguyễn Thị Thu Nhi; võ sĩ Hoàng Thị Mỹ Tâm giành 2 ngôi vô địch châu Á môn karatedo khi dự tranh đồng thời nội dung dành cho võ sĩ trẻ lẫn giải vô địch cho võ sĩ tuổi trưởng thành; Nguyễn Trần Duy Nhất và đồng đội ở đội tuyển Muay mang về 3 ngôi vô địch thế giới… 

Để thành công ở vũ đài quốc tế, thể thao Việt Nam cần phải đầu tư đúng mức, liên tục cho một thế hệ VĐV trong vòng 5-8 năm và thế hệ sau phải được “gối đầu” chu trình đầu tư của thế hệ trước.

Nguồn: [Link nguồn]

Chị em nhà Ánh Viên giành “mưa HCV”, lại gây sốc giải bơi VĐQG 2021

(Thể thao, tin bơi lội) Trong khi Ánh Viên liên tiếp “gặt” HCV, em trai Nguyễn Quang Thuấn của cô một lần nữa gây sốc khi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐÀO TÙNG ([Tên nguồn])
Muôn màu thể thao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN