Thể thao Việt Nam năm 2021: Lấy an toàn làm trọng
Trong năm 2021, khi dịch COVID-19 được dự báo vẫn diễn biến khó lường, đòi hỏi mọi người dân Việt Nam và đương nhiên là các cơ quan, đơn vị chức năng, tổ chức… ở các lĩnh vực, trong đó có thể thao, không thể chủ quan, lơ là. Vì thế, phần việc này càng cần được chú ý ở những giải đấu tại Việt Nam, trong đó có hệ thống giải quốc nội.
Thể thao Việt Nam 2020: Nhìn lại và hướng đến tương lai Giữ hình ảnh “sạch” cho thể thao Việt Nam Thể thao Việt Nam đang loay hoay với đầu tư trọng điểm
Hoãn lên hoãn xuống rồi cũng về đích
Trong năm 2020, thể thao Việt Nam cũng như các ngành khác đã phải chịu đựng những “cơn sóng cả” chưa từng có tiền lệ. Nói con thuyền thể thao Việt Nam lúc lắc, chao đảo cũng không quá lời. Không kể việc tham gia các giải quốc tế, việc tổ chức thi đấu hệ thống giải quốc nội đứng trước nguy cơ không hoàn thành kế hoạch.
Chỉ xét dưới góc độ chuyên môn, việc không dự giải quốc tế đã mang đến những thiệt thòi đáng kể cho VĐV, HLV, từ cơ hội đánh giá trình độ đến việc giành huy chương và đi kèm là những khoản thưởng theo quy định của nhà nước. Đó là những điều thiết thực bởi quãng thời gian thi đấu đỉnh cao của mỗi VĐV không dài, cơ hội giành huy chương quốc tế có khi chỉ là một lần. Và với nhiều VĐV Việt Nam, những khoản thưởng đến từ thành tích thi đấu quốc tế luôn là nguồn động lực quan trọng bên cạnh việc được đóng góp vào thành tích chung của thể thao nước nhà.
Giải vô địch bóng chuyền quốc gia – 2020 thu hút đông đảo khán giả là hệ quả từ công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả của Việt Nam.
Và nếu không còn được dự các giải quốc nội thì đó thực sự là thảm cảnh với các VĐV. Tuy nhiên, việc tổ chức hay không cũng không thể duy ý chí, như Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh từng nhận định vào dịp tháng 4/2020, khi Việt Nam đã xảy ra những ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng. Bởi sự an toàn của cộng đồng, của VĐV và các bộ phận liên quan phải được đặt lên trên hết. Cũng vì vậy, ngành Thể thao cần phải chung tay với xã hội để trước hết là không để dịch COVID-19 lây lan rộng ngoài cộng đồng. Và chỉ khi xã hội không có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng mới có thể tổ chức các giải thể thao.
Điều này cũng được chính những HLV, VĐV, nhà quản lý thể thao ở các địa phương chia sẻ. Như Trưởng bộ môn Bi sắt Hà Nội Đặng Xuân Vui kể lại thì trong giai đoạn cả xã hội phải giãn cách để phòng, chống COVID-19, bộ môn phải quán triệt cho các VĐV để hiểu rằng phải bảo đảm an toàn tối đa trong phòng, chống dịch nhằm giữ an toàn cho mình và cộng đồng. Còn các giải đấu thể thao không tổ chức lúc này thì sẽ tổ chức lúc khác. VĐV có sốt ruột, muốn được thi đấu giải đến mấy cũng phải chấp nhận.
Theo kế hoạch, trong năm 2020, Tổng cục TDTT phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức trên 150 giải đấu. Cũng vì dịch COVID-19 nên lịch thi đấu các giải liên tục thay đổi, trong đó Tổng cục TDTT có hai lần thông báo hoãn tổ chức các giải, để phù hợp với thực tế phòng, chống dịch. Thậm chí, nhiều giải đấu, như bóng đá chuyên nghiệp quốc gia còn đổi thể thức thi đấu. Nhiều giải đấu được dồn dịch vào cuối năm, hoặc tổ chức ghép để thúc tiến độ. Ngay việc tổ chức cũng diễn ra trong trạng thái “bình thường mới”, trong đó có việc hạn chế khán giả đến địa điểm thi đấu hoặc thi đấu trong tình trạng không khán giả đã trở nên quen thuộc.
Đến cuối năm 2020, ngành Thể thao Việt Nam đã tổ chức 148 giải đấu trong hệ thống thi đấu chuyên nghiệp và thành tích cao quốc gia, hoàn tất gần trọn vẹn mục tiêu tổ chức chức giải quốc nội. Theo nhận định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Nguyễn Hồng Minh thì các giải thể thao được tổ chức trong bối cảnh "bình thường mới" đã được người hâm mộ thể thao cả nước hoan nghênh, đón nhận. Đặc biệt các hoạt động bóng đá tổ chức trở lại đã gây tiếng vang lớn đối với truyền thông quốc tế và được coi là một minh chứng cụ thể cho kết quả của công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả ở nước ta.
Cũng phải kể thêm, nhiều nền thể thao khác ở Đông Nam Á đã không thể hoàn tất tổ chức thi đấu nhiều các giải quốc nội vì còn phải lo chống dịch COVID-19. Chỉ cần nhìn vào điều này cũng đủ thấy thể thao Việt Nam đã có một năm vượt khó như thế nào và rõ ràng đang được hưởng thành quả từ nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 của cả hệ thống chính trị cũng như của toàn dân.
Tiếp tục hướng đến tiêu chí an toàn
Trong năm 2021, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp Việt Nam dự kiến cũng có khoảng hơn 150 giải đấu. Như Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn khẳng định thì việc tổ chức thành công, an toàn các giải đấu này trong bối cảnh “bình thường mới” cũng là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt của thể thao Việt Nam trong năm 2021.
Tất nhiên, trong năm 2021, thể thao Việt Nam không chỉ có các giải quốc nội mà còn tổ chức một số giải quốc tế và đặc biệt là SEA Games 31. Nhưng nếu như các giải quốc tế còn phụ thuộc tình hình dịch COVID-19 trên thế giới hoặc và SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam sẽ nhận được cơ chế đặc biệt để bảo đảm an toàn thì tổ chức các giải đấu quốc nội vẫn sẽ đối mặt nhiều thách thức. Trong đó rõ nhất vẫn là sự chủ quan, lơ là dẫn đến thiếu ý thức phòng, chống dịch từ nhà tổ chức, khán giả. Chính vì vậy, liên tục đề cập, quán triệt về việc bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch cũng quan trọng không kém công tác chuyên môn.
Điều đó không chỉ mang lại sự an toàn cho cộng đồng, các thành phần tham dự cuộc chơi mà còn mang lại quyền lợi cho chính HLV, VĐV. Bởi ở nhiều địa phương, khoản thưởng ở giải quốc nội cũng mang đến nguồn thu nhập đáng kể cho VĐV. Như VĐV tại những môn nhóm 1 của thể thao Hà Nội trong đó có điền kinh, cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn súng… được nhận mức thưởng 14-8-6 triệu đồng tương ứng với HCV-HCB-HCĐ tại Giải vô địch quốc gia. Khoản tiền thưởng như vậy ít ra cũng giúp VĐV có một khoản đáng kể trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Thực tế, thể thao Việt Nam đã có nhiều bài học, kinh nghiệm từ việc phòng, chống dịch COVID-19 trong cả năm qua nên biết cách để tổ chức một giải đấu thực sự an toàn. Vấn đề giờ nằm ở ý thức, trách nhiệm của nhà tổ chức, để đời sống thể thao Việt Nam năm 2021 luôn sôi động, để VĐV có cơ hội thi đấu thay vì “tập chay” như VĐV nhiều nước khác.
Dự 18 cuộc thi đấu quốc tế trong năm 2020 Theo Tổng cục TDTT, trong năm 2020, do dịch COVID-19, thể thao Việt Nam chỉ tham dự được18 cuộc thi đấu quốc tế, giành được 26 HCV, 11 HCB, 8 HCĐ. Hiện nay, thể thao Việt Nam có 5 suất chính thức tham dự Olympic Tokyo ở môn: Bắn cung (2), Boxing (1), Thể dục dụng cụ (1), Bơi (1). Năm 2021, khi dịch COVID-19 được dự báo còn phức tạp, Tổng cục TDTT cũng chưa thể đưa ra con số cụ thể về số giải quốc tế mà thể thao Việt Nam sẽ góp mặt. M.K |
(Tin thể thao, tin điền kinh) Lê Tú Chinh cạnh tranh nảy lửa với đối thủ nhập tịch gốc Mỹ trong khi Nguyễn Thị Oanh được...
Nguồn: [Link nguồn]