Thể thao Việt Nam: Lãng phí tài năng vì lý do lãng xẹt
Tiến Minh thua trận bán kết, chỉ giành HCĐ Giải Cầu lông vô địch thế giới 2013 ngày thứ bảy vừa rồi khiến nhiều người nuối tiếc. VĐV Việt Nam có đẳng cấp thế giới song chưa một lần bước lên “đỉnh” như Minh không hiếm. Ngoài nguyên nhân xuất phát từ điểm tới hạn của chính các VĐV, những biện pháp hỗ trợ và nâng bước của ngành Thể thao cũng “góp phần” quan trọng.
Tiến Minh và câu chuyện nhân viên . . . Massage
Trong thể thao, yếu tố phục hồi rất quan trọng, nhiều khi quyết định đến thành tích chung cuộc. Cơ địa của bản thân VĐV, quá trình tích lũy thể lực là những yếu tố không thể bỏ qua, song tính hiệu quả của các phương pháp vật lý trị liệu nhiều khi mang tính sống còn với những môn như cầu lông, quần vợt.
Có một thực tế là bất kỳ ai trong số 20 VĐV cầu lông hàng đầu thế giới cũng có nhân viên massage đi kèm ở các giải đấu. Lin Dan hay Chen Jin của Trung Quốc luôn kè kè 2 nhân viên massage còn Lee Chong Wei thậm chí luôn có ekip 3 người, một bác sỹ và 2 nhân viên vật lý trị liệu đi theo phục vụ.
Có một câu chuyện bi hài khác liên quan đến tay vợt vừa lọt vào Top 5 thế giới này. Số là từ rất lâu anh chỉ tập chay vì không có người đối luyện xứng tầm. Duy nhất có thời điểm trước Olympic 2012, Sở VH, TT&DL phối hợp cùng Liên đoàn Cầu lông TP HCM bỏ ra 3.000 USD/tháng thuê Adi Pratama, tay vợt 18 tuổi người Indonesia, sang Việt Nam tập cùng Tiến Minh.
Quang Liêm không có người dạy
Điều trớ trêu là từ khi vươn lên tầm Kiện tướng Quốc tế, kỳ thủ Lê Quang Liêm không có người dẫn dắt. HLV nội không đủ trình độ, HLV ngoại thì không đủ tiền thuê vì học phí dao động 4.000 - 7.000 euro/tháng.
Đến khi tìm được HLV Athur Kogan người Israel gốc Ukraine để học... qua internet và gia đình tự trang trải kinh phí, Quang Liêm lại vướng mắc chuyện thủ tục. Các ngân hàng không chấp nhận email giao dịch giữa Quang Liêm và HLV Kogan.
Chạy ngược chạy xuôi cộng thêm sự tác động của ngành Thể thao, cuối cùng cũng có Ngân hàng ANZ chấp nhận cho Quang Liêm... trả tiền học phí.
Tài năng của Vũ Thị Hương bị phí phạm vì những lý do ngoài chuyên môn
Thiếu nhạy cảm khi chọn HLV
Trường hợp VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn, “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương và “Kình ngư sông Hàn” Hoàng Quý Phước - những người rất cá tính - lại éo le theo kiểu khác, nhưng đều xung quanh câu chuyện chọn HLV cho các tuyển thủ này. Tất cả đều khiến các tuyển thủ tài năng này sa đà vào những câu chuyện phi chuyên môn thay vì dành thời gian và công sức cho tập luyện, thi đấu.
Á quân Olympic 2008 đã có thời điểm nhất quyết không tuân theo giáo án luyện tập của chuyên gia cử tạ Stephan Tupurov người Bulgaria vì cho rằng ông này trình độ kém. Với nhận định “HLV nào cũng bị Anh Tuấn chê”, cuối cùng ngành Thể thao quyết định để ông HLV Phạm Danh Tốn, người cũng không được Anh Tuấn phục về chuyên môn, làm HLV nhưng ít ra còn... góp ý được với VĐV này.
Trước chuyến sang Mỹ tập huấn của Quý Phước, giới chuyên môn đã dự báo trước mâu thuẫn nội bộ sẽ phát sinh. Quả nhiên, 6 tháng tại Florida tốn 150.000 USD đã trở thành công cốc khi các đương sự về sau cho hay Quý Phước chỉ nghe thầy trực tiếp tại Đà Nẵng là Nguyễn Tấn Quảng trong khi người chịu trách nhiệm về chuyên môn lại là HLV Đặng Anh Tuấn.
Về phần mình, VĐV chạy nước rút Vũ Thị Hương luôn tuyên bố chỉ thi đấu nếu HLV là 1 trong 2 người: Dương Đức Thủy và Nguyễn Đình Minh. Trường hợp này, ngành Thể thao lại “mềm mỏng” quá mức khi giao khoán cho 2 HLV kể trên, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên môn. Kết quả là: Ông Thủy bị quy trách nhiệm khi Hương... ly dị chồng năm 2005 còn ông Minh phải công khai nhận lỗi việc Hương bị chấn thương ở Đức, mất trắng 44.000 USD cho chuyến tập huấn và thất bại thảm hại tại SEA Games năm 2011.