Thể thao Việt Nam mơ huy chương Olympic: Chỉ có cách chờ..."thần đồng"?

(Tin thể thao, tin Olympic Tokyo) Sau Thế vận hội vừa diễn ra tại Nhật Bản, những người làm chuyên môn của thể thao Việt Nam đã có cái nhìn khách quan về cơ hội đua huy chương của VĐV nước nhà tại các kỳ Olympic tiếp theo.

  

Olympic Tokyo với nhiều điều chưa từng có trong lịch sử đã chứng kiến những dấu ấn khó quên của các đoàn thể thao. Hãy theo dõi những câu chuyện nóng ở Thế vận hội năm nay qua loạt bài của chúng tôi nhìn lại cuộc đua của một số đoàn thể thao ở giải năm nay, bắt đầu từ ngày 10/8.

Phần thi của Quách Thị Lan ở nội dung 400m vượt rào nữ Olympic Tokyo

Sân chơi ngày càng khốc liệt

Thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự Olympic Tokyo 2021 với 18 VĐV tham gia tranh tài ở 11 bộ môn. Tuy ít nhiều để lại những dấu ấn nhưng Thế vận hội tại Nhật Bản vẫn là nỗi buồn với người hâm mộ khi thể thao nước nhà không gặt hái được bất kỳ tấm huy chương nào.

Chuẩn tham dự Olympic sẽ ngày càng khó khăn hơn với các VĐV Việt Nam

Chuẩn tham dự Olympic sẽ ngày càng khó khăn hơn với các VĐV Việt Nam

Nhìn lại lịch sử, TTVN đã tham dự 9 kỳ Olympic trong vòng 41 năm qua kể từ Thế vận hội mùa hè Moscow 1980 ở Nga nhưng chúng ta mới giành được 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ, chỉ hơn đúng 1 HCB so với thành tích mà đoàn thể thao Philippines giành được tại kỳ Thế vận hội lần này.

Olympic Tokyo đã kết thúc nhưng câu hỏi liệu làm thế nào để TTVN không còn cảnh trắng tay ở những kỳ Thế vận hội tiếp theo vẫn là câu hỏi khó với những người làm chuyên môn.

Ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn điền kinh, Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT), đánh giá sự cạnh tranh ở các kỳ Olympic tiếp theo sẽ ngày càng khốc liệt hơn: “Chúng ta có thể thấy rằng Olympic năm nay tuy hai cường quốc thể thao là Mỹ và Trung Quốc vẫn thống trị BXH nhưng không còn mạnh mẽ như trước.

Thay vào đó, một số quốc gia khác, đặc biệt là khu vực châu Âu đã bắt đầu quay lại, có sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực thể thao. Họ là những nước mà con người có tầm vóc, thể hình tốt. Vì vậy sức cạnh tranh ở các kỳ Thế vận hội tới sẽ khốc liệt hơn, qua đó chuẩn Olympic sẽ ngày càng cao hơn”, ông Thủy nhận xét.

Tìm được “thần đồng” may ra điền kinh Việt Nam mới mơ huy chương Olympic

Tuy VĐV Quách Thị Lan (chạy 400 rào nữ) đã làm nên cột mốc lịch sử khi vào đến bán kết Olympic lần này nhưng điền kinh Việt Nam chưa thể giành được một tấm huy chương nào ở các kỳ Thế vận hội. Thậm chí việc có chuẩn Olympic, hay vượt qua được vòng đấu loại cũng là điều khó khăn với VĐV điền kinh Việt Nam tại đấu trường danh giá nhất thế giới, bởi khoảng cách về các thông số chuyên môn của chúng ta còn quá kém thế giới khá xa.

Quách Thị Lan cùng các chân chạy của điền kinh VN khó có cơ hội cạnh tranh huy chương ở kỳ Olympic tiếp theo

Quách Thị Lan cùng các chân chạy của điền kinh VN khó có cơ hội cạnh tranh huy chương ở kỳ Olympic tiếp theo

Lý giải về điều này, ông Dương Đức Thủy nói: “Tôi cho rằng tầm vóc, thể trạng lợi thế, nhưng đây không phải là yếu tố then chốt vì có những quốc gia có chiều cao tốt nhưng thành tích cũng không quá nổi bật. Mà vấn đề nằm ở khâu tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện của ta không đồng bộ và chỉ mang tính chắp vá.

Lĩnh vực khoa học thể thao của nước ta còn lạc hậu, không thể so sánh với các mô hình hiện đại ở các nước như Mỹ, Trung Quốc hay Nga được. Thậm chí họ có đội ngũ, máy móc tiên tiến để nghiên cứu sâu về từng VĐV xem mỗi VĐV có nhóm cơ phù hợp với nội dung thi đấu nào để định hướng và có chế độ bồi dưỡng riêng biệt.

Còn chúng ta, cơ sở vật chất chưa đủ tiêu chuẩn, chế độ dinh dưỡng thiếu thốn, kinh phí đầu tư cho thể thao ít ỏi, HLV nội chưa được đào tạo chuyên môn ở nước ngoài nhiều…thì khó có thể đòi hỏi VĐV điền kinh của ta đủ sức cạnh tranh huy chương Olympic”, ông Thủy nhận xét.

Điền kinh VN tạo "mưa vàng" ở SEA Games, nhưng quá nhỏ bé ở đấu trường thế giới

Điền kinh VN tạo "mưa vàng" ở SEA Games, nhưng quá nhỏ bé ở đấu trường thế giới

Đánh giá về khả năng giành huy chương của điền kinh Việt Nam tại Olympic Paris, ông Thủy cho rằng: “Thực tế mà nói, trừ khi điền kinh nước nhà phát hiện ra tài năng xuất chúng ở mức thần đồng và có một hệ thống đào tạo tốt hơn, nếu không cửa để giành huy chương trong 1-2 kỳ Olympic tới của điền kinh VN là không có”.

Olympic là một câu chuyện hoàn toàn khác

Trong khi đó, ông Đỗ Đình Kháng, Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ Việt Nam, nhìn nhận việc hai đô cử Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên không thể giành huy chương ở kỳ Thế vận hội lần này, dù có cửa tranh chấp với đối thủ, là một thất bại. Dù vậy, ông Kháng cho rằng để VĐV có bản lĩnh, tâm lý tốt hơn trong thi đấu phụ thuộc rất nhiều vào chính sách đầu tư cũng như chế độ đãi ngộ.

Các VĐV thể thao VN chịu nhiều thiệt thòi trong tập luyện và chịu gánh nặng về kinh tế

Các VĐV thể thao VN chịu nhiều thiệt thòi trong tập luyện và chịu gánh nặng về kinh tế

“Các VĐV nói chung và cử tạ nói riêng chịu khá nhiều thiệt thòi trong tập luyện. Làm sao giải quyết được vấn đề tài chính, giúp VĐV có thể yên tâm tập trung hoàn toàn cho việc tập luyện vẫn là một bài toán rất nan giải khi ngân sách cho thể thao còn nhiều hạn chế.

Có VĐV có phải dùng tiền công ít ỏi của mình để tự mua thực phẩm chức năng bổ trợ thêm. Trong khi VĐV theo cử tạ thường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chưa kể vấn đề chấn thương, nên chuyện tâm lý trong thi đấu là khó tránh khỏi”,ông Kháng nhận xét.

Dù thừa nhận thực tế bộ môn cử tạ sẽ không có nhiều sự thay đổi sau Olympic Tokyo mà vẫn tiếp tục các kế hoạch bấy lâu này, ông Đỗ Đình Kháng tin tưởng vào một thế hệ đô cử tài năng mới như Đỗ Tú Tùng, Ngô Xuân Đỉnh, Lại Gia Thành… sẽ có thể làm nên chuyện trong tương lai.

Để có thành công ở Olympic, các nhà chuyên môn nhận định phải đầu tư nhiều hơn cho thể thao thành tích cao

Để có thành công ở Olympic, các nhà chuyên môn nhận định phải đầu tư nhiều hơn cho thể thao thành tích cao

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục TDTT, khẳng định: “Một yếu tố then chốt để có thành công ở Olympic là phải đầu tư tốn kém cho thể thao thành tích cao. Để có huy chương Thế vận hội cần một quá trình chuẩn bị nhiều năm, được thực hiện có hệ thống và hệ thống đó phải được giám sát chặt chẽ. Nếu không làm được thì thể thao Việt Nam sẽ mãi tụt hậu ở đấu trường thế giới".

"Đúng là TTVN luôn đứng ở top dẫn đầu SEA Games nhưng cần lưu ý rằng trình độ của thể thao Đông Nam Á nhìn chung rất thấp, còn Olympic lại là một câu chuyện hoàn toàn khác”, ông Hồng Minh nói thêm.  

Sau 20 năm, Việt Nam vẫn ưu tiên SEA Games hơn Olympic

(Tin Olympic) "Olympic là tiền đề để hướng tới SEA Games". Câu nói đó của tay vợt nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phong ([Tên nguồn])
Đoàn Olympic Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN