Thể thao Việt Nam mơ huy chương Olympic: Cần hơn 6.000 tỷ đồng
Ngày 21/12, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du Lịch tổ chức Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, với rất nhiều trăn trở liên quan tới… tiền.
Nhất SEA Games nhưng đuối ở ASIAD, Olympic
Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 diễn ra trong bối cảnh thể thao Việt Nam (TTVN) vừa trải qua hai giải đấu quan trọng nhất trong năm là SEA Games và ASIAD.
Từ hai sân chơi này, ngành thể thao có cái nhìn rõ nhất về những thành công, thất bại, những tồn tại và hạn chế của thể thao nước nhà.
Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu dưới kỳ vọng ở ASIAD dù giành 136 HCV SEA Games
Rõ nhất là ở ASIAD 19 vừa diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc), đoàn TTVN giành 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, xếp thứ 21 trên bảng tổng sắp huy chương. Tính ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, chỉ đứng trên Myanmar (1 HCV), Brunei, Lào, Campuchia và Timor Leste (không có HCV nào).
Cần phải nhắc lại rằng ngay trước ASIAD 19, đoàn TTVN giành tới 136 HCV ở kỳ SEA Games 32 diễn ra tại Campuchia, vượt xa các đối thủ Thái Lan, Malaysia, Indonesia…
Từ thực tiễn các kỳ ASIAD và Olympic gần nhất, chỉ ra rằng đã tới lúc thể thao thành tích cao Việt Nam nếu không thay đổi cách đầu tư thì khó đi lên trong giai đoạn tới.
Đây chính là lý do mà Bộ VH, TT&DL, Cục TDTT tổ chức "Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030", trong ngày 21/12, với sự tham dự của hàng trăm chuyên gia, HLV, VĐV, giới truyền thông...
Chậm phát triển vì đâu?
Theo đánh giá của Cục TDTT, những nguyên nhân chính khiến thể thao thành tích cao Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế là do nguồn lực về tài năng VĐV trẻ chưa nhiều; các VĐV tranh chấp thành tích trên đấu trường Olympic và ASIAD chưa thực sự đạt và duy trì sự ổn định thành tích, cùng với đó là nguồn HLV nội có trình độ cao còn rất khiêm tốn, thiếu chuyên gia nước ngoài.
Ngoài ra, cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu thiếu thốn, VĐV thiếu các đợt tập huấn nước ngoài do vấn đề kinh phí, hệ thống thi đấu trong nước thiếu hiệu quả.
"Ở nước ta, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, thể thao thành tích cao đã có sự tiến bộ rõ nét, khẳng định vị thế trong khu vực Đông Nam Á và bước đầu tiếp cận trình độ thể thao của châu lục và thế giới. Tuy nhiên, sự phát thể thao thành tích cao của nước ta so với các nước trong châu lục và thế giới đang gặp những thách thức lớn cần đổi mới tư duy và cách làm thể thao thành tích cao.
Việc luôn là 1 trong 3 quốc gia có thành tích cao nhất tại khu vực Đông Nam Á nhưng không đạt được thành tích cao tại đấu trường thể thao châu lục và thế giới của thể thao Việt Nam xuất phát từ những vấn đề như sự cạnh tranh về thành tích thể thao ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia”, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết.
Những giải pháp được đưa ra nhằm giúp TTVN đi lên trong giai đoạn tới bao gồm: Quy hoạch, phân môn nhóm thể thao, xác định nội dung thế mạnh có khả năng cạnh tranh HCV ở ASIAD 2026 và Olympic 2024, 2028; Hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả huấn luyện tại các Trung tâm HLTTQG; Chăm lo, cải thiện chế độ, chính sách đặc thù với HLV, VĐV; Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ y học; Đẩy mạnh xã hội hóa; Bảo đảm nguồn lực về tài chính và phát triển kinh tế thể thao.
Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 đưa ra những mục tiêu đáng chú ý tại sân chơi SEA Games, ASIAD và Olympic. Theo đó, TTVN giữ vị trí top 3 toàn đoàn, top 2 ở các môn Olympic với đấu trường SEA Games. Với ASIAD 20 (Aichi - Nagoya 2026), TTVN phấn đấu giành 5-6 HCV, giành 7-8 HCV tại ASIAD 21 (Doha 2030).
Với đấu trường Olympic (2024), TTVN phấn đấu có từ 15-18 VĐV vượt qua vòng loại, ở các môn xe đạp, bắn súng, bơi lội, điền kinh, cử tạ, TDDC, taekwondo, boxing, đua thuyền, bắn cung, cầu lông... Còn tại Olympic 2028 phấn đấu có 20 VĐV vượt qua vòng loại.
Thể thao Việt Nam phấn đấu có từ 15-18 VĐV vượt qua vòng loại Olympic
Cần rất nhiều tiền
Theo thống kê, kinh phí dành cho thể thao thành tích cao trong năm 2022 là hơn 686 tỷ đồng, còn năm 2023 là hơn 710 tỷ đồng. Số tiền này phục vụ cho toàn bộ các hoạt động như tiền ăn, tiền lương, chế độ, tập huấn trong nước và quốc tế, thuê chuyên gia, dinh dưỡng, thuốc bổ... của hàng nghìn HLV, VĐV, chuyên gia…
Với kinh phí eo hẹp, việc đòi hỏi thành tích cao thực sự là một thách thức với ngành thể thao. Đề cập đến ngân sách tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp nâng tầm thể thao Việt Nam, Cục TDTT ước tính chia thành hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 2024 đến năm 2026, tập trung xây dựng kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện, chuẩn bị lực lượng tham dự Olympic 2024, SEA Games 2025 và ASIAD 2026. Đồng thời đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ bảo đảm chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao.
Giai đoạn này cần khoảng 800 đến 850 tỉ đồng/năm, như vậy sẽ cần tổng cộng 2.400 tỷ đến 2.550 tỷ đồng cho giai đoạn này.
Giai đoạn 2 từ năm 2027 đến năm 2030, tập trung thực hiện những nhiệm vụ chính gồm triển khai kế hoạch tập huấn và thi đấu trong nước và quốc tế. Chuẩn bị lực lượng tham dự các kỳ Olympic 2028, ASIAD 2030 và SEA Games 2027 và 2029.
Giai đoạn này cần khoảng 850 đến 900 tỷ đồng/năm, như vậy sẽ cần tổng cộng 3.400 tỷ đến 3.600 tỷ đồng cho giai đoạn này.
Như vậy, tổng cộng TTVN cần nguồn kinh phí khoảng 5.800 đến 6.150 tỷ đồng để nâng tầm, hướng tới các giải đấu quan trọng.
Tính toán là vậy, nhưng khi được hỏi số tiền lớn như trên sẽ được huy động như nào, ngành thể thao thực sự bế tắc bởi ngoài ngân sách được rót hàng năm, số tiền từ xã hội hóa rất khó thực hiện bởi thực tế hiện nay mới chỉ có bóng đá là sống khỏe bằng kinh phí từ nguồn này.
(Tin thể thao) “Chân dài“ làng bóng chuyền Thiên Thanh, nhị đẳng huyền đai Karatedo Ngọc Hằng, hot girl bóng rổ Thu Hằng hay người đẹp điền kinh Phạm Thị Như gây chú ý tại các...
Nguồn: [Link nguồn]